Phòng truyền thống các đơn vị, cơ quan, nhà trường là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày những hiện vật, tư liệu quý, mang ý nghĩa lịch sử của cá nhân, tập thể trong quá trình xây dựng, trưởng thành. Những hiện vật "biết nói" có tác dụng không nhỏ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, trang sử hào hùng, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu hơn về thành tích, chiến công, những trận đánh tiêu biểu và cả sự hy sinh, mất mát... của các thế hệ cha anh đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Trong một phòng truyền thống (ảnh minh họa)
|
Mỗi đợt tuyển quân, phòng truyền thống các đơn vị dường như sôi động hơn bởi các hoạt động tham quan, kể chuyện, giáo dục truyền thống. Một trong những bài học đầu tiên đối với chiến sĩ mới là giáo dục truyền thống của quân đội, của đơn vị, quê hương... Nếu biết khai thác hiệu quả, phòng truyền thống còn phục vụ tốt cho công tác huấn luyện, SSCĐ khi giới thiệu về các chiến lệ, trận đánh tiêu biểu, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu...
Phòng truyền thống được nhiều đơn vị quan tâm xây dựng, củng cố, bổ sung tư liệu, hiện vật, nhất là trong các dịp kỷ niệm, đáp ứng nhu cầu tham quan, giáo dục truyền thống của đơn vị nói chung, chiến sĩ mới nói riêng. Tuy nhiên, việc xây dựng, hoạt động của các phòng truyền thống hiện nay ở không ít đơn vị chưa hiệu quả, chưa hợp lý cả về vị trí xây dựng cũng như cách trang trí, trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật...
Theo thiết kế của ngành doanh trại, thường các phòng truyền thống được xây dựng "kín đáo" trên tầng 2 của hội trường, nên ít cán bộ, chiến sĩ biết đến. Nhiều phòng truyền thống diện tích chật hẹp, không đủ không gian tối thiểu để trưng bày các hiện vật, tư liệu, bảng ảnh; có đơn vị phòng truyền thống được sử dụng như "kho" bảo quản vật chất của cơ quan chính trị, tuyên huấn.
Hiện vật, kỷ vật tại phòng truyền thống một số đơn vị còn sơ sài, bị xuống cấp, mai một qua thời gian... không đáp ứng được yêu cầu giới thiệu, truyền tải một cách có hệ thống, sinh động, trực quan... để cán bộ, chiến sĩ dễ hiểu, dễ nhớ, thấy hết giá trị lịch sử truyền thống của đơn vị. Thêm nữa, hầu hết các đơn vị không có nhân viên được đào tạo, tập huấn về lĩnh vực này, nên việc trưng bày, bố trí trong phòng truyền thống thiếu khoa học, thậm chí sai quy định; hình ảnh, hiện vật của giai đoạn này "lạc" sang giai đoạn khác; kích cỡ ảnh chưa phù hợp, chú thích ảnh thiếu chuẩn xác... Có đơn vị trong dịp kỷ niệm, nhân viên phòng truyền thống không nắm chắc lịch sử, khi thuyết minh còn nhầm lẫn, lúng túng... nên cựu chiến binh của đơn vị đến tham quan phải thuyết minh lại cho "chuẩn" với sự kiện lịch sử.
Để khắc phục tình trạng trên, khi thiết kế, xây dựng, nâng cấp phòng truyền thống, bảo tàng... cán bộ các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần..."mạnh ai nấy làm". Phòng truyền thống cần bố trí ở những vị trí thoáng đãng, dễ thấy, tiện lợi không chỉ với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, mà còn góp phần giao lưu, giáo dục truyền thống của quân đội, đơn vị với nhân dân địa phương nơi đóng quân, nhất là với thanh, thiếu niên. Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng truyền thống ở đơn vị cơ sở, cơ quan tuyên huấn, bảo tàng các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ về cách trang trí, trưng bày, bảo quản tư liệu, hiện vật; nội dung, phương pháp thuyết minh... để nhân viên phòng truyền thống thực hiện thống nhất. Dù là nhân viên kiêm nhiệm, các đơn vị cần ưu tiên lựa chọn các đồng chí làm nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu ở phòng truyền thống có kiến thức, ngoại hình khá, giọng nói chuẩn và đặc biệt phải luôn tích cực nghiên cứu, sưu tầm, làm phong phú thêm kho tư liệu, hiện vật cũng như sự hiểu biết về lịch sử, truyền thống của đơn vị.
BẮC VĂN và DƯƠNG MẠNH TIẾN