QĐND - Trong chặng đường lịch sử 50 năm, có 38 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 34 vị tướng trước đó từng là lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn qua các thời kỳ... Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) là một trong những “chiếc nôi” sản sinh ra các anh hùng và tướng lĩnh của Quân đội ta.
 |
Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9) đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào đầu năm 2015. |
Đại tá Lương Đình Lành, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, giới thiệu với chúng tôi: “Đơn vị là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên ra đời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chỉ 2 tháng sau ngày thành lập (2-9-1965), sư đoàn đã ra quân trận đầu và lập chiến công vang dội ở khu vực Bầu Bàng, Dầu Tiếng, đánh bại Lữ đoàn 173 thuộc Sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ, ghi dấu ấn trên chiến trường miền Nam. Với truyền thống “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 đã lập nên những chiến công hiển hách, được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
Trong thành tích chung của sư đoàn có sự đóng góp không nhỏ của các cá nhân anh hùng, những tấm gương tiêu biểu gắn với chiến công đã đi vào sử sách. Trung tá Phạm Hồng Sơn, Phó chủ nhiệm Chính trị sư đoàn, kể: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở chiến trường miền Nam có anh hùng Trừ Văn Thố được ví như “Phan Đình Giót của miền Nam”. Anh là chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm thuộc Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9)”.
Lịch sử sư đoàn ghi rõ, ngày 18-10-1963, trong trận đánh bốt Cây Trường ở huyện Bến Cát (Bình Dương), Trừ Văn Thố đã lập chiến công xuất sắc khi được giao nhiệm vụ cùng một tổ đánh vào khu cố thủ của địch ở hướng chủ yếu. Trận chiến ác liệt, nhiều chiến sĩ bị hy sinh. Không do dự, Trừ Văn Thố ôm bộc phá lao lên, một loạt đạn trung liên từ lỗ châu mai bắn ra. Bị trúng đạn, anh bị thương rất nặng, nhưng vẫn ôm bộc phá, cố trườn tới lô cốt địch. Tiếng bộc phá nổ vang, hỏa lực địch im lặng, vài giây sau chúng lại tiếp tục bắn ra. Anh Thố rút thủ pháo ném vào lô cốt, nhưng hỏa lực địch vẫn bắn mạnh cản trở đội hình tiến công của bộ đội ta. Trước tình thế cấp bách, Trừ Văn Thố đang bị thương nặng vẫn cố nhoài người đứng dậy lao vào lỗ châu mai, lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên của địch, tạo thời cơ cho đồng đội xung phong giành thắng lợi hoàn toàn. Sự hy sinh anh dũng của anh trở thành niềm tự hào của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1965.
Cũng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở Trung đoàn 2 còn có Anh hùng Nguyễn Minh Chữ (sau này là Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 9), bị thương nặng vẫn không rời trận địa. Trong trận đánh Ta Xết tháng 3-1970, Nguyễn Minh Chữ được giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng, kiêm y tá đại đội. Khi đơn vị đang tiếp cận trận địa thì bị lộ, địch bắn ra dữ dội, hai trung đội bị lạc đường, đồng chí Chữ đã băng qua hỏa lực địch, tìm và đưa bộ phận bị lạc trở về đội hình chiến đấu kịp thời. Nguyễn Minh Chữ chỉ huy nhanh nhẹn, dũng cảm, vừa tiêu diệt địch, vừa băng bó, cấp cứu cho đồng đội. Trận đánh kết thúc, địch trút pháo vào trận địa, đồng chí xung phong ở lại tìm kiếm, băng bó, cấp cứu và lần lượt chuyển 4 thương binh ra nơi an toàn, đưa được cả súng của thương binh về đơn vị. Nguyễn Minh Chữ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 1972.
Mới đây, chúng tôi có dịp gặp Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nhương, nguyên Chính trị viên Đại đội súng máy 12,7mm, thuộc Trung đoàn 95C (nay là Trung đoàn 3, Sư đoàn 9). Gần 30 năm trong quân ngũ, ông tham gia 175 trận đánh. Anh hùng Nguyễn Văn Nhương kể: “Suốt 40 ngày đêm nơi "túi bom" Quảng Trị, sân bay Tà Cơn năm 1968 là khoảng thời gian ác liệt nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Đợt đó, đại đội tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với phân đội ĐKZ và bộ binh áp sát căn cứ sở chỉ huy và khu hậu cần của Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, bao vây chặt, triệt phá sân bay, cắt đường tiếp tế hàng không của địch. Để phát huy hỏa lực cao nhất và tiết kiệm đạn, tôi đã đề nghị đơn vị đưa khẩu đội 12,7mm áp sát hàng rào địch, vừa bắn máy bay lên xuống, vừa đánh bộ binh địch, làm cho chúng hoang mang. Phát hiện ra trận địa của ta, địch đã huy động tối đa lực lượng, máy bay thả bom. Một quả bom rơi sát trận địa làm anh em trong khẩu đội 12,7mm bị thương gần hết, trong đó có tôi bị thương nặng. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm bám trận địa. Địch quần thảo dữ dội, tình thế nguy cấp, đạn của ta sắp hết, tôi nảy ra sáng kiến tháo rời băng đạn để không bắn liên thanh, mà bắn tỉa phát một. Với số đạn ít ỏi, lại phải đảm nhiệm thay chức trách của đồng đội bị thương, tôi vẫn bắn rơi 3 chiếc máy bay của địch. Vết thương ra máu nhiều, tôi tự xé áo băng bó để tiếp tục chiến đấu. Trong trận này, chúng tôi đã bắn rơi 17 máy bay, diệt nhiều tên địch, riêng tôi bắn rơi 7 chiếc”. Năm 2010, Trung tá Nguyễn Văn Nhương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân…
Ngoài 38 tập thể, cá nhân anh hùng, Sư đoàn 9 còn là "chiếc nôi" sản sinh ra nhiều vị tướng trong quân đội. Tiêu biểu như các đồng chí: Đại tướng Lê Văn Dũng, Thượng tướng Hoàng Cầm, Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn… đều từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9. Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Chính ủy Sư đoàn, khẳng định: “Truyền thống đoàn kết, anh dũng, sáng tạo; môi trường rèn luyện thích hợp và tinh thần sẵn sàng hy sinh quên mình vì nhiệm vụ chính là những yếu tố bồi đắp nên hành động anh hùng của cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn. Truyền thống vẻ vang đó là niềm tự hào cho thế hệ hôm nay học tập, phát huy, tiếp tục tô thắm trang sử vàng của sư đoàn chủ lực đầu tiên trên chiến trường miền Đông “gian lao mà anh dũng”.
Bài và ảnh: SƠN THÀNH – NGUYỄN KHANG