 |
Sinh hoạt tài chính công khai tháng 3-2008 ở Kho KT 789.
|
Lúc sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “
Các chú phải làm thế nào để một bát gạo, một đồng tiền... phải đi thẳng đến chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”. Thực hiện lời dạy của Người, từ năm 2004 đến nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho các cơ quan, đơn vị trong quân đội tổ chức phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt”. Ở Tổng cục Kỹ thuật, phong trào này đã thiết thực góp phần xây dựng đơn vị VMTD. Dưới đây là ghi nhận của chúng tôi qua thâm nhập thực tế ở các đơn vị cơ sở.
Mở rộng dân chủ, nâng cao nhận thức của bộ đội
Tại phiên họp kinh tế công khai tháng 3-2008 của Kho KT 789 (Cục Kỹ thuật Binh chủng), rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trong kho giơ tay xin phát biểu chất vấn, góp ý về tình hình quản lý tài chính của đơn vị. Đồng chí Lộc, một công nhân viên quốc phòng mới được chuyển quân nhân chuyên nghiệp thắc mắc về thâm niên công tác của mình. Chiến sĩ Ninh thẳng thắn góp ý về tình trạng bếp ăn nấu cơm có bữa còn sống, việc chia canh bằng bát tô loại nhỏ không bảo đảm định lượng. Đồng chí Quân, cán bộ trung đội đề nghị cấp trên đổi giường mới cho bộ đội vì nhiều chiếc giường đã quá cũ. Nhiều ý kiến khác đề nghị cơ quan tài chính giải thích về tiêu chuẩn tiền ăn của bộ đội tăng-thiết giáp bánh xích khác với bánh lốp như thế nào?
Lần lượt từng ý kiến thắc mắc đã được cán bộ ban tài chính, ban hậu cần giải thích cặn kẽ cho đến khi từng cá nhân có ý kiến thắc mắc được giải đáp thỏa đáng (hoặc có ý kiến hỏi thêm) về vấn đề đã nêu thì buổi họp mới chuyển sang nội dung mới là phổ biến các tài liệu mới nhất về công tác tài chính. Tại buổi họp này, chúng tôi đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nghe Thiếu tá Khuất Duy Bình, trưởng ban tài chính Kho KT 789 giải thích về Thông tư 114 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chế độ thanh toán công tác phí và công văn 173 của Bộ về định mức tiền ăn mới... Đại tá Phùng Xuân Hồng, chủ nhiệm kho bày tỏ: “Việc giải đáp cặn kẽ từng ý kiến thắc mắc trong sinh hoạt tài chính công khai và việc tuyên truyền, quán triệt các chính sách, tiêu chuẩn mới đều nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ với công tác tài chính: để đồng tiền đi thẳng đến chiến sĩ”.
Kể từ khi thực hiện phong trào “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”, các đơn vị trong toàn Tổng cục Kỹ thuật đã chú trọng việc công khai tài chính hằng tháng, coi đó là một trong những biện pháp chính tăng cường sự minh bạch trong sử dụng ngân sách. “Qua những buổi kinh tế công khai, nhận thức của bộ đội về công tác tài chính lại được nâng lên một bước và chính điều này cũng giúp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham gia có hiệu quả hơn vào hoạt động quản lý tài chính” – Thiếu tá Khuất Duy Bình chia sẻ kinh nghiệm của Kho KT 789 như vậy.
Thiết thực chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ
Trước đây, nhiều người nghĩ đến công tác tài chính chỉ đơn giản là những hoạt động của cơ quan tài chính - “cấp và phát”. Thực tế phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” đã làm thay đổi suy nghĩ đó.
Một trong “10 tiêu chuẩn của đơn vị quản lý tài chính tốt” là tổ chức tốt phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm đã được các đơn vị trong Tổng cục Kỹ thuật quan tâm thực hiện. Về Kho 822 (Cục Quân khí), một đơn vị dẫn đầu phong trào tăng gia của cục, Thiếu tá Trần Văn Thành, trưởng ban tài chính kho cho biết: “Trước kia, chúng tôi chăn nuôi theo mô hình tập trung, cử người chăn thả theo giờ hành chính nên không ai làm thêm giờ, dẫn đến hiệu quả thấp. Cơ quan tài chính cùng cơ quan hậu cần đã tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy kho thực hiện “khoán” trong tăng gia sản xuất. Kho đầu tư toàn bộ vốn, giống; lợi nhuận tăng thêm thì thưởng 50% cho bộ phận lao động trực tiếp, lợi nhuận còn lại thì chủ yếu để cải thiện đời sống cho toàn đơn vị. Nhờ làm tập trung nên cơ quan tài chính đã chủ động tìm nguồn đầu tư vốn giống, ví dụ như ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của Xí nghiệp phân bón Sông Âm, chỉ phải trả 1/3 vốn ban đầu, 2/3 còn lại thì trả sau thu hoạch nên đã khắc phục tình trạng thiếu vốn”. Kết quả là lợi nhuận tăng gia ở Kho 822 không ngừng tăng lên, riêng năm 2007 đạt hơn 400 triệu đồng.
Ở khía cạnh khác, phong trào thi đua đã tác động sâu sắc đến quá trình phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, chống chi tiêu vượt ngân sách. Như ở Kho 822, nhờ tận dụng vật tư tại chỗ (tre, luồng, giẻ lau, củi đốt...) trong xử lý đạn cấp 5, bộ phận kỹ thuật đã tiết kiệm được 50 triệu đồng/năm trong chi phí xử lý đạn. Hoặc ở Kho J106 (Cục Xe - Máy), do bão lụt năm 2007 khiến hệ thống tường rào quanh kho bị đổ, kinh phí xây lại khá lớn, trên duyệt chi xong thì “bão giá” ập đến, khiến dự toán ban đầu bị “lạc hậu” nhanh chóng. Đảng ủy, chỉ huy kho đã yêu cầu cơ quan tài chính tiếp cận thị trường, mua được vật liệu với giá rẻ, đồng thời kêu gọi mọi cán bộ, chiến sĩ đóng góp công sức, “biến ngày công thành tiền bạc” nên việc xây dựng không bị vượt chi... Tất cả những hoạt động đó, vừa là xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt, đồng thời thiết thực góp phần cải thiện đời sống bộ đội, để bộ đội nhận rõ lợi ích của phong trào thi đua rất ý nghĩa này.
Đại tá Phạm Xuân Trường, cán bộ thường trực Ban chỉ đạo phong trào xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” của Cục Kỹ thuật Binh chủng đánh giá: “Điểm mạnh rõ nét nhất của phong trào là cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về công tác tài chính, hoạt động thực hành tiết kiệm ngày càng đi sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống bộ đội. Như trong hoạt động mua sắm vật tư, các đơn vị ngày càng nắm chắc giá cả để có sự lựa chọn mặt hàng, công tác bảo quản vũ khí – trang bị với ý thức tiết kiệm dầu, giẻ đã làm lợi hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt là ý thức tiết kiệm điện tăng lên rất rõ, toàn cục hiện không có đơn vị nào tiêu quá tiền điện, một điều mà trước khi thực hiện phong trào này chưa bao giờ làm được”.
Bài, ảnh: Nguyễn Hồng