QĐND - Sáng 14-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày được UBTVQH đánh giá cao. Trong đó, phương án đề nghị tăng thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ lên 24 tháng được nhiều ý kiến tán thành.

Đề xuất phương án 24 tháng

Giải thích về lý do dự thảo luật đề xuất tăng thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ lên 24 tháng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: “Hiện nay, quân đội đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị. Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: Cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, công tác dân vận... Mặt khác, do luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng), nên hằng năm phải tổ chức tuyển quân, giải quyết xuất ngũ hai đợt, gây tốn kém về vật chất và thời gian.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, không phân biệt hạ sĩ quan và binh sĩ với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là cần thiết.

Làm rõ hơn vấn đề này, Đại tướng Phùng Quang Thanh phân tích: “Điều này còn nhằm bảo đảm công bằng. Cùng nhập ngũ, cùng một địa phương nhưng có người đi 24 tháng, có người 18 tháng mà tâm lý chung anh em đều muốn 18 tháng. Mặt khác, nếu  quy định thời hạn 24 tháng thì việc chọn những đồng chí có trình độ cao đi đào tạo sẽ thuận lợi hơn. Nếu thời hạn chỉ có 18 tháng thì những anh em được đi đào tạo trung đội trưởng, tiểu đội trưởng lại phải thêm 6 tháng tại ngũ, nên nhiều anh em không muốn. Số 24 tháng huấn luyện tốt trong thời bình đưa vào lực lượng dự bị động viên khi có tình huống có thể vào tham gia tác chiến được ngay”. Giải thích này được nhiều ủy viên UBTVQH  tán thành, đánh giá cao.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Chỉ tạm hoãn nghĩa vụ với sinh viên hệ chính quy

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ. Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tờ trình của Chính phủ cũng cho rằng: “Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), số lượng gọi nhập ngũ rất ít, nên việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khăn, nếu được quy định vào luật sẽ chưa có tính khả thi. Qua nghiên cứu Luật Nghĩa vụ quân sự của một số quốc gia trên thế giới, có rất ít quốc gia quy định nghĩa vụ thay thế, nếu có quy định cũng rất hạn chế và phải được Hiến pháp quy định. Vì vậy, Chính phủ đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo luật.

Còn ba loại ý kiến khác nhau

Đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết, về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ  hiện có ba loại ý kiến:  Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí với dự thảo Luật tăng thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị quy định một thời hạn chung là 18 tháng. Loại ý kiến thứ ba: Đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng…

Thường trực Ủy ban thấy rằng, đây là nội dung rất quan trọng của Luật NVQS. Theo Tờ trình của Chính phủ, thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ thống nhất là 24 tháng. Tuy nhiên cần có đánh giá tác động khách quan, khoa học và toàn diện hơn các mặt thuận lợi, tích cực và khó khăn, hạn chế của mỗi phương án để có sự lựa chọn phù hợp hơn.

Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 18 tháng, song phải kết hợp chặt chẽ các giải pháp đổi mới công tác tuyển quân, nhất là tuyển được nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường đại học và cao đẳng vào thực hiện NVQS tại ngũ, sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp; đổi mới công tác tổ chức huấn luyện…

Nên mở rộng khái niệm nghĩa vụ quân sự

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý việc làm rõ hơn khái niệm nghĩa vụ quân sự. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là khái niệm rất rộng, bao hàm cả việc rèn luyện con người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua gian lao để trưởng thành. “Bây giờ các đồng chí cứ hình dung các con mình vào đại học, đi nước ngoài về mà không biết bảo vệ Tổ quốc là gì thì không được. Phải trải qua rèn luyện mới vững vàng. Tôi rất mong chuyện này được thực hiện tốt hơn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chung quan điểm đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị mở rộng hơn định nghĩa về nghĩa vụ quân sự và kiến nghị không nên mở rộng đối tượng miễn, hoãn nghĩa vụ quân sự mà nên thu hẹp lại. Ông Dũng kiến nghị nên tham khảo kinh nghiệm ở Hàn Quốc, bất kỳ ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, kể cả giáo sư cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có đối tượng thực hiện nghĩa vụ từ năm 18 tuổi nhưng cũng có đối tượng sau này học đại học xong mới tham gia.

Nhắc lại tinh thần của bản Hiến pháp mới nêu rõ: “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể miễn nghĩa vụ quân sự mà nên xử lý theo hướng công dân làm nghĩa vụ xong mới đi học đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai kiến nghị đề xuất quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ hoặc 18, hoặc 24 tháng cho thống nhất. Bà Mai cũng đề nghị nên xây dựng một điều nguyên tắc để bảo đảm thực hiện, cứ đến tuổi thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, tiến tới trở thành đạo đức xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất, cần đổi mới hình thức tuyển chọn công dân nhập ngũ, như những người học hàng hải xong thì đưa vào lực lượng hải quân, học hàng không thì đưa vào không quân để vừa nâng cao chất lượng nguồn tuyển quân, vừa có thể rút ngắn thời gian huấn luyện.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhất trí với phương án nâng thời gian phục vụ ngũ lên 24 tháng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết thêm: Kiến nghị mở rộng đối tượng và hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự rất đáng ghi nhận nhưng còn liên quan tới nhiều vấn đề về chi phí, tổ chức biên chế tăng lên nên cần phải được tính toán khoa học, hợp lý. Cũng theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, từ năm 2015, sẽ đổi mới phương thức tuyển quân, hướng tới các đối tượng đã qua đào tạo đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng nguồn tuyển quân.

Theo dự kiến, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được  cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

NGUYÊN MINH