Ôn-ga và Hít-le.

Năm 1920, Ôn-ga Côn-xtăng-tin-nô-va, cô cháu gái của nhà viết kịch, nhà văn kiệt xuất thời An-tôn Sê-khốp tới thủ đô Béc-lin với hy vọng mở ra chân trời kịch nghệ cho chính mình. Bằng sắc đẹp trời phú và khả năng diễn xuất tuyệt vời cũng như sự nhạy cảm thiên phú, Ôn-ga luôn nhập vai rất ngọt.

Cô nhanh chóng có được một lượng lớn người hâm mộ, trong đó có rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong chính quyền phát xít. Đặc biệt, Ôn-ga còn trở thành một trong những nữ minh tinh được Đức Quốc trưởng A-đôn Hít-le yêu thích nhất. Tuy nhiên, tới phút cuối của cuộc đời, trùm phát xít này vẫn không biết rằng Ôn-ga là một điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Liên Xô (GRU).

Số là trước khi sang Đức, Ôn-ga đã trở thành người của công chúng tại Mát-xcơ-va. Năm 1922, Ôn-ga cùng chồng xin di cư sang Đức. Việc này nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của GRU. Đích thân trưởng phòng phản gián quốc tế của GRU, Y. Bê-rin đã mời Ôn-ga tới gặp và đặt vấn đề hợp tác với cam kết không làm gì tổn hại tới sự nghiệp điện ảnh của cô. Được khích lệ bởi lòng yêu nước, Ôn-ga đã đồng ý. Một lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo cấp tốc và tất nhiên là rất bí mật được mở với riêng học viên đặc biệt Ôn-ga. Trước khi lên đường, Bê-rin còn trao cho Ôn-ga một lượng lớn ngoại tệ làm kinh phí hoạt động.

Sự hợp tác giữa Ôn-ga và tình báo Liên Xô sau này được Xéc-gô Bê-ri-a, con trai của trùm an ninh Liên Xô La-vren-ti Bê-ri-a khẳng định trong một cuốn sách viết về cha mình. Theo Xéc-gô, Ôn-ga đã hợp tác nhiều năm với cha ông, thậm chí còn tham gia vào một kế hoạch ám sát Hít-le vào giai đoạn cuối chiến tranh. Kế hoạch này đã bị nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô lúc đó là Xta-lin bác bỏ vì cho rằng sau khi Hít-le chết, chính quyền Đức Quốc xã sẽ kí hiệp định hòa bình với Đồng minh và Mát-xcơ-va sẽ bị gạt ra ngoài lề.

Trở lại hành trình của nữ minh tinh màn bạc, sau khi phe phát xít lên nắm quyền ở Đức, Ôn-ga đã trở thành át chủ bài tuyên truyền qua phim ảnh của chính quyền phát xít. Hít-le đã phong cho Ôn-ga danh hiệu "Nghệ sĩ quốc gia của Đệ tam đế chế" và thường xuyên mời nữ minh tinh này tham gia các buổi yến tiệc, dạ hội, chiêu đãi, kể cả ở cấp nhà nước. Trong những lần xuất hiện đó, Ôn-ga trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm, chú ý của các quan chức phát xít cấp cao. Ngoài Đức Quốc trưởng, Ôn-ga còn trở thành người phụ nữ được Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Gơ-ben mến mộ nhất.

Nhưng không ai ngờ rằng Ôn-ga đã lợi dụng triệt để những cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các quan chức cao cấp của chính quyền phát xít để moi tin cũng như dùng sự thính nhạy của đôi tai để lắng nghe sự bàn bạc, trao đổi giữa các nhân vật tai to mặt lớn bên bàn tiệc. Sau đó, Ôn-ga bí mật chuyển những tin tức thu thập được về Mát-xcơ-va. Mặc dù cho tới nay người ta vẫn chưa rõ Ôn-ga đã lập được những chiến công gì cho ngành tình báo Liên Xô, nhưng rõ ràng Ôn-ga là một trong những điệp viên Xô-viết nằm ổ lâu nhất trong lòng Đức Quốc xã mà không bị phát hiện.

Từ năm 1922 tới khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, Hít-le và tất cả các cơ quan tình báo phương Tây vẫn không phát hiện được thân phận thật của Ôn-ga. Tầm quan trọng của điệp viên Ôn-ga cũng được thể hiện qua việc cơ quan tình báo Liên Xô đã cử một chiếc máy bay tới đón Ôn-ga về Mát-xcơ-va khi Hồng quân Liên Xô tấn công Béc-lin. Sau một thời gian ở lại Liên Xô với lí do thăm quê, Ôn-ga đã trở lại Đức, mở một công ty sản xuất đồ mỹ phẩm để mưu sinh. Năm 1980, Ôn-ga mất ở tuổi 82.

Theo: HNM-Vân Khánh (Theo Trung Quốc Nhật báo)