Giờ tăng gia của bộ đội Đoàn B16. Ảnh: VŨ QUANG THÁI

Rét như cứa vào tận xương tủy. Rét làm cho nụ đào phai nở chậm hơn. Nhưng cái rét không làm cho bầu không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của những người lính trầm đi. Ngược lại, từ miền biên giới Hà Giang đến đất mũi Cà Mau, từ Tây Nguyên mênh mang gió đến Trường Sa dào dạt sóng, bên cạnh cây súng giữ bình yên biển trời Tổ quốc, những người lính xa nhà, mỗi người mỗi việc hối hả lo cho bữa cơm tất niên, chuẩn bị đón chào năm mới Mậu Tý. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự yêu thương đùm bọc của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đón Tết với đầy đủ về vật chất, ấm áp về tinh thần.

Gần hai mươi năm quân ngũ, đón hơn chục cái “Tết lính” nhưng khi được Tòa soạn “phái” đi “thị sát” các đơn vị chuẩn bị Tết cho bộ đội, tôi vẫn háo hức. Háo hức bởi lẽ, mâm cỗ chiến sĩ, bao giờ cũng vậy, rất sôi nổi, đầm ấm và cũng khá đầy đủ. Đón Tết với họ, quanh chuyện “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” luôn rộn những điều mới lạ. Năm nay, trời quá lạnh, cánh chiến sĩ trẻ quê Bắc Ninh đang làm nhiệm vụ ở đơn vị Hoài Ân, đoàn Sao Vàng (Quân khu 1) chỉ tay qua ải Chi Lăng lịch sử quả quyết: “Tuy rét nhưng đào Mẫu Sơn vẫn bật nụ, cánh hoa càng to, càng thắm sắc.” Các chiến sĩ nói đúng, khi đỉnh Mẫu Sơn âm độ, tuyết bắt đầu rơi và từng đoàn người “đội” giá rét lên thưởng thức cảnh lạ ở miền nhiệt đới, khi trở về, không ít người may mắn mang được cả cành đào tự nhiên Xứ Lạng. Một kỹ sư làm việc tại tập đoàn Acaten còn mang về mấy bó rau cải xanh mướt. Điều đặc biệt, đó không phải là rau mua mà lại là rau của mấy anh chiến sĩ đóng quân sát thị trấn Đồng Bành tặng. Lúc dừng chân bên bờ sông Hóa, thấy anh em chiến sĩ thu hoạch rau, sau câu chuyện và một “pô ảnh”, mấy lữ khách Hà Thành còn được tặng rau xanh mang về. Chưa hết, họ tỏ ra khâm phục và một chút nghi ngờ khi nghe bộ đội nói : “Tết này, trừ bánh mứt kẹo, gạo nếp và… muối không tự sản được thì phải mua, còn lại tất cả là sản phẩm tăng gia của đơn vị”.

Như chạm vào lòng “tự ái”, tôi kể cho chú em nghe về truyền thống tăng gia, sản xuất (TGSX) của quân đội, về bước phát triển từ TGSX nhỏ lẻ, quanh bếp, quanh vườn đến những khu tăng gia tập trung, vườn rau chuyên canh, rau cao cấp, ao, chuồng, trại có quy mô lớn. Đó chính là lý do vì sao, trong điều kiện giá cả tăng cao, chỉ với mức tiền ăn từ 17.000 đồng/người/ngày (năm 2007) và 20.000 đồng/người/ngày (từ 1-1-2008), mỗi bữa ăn chính của bộ đội vẫn có 4 món ăn mặn thịt, cá, thậm chí cả giò, chả, hoa quả tráng miệng! Ngày thường đã thế, dĩ nhiên ngày Tết, cán bộ, chiến sĩ sẽ có những bữa cơm đầm ấm và đầy đủ hơn nhiều.

Để có thông tin chính xác, chiều 27 Tết, chúng tôi “gõ cửa” Đại tá Trần Bang, Cục trưởng Cục Quân nhu - cơ quan được Tổng cục Hậu cần giao nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị toàn quân bảo đảm Tết cho bộ đội. Đại tá Trần Bang khẳng định: Đến nay, tất cả các đơn vị đã chuẩn bị đủ chân hàng Tết bao gồm: gạo nếp, đậu xanh, thịt, cá, bánh kẹo, mứt, lương thực, thực phẩm các loại và những món ăn cũng được anh em tích cực chế biến để cấp cho các bếp. Ngoài tiêu chuẩn ăn thường xuyên, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, mỗi người được 2 chiếc bánh chưng (trị giá 15.000 đồng/chiếc) và ăn thêm 20.000 đồng/người/ngày trong 4 ngày Tết. Hầu hết các đơn vị còn trích quỹ đưa vào tiêu chuẩn Tết của bộ đội, đơn vị thấp nhất là 5.000 đồng và cao nhất là 60.000 đồng/người/ngày. Mỗi cán bộ, chiến sĩ còn có túi quà Tết, trị giá tùy vào khả năng của từng đơn vị nhưng chủ trương chung là: vui tươi, tiết kiệm và lành mạnh. Mục đích đặt ra để cán bộ, chiến sĩ được hưởng trọn vẹn không khí ấm cúng của “gia đình lớn” khi phải xa gia đình, quê hương làm nhiệm vụ.

Đúng là như vậy, khi chúng tôi chứng kiến những người lính chia nhau người bắt cá, người mổ lợn, người giã giò, gói bánh… bầu không khí Tết cổ truyền của dân tộc như lan tỏa, xua đi cái lạnh đến ghê người. Anh Hồ Sĩ Nhiên, Trưởng phòng Đảm bảo, Cục Quân nhu và chúng tôi còn bị “bất ngờ” khi nghe Thiếu tá Đỗ Quốc Chiến, Chủ nhiệm Hậu cần đơn vị H71, Đoàn 5 (Quân khu 7) thông báo: Mỗi cán bộ, chiến sĩ được đơn vị bảo đảm 2kg thịt lợn, 0,8kg thịt bò, 10kg gạo thơm Chợ Đạo… rau, củ, quả, gia vị, hương liệu, nấm, măng… đầy đủ, tất cả đều có chất lượng tốt. Dù đã dự phòng kế hoạch đón chiến sĩ mới đầu năm, đơn vị H71 còn dư một lượng lớn lợn thịt và cá tươi. Một công ty chế biến thực phẩm đã đặt hàng với đơn vị mua số sản phẩm trên để phân phối trên thị trường. Đúng như lời anh Chiến nói, các phân đội còn được bảo đảm mâm ngũ quả thờ Bác Hồ, bánh, kẹo, mứt Tết cho việc đón giao thừa, tiêu chuẩn mỗi người 15 nghìn đồng. Chiều 29 sẽ diễn ra cuộc thi “Hội hoa xuân” nhưng hấp dẫn hơn là thi gói bánh chưng (miền Bắc) và bánh tét (miền Nam), thi bày cỗ Tết.

“Tết chúng tôi ngoài đảo chẳng kém gì đơn vị trong đất liền” - Trung tá Đào Đình Lượt, Đảo trưởng đảo Ngọc Vừng (Quảng Ninh) nói thế khi anh dẫn phóng viên đi thăm “cơ ngơi” TGSX của đơn vị. Gần 6.000m2 rau xanh mướt, đủ các loại như su su, cải ngồng, súp lơ, rau thơm… tất cả được chăm bón theo phương thức “trồng sạch”, bón phân hữu cơ, không “dính” một giọt hóa chất! Chính vì vậy, rau xanh của bộ đội đảo còn là món quà quý cho nhiều cơ quan, đơn vị trên đảo dùng dịp Tết và cả ngày thường. Bộ đội đảo còn có gần trăm con dê, bò… Tết này, hơn chục con béo nhất, thịt ngon nhất được mổ, bảo đảm mỗi người 2,5kg thịt lợn, 1kg thịt bò, thực đơn bữa ăn trong 4 ngày Tết có đủ giò lợn, giò tai, giò bò, chả lụa, chả cá... Đảo thực hiện chế biến tập trung, bộ phận quân nhu chế biến, quân y và chỉ huy đơn vị giám sát nhằm tạo ra các món ăn ngon, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn ngon nhưng bảo đảm vệ sinh, an toàn, giữ sức khỏe cho bộ đội luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ hậu cần các đơn vị. Đại tá Nguyễn Lương Thành, Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Công binh bày tỏ: 100% đơn vị của Binh chủng về cơ bản tự bảo đảm được nguồn thực phẩm và hơn 30 tấn lợn hơi dự trữ cho những ngày sau Tết. Điều mà binh chủng quan tâm nhất chính là giữ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ dịp Tết. Theo chỉ đạo, những mặt hàng bánh, mứt, kẹo… mua ngoài thị trường phải lựa chọn ở cơ sở có uy tín, kiểm tra mẫu mã, hạn sử dụng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng quân y phải chủ động giám sát, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn lương thực, thực phẩm, có phương án đối phó, phấn đấu không để xảy ra trường hợp nào bị nhiễm khuẩn thực phẩm hoặc ngộ độc thức ăn…

Khác với nhiều đơn vị, Tết nguyên đán Mậu Tý 2008, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên không chỉ lo cho số anh em trực tại cơ quan, đơn vị mà còn bảo đảm cho cả lực lượng làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở địa bàn và SSCĐ. Phương châm mà Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đề ra là: “Đóng quân ở bản, ăn Tết cùng dân”. Bảo đảm đúng, đủ, kịp thời các tiêu chuẩn, chế độ cho anh em đón Tết cổ truyền được Bộ CHQS tỉnh Điện Biên coi là biện pháp quan trọng để động viên cán bộ, chiến sĩ LLVT đề cao cảnh giác, xác định tốt trách nhiệm sẵn sàng chiến đấu cao. Bữa ăn những ngày Tết cũng được điều chỉnh tùy theo mức độ biến động của giá cả thị trường, từ 25.000 đến 30.000 đồng/người/bữa. Ngoài thực hiện đầy đủ chế độ cho chiến sĩ, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên còn chỉ đạo các đơn vị tùy vào khả năng tài chính để chuẩn bị cho mỗi chiến sĩ một suất quà Tết.

Toàn quân chuẩn bị Tết cho bộ đội khá chu đáo, đó là điều ghi nhận của chúng tôi. Có được kết quả đó là do các đơn vị xây dựng kế hoạch chủ động về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm... Giá cả thị trường leo thang, nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết đối với nhiều người dân, nhiều địa phương vẫn hiện hữu. Nhưng với những gì mà các cơ quan, đơn vị đã làm, tin rằng toàn quân sẽ đón Xuân Mậu Tý đầy đủ, đầm ấm và an toàn.

Nhóm phóng viên Quốc phòng – an ninh