QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã là một mốc son mở đầu thời kỳ mới của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam, làm thất bại về cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh oai hùng trong chiến dịch lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu chiến binh (CCB) Bình Giã với bao kỷ niệm, tình cảm khó quên.

Đại tá, CCB Nguyễn Văn Tòng, năm nay 86 tuổi. Trong Chiến dịch Bình Giã (diễn ra từ ngày 2-12-1964 đến 3-1-1965), ông là Chính ủy Trung đoàn 1 quân chủ lực Miền (nay là Trung đoàn Bình Giã, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4), đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch. Nhớ lại những ngày trước khi diễn ra chiến dịch, Đại tá Nguyễn Văn Tòng kể:

- Tôi từng chiến đấu ở chiến trường miền Bắc. Tháng 4-1964, tôi được điều động vào Trung ương Cục miền Nam. Thời điểm này, tôi cùng lãnh đạo nhiều đơn vị tham dự Hội nghị tổng kết công tác quân sự Miền do đồng chí Trần Văn Trà và Nguyễn Văn Linh chủ trì. Sau hội nghị, tôi được phân công làm Chính ủy Trung đoàn 1 chủ lực Miền, tác chiến tại Củ Chi. Năm đó, tôi vừa tròn 36 tuổi, mang quân hàm trung tá. Khi Trung ương Đảng, Quân ủy Miền và Bộ chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1964-1965, Trung đoàn 1 được lệnh cơ động tham chiến ở Bình Giã (thuộc tỉnh Bà Rịa), cùng Trung đoàn 2 và Đoàn Pháo binh Miền. Trước lực lượng và hỏa lực rất mạnh của địch, trong khi vũ khí của ta khá thô sơ, lại thiếu đạn nên một vài cán bộ, chiến sĩ băn khoăn. Nắm bắt được tình hình, tôi cùng Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện động viên bộ đội, gương mẫu mang thêm đạn đi chiến trường. Đồng chí Truyện mang thêm một dây 50 viên đạn 12,7mm. Thấy vậy, tất cả cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đều noi gương mang vượt chỉ tiêu đạn với quyết tâm đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch.

Máy bay của địch bị bắn rơi trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sau khi hành quân tập kết lực lượng tại địa bàn tác chiến, Trung đoàn 1 liền tổ chức lực lượng bố trí nhiều súng máy cao xạ ở một bãi dự kiến địch đổ bộ, để buộc chúng phải chuyển sang bãi khác thuận tiện cho bộ binh ta tiêu diệt. Các đơn vị khác phối hợp với bộ đội địa phương sẵn sàng tiến công ấp chiến lược Bình Giã.

Rạng sáng 2-12, sau pháo lệnh mở màn, hỏa lực của ta tập kích vào Chi khu quân sự Đức Thạnh. Đại đội 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa tiến công, chiếm được 2/3 ấp chiến lược. Địch huy động 8 máy bay chiến đấu yểm trợ và 15 máy bay trực thăng đổ Tiểu đoàn biệt động quân 38 xuống tây nam Đức Thạnh. Đại đội 445 đánh trả quyết liệt nhưng không cân sức nên phải rút ra ngoài. Nhận định tình hình không có lợi, Trung đoàn 1 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 1 tiến công Chi khu quân sự Đất Đỏ; 1 đại đội phối hợp với bộ đội địa phương tiếp tục tiến công Bình Giã. Trước sức ép ngày càng tăng của bộ đội ta, địch điều động thiết giáp đến ứng cứu, giải vây Bình Giã nhưng bị Trung đoàn 2 tiêu diệt gọn. Đại tá, CCB Trần Nam Hùng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1), nhớ lại:

- Ngày 27-12-1964, tiểu đoàn tôi được lệnh phối hợp với Đại đội 445 tiến công ấp chiến lược Bình Giã lần thứ hai, mở màn đợt 2 của chiến dịch. Trận đánh thắng lợi, quân ta làm chủ hoàn toàn ấp chiến lược. Mặc dù Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện đã phán đoán chính xác vị trí địch sẽ đổ quân ứng cứu nhưng phải mất gần một ngày sau trực thăng của chúng mới xuất hiện đúng khu vực dự kiến của ta. Máy bay tiêm kích ném bom, trực thăng vũ trang của địch bắn rốc-két xung quanh bìa rừng. Một đàn trực thăng vận bay tới, gấp gáp đổ lực lượng Tiểu đoàn 33 biệt động quân xuống ngay bãi bố trí sẵn của Trung đoàn 1. Lập tức, súng máy cao xạ, đại liên và các loại hỏa lực của ta đồng loạt nổ ran. Hàng chục chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy, rơi xuống bìa rừng. Tiểu đoàn biệt động quân của địch vừa đổ xuống, còn phơi mình giữa bãi trống bị quân ta chia cắt, tiêu diệt. Một số vứt súng chạy thục mạng vào ấp chiến lược; một số ngoan cố chống cự. Trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ, các mũi tiến công của Trung đoàn 1 đã siết chặt vòng vây, tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 33 biệt động quân.

Chiến trường tạm thời tĩnh lặng. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 đã thực hiện đúng phương án buộc địch phải đổ quân vào khu vực dự kiến. Chỉ huy trung đoàn nhận định, theo quy luật, nhất định chúng vẫn chưa chịu thúc thủ mà sẽ triển khai lực lượng tiếp viện với ý đồ chiếm lại Bình Giã. Cuộc đấu trí vẫn tiếp diễn. Trung đoàn 1 tổ chức lực lượng tiếp tục phục kích, đón lõng quân tiếp viện của địch. Thời gian chờ đợi căng thẳng, không một tiếng động nhỏ nào có thể lọt ngoài tai cán bộ, chiến sĩ đang háo hức lập công. Mãi đến 17 giờ ngày 30-12, một chiếc trực thăng quần lượn trên không nhiều vòng rồi sà xuống quan sát. Đại đội trưởng cao xạ đề nghị bắn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện ra lệnh: Phải chắc chắn hạ được nó thì mới bắn! Lập tức, một loạt đạn 12,7mm nổ giòn. Chiếc trực thăng mang theo một vầng lửa chao đảo rồi rơi vào sở cao su Xuân Sơn, phía đông nam ấp Bình Giã. 4 tên cố vấn Mỹ trên máy bay đều tử vong. Ngay trong đêm đó, Trung đoàn 1 được lệnh rút quân về tới căn cứ đúng vào ngày cuối cùng của năm 1964. Đại tá Nguyễn Văn Tòng hồi tưởng:

- Khoảng 9 giờ sáng 31-12, vừa về tới căn cứ, chúng tôi hội ý chỉ huy. Đồng chí trung đoàn trưởng và các tiểu đoàn trưởng nhanh chóng đi điều nghiên để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. 14 giờ chiều, tác chiến trung đoàn báo cáo nhận được thông báo từ tham mưu chiến dịch, Tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 của địch mang biệt danh “cá kình Biển Đông” đổ quân xuống ấp chiến lược La Vân nhằm chiếm lại Bình Giã và tìm xác 4 tên cố vấn Mỹ. Chừng 30 phút sau, chúng tôi lại nhận được tin địch hành quân vào chỗ máy bay rơi. Chúng chia lực lượng thành hai mũi hướng về sở cao su Xuân Sơn. Đồng chí Bùi Thanh Vân (Út Liêm), Trung đoàn phó-Tham mưu trưởng trung đoàn trao đổi với tôi, đề xuất triển khai lực lượng đánh tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch, thống nhất phương án: Giao cho Tiểu đoàn 1 chặn đầu, Tiểu đoàn 2 vòng phía sau chặn đường rút lui và Tiểu đoàn 3 đánh xuyên hông từ hướng Bắc sở cao su. Lúc này, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện cũng về tới đơn vị. Anh lệnh cho Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) tổ chức dụ địch vào sâu trong sở cao su để thuận tiện cho các đơn vị bao vây, tiêu diệt. Khoảng 16 giờ 45 phút, trung đoàn hạ lệnh nổ súng.

Trong trận đánh đó, ta và địch chiến đấu rất gần. Hai bên đều lợi dụng gốc cao su để tiến công. Trận đánh diễn ra rất ác liệt vì thủy quân lục chiến là đơn vị thiện chiến của ngụy Sài Gòn. Tuy nhiên, bộ đội ta tinh thần đang hăng, các đơn vị lại hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp ăn ý nên vòng vây dần khép chặt, áp đảo quân thù. Đại tá Trần Nam Hùng kể:

- Có một tình huống mà tôi nhớ mãi. Khi tiểu đoàn đang chiến đấu quyết liệt thì phát hiện hỏa lực từ khẩu súng máy của địch đang tận dụng ụ đất ngăn cản tiến công của một mũi thuộc hướng thứ yếu. Chúng bắn như vãi đạn khiến quân ta không thể vượt qua mương cạn. Lực lượng ta bộc lộ trên mặt đất rất khó chuyển hướng. Đúng lúc đó, đồng chí Thắng, liên lạc đại đội ở phía sau đã nhanh trí bò sang bên sườn hỏa điểm địch, tiếp cận gốc cao su già, tựa khẩu cạc-bin vào thân cây định bắn tỉa. Theo dõi hành động của Thắng, chỉ huy đơn vị lo lắng, bởi bắn từng phát không kiềm chế được hỏa điểm địch mà còn gây chú ý, mất cơ hội tiêu diệt nó. Nhưng rồi, Thắng đặt súng xuống, lấy ra quả lựu đạn, rút chốt, vươn người ném thẳng vào khẩu súng máy. Một tiếng nổ vang lên, khẩu súng máy câm bặt. Chỉ chờ có thế, mũi tiến công vượt qua mương cạn, cùng đội hình cấp trên siết chặt vòng vây.

Gần hai giờ chiến đấu dũng mãnh, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến, kết thúc trận đánh vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 31-12-1964. Chiến dịch Bình Giã chính thức khép lại bằng thắng lợi trong trận vận động phục kích của Trung đoàn 2, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 biệt động quân ngụy ngày 3-1-1965. Dấu ấn của chiến dịch là chiến công tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn thiện chiến của quân ngụy với hai trận đánh trong vòng 4 ngày (từ 27 đến 31-12-1964) của Trung đoàn 1. Sau chiến dịch, Trung đoàn 1 được vinh dự mang tên Trung đoàn Bình Giã. Thiếu tướng, CCB Nguyễn Nam Hưng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 800 chủ lực Quân khu 7, đơn vị phối hợp tham gia Chiến dịch Bình Giã, khẳng định: “Chiến thắng Bình Giã đã góp phần làm thất bại "quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ-ngụy, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chiến tranh đặc biệt và là dấu ấn chói lọi, chiến tích oai hùng trên chiến trường miền Nam”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH