QĐND - Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của quân đội, nhằm bảo đảm tốt hơn công tác hậu cần phù hợp với phương thức tác chiến từ đánh nhỏ lẻ sang đánh lớn, đánh tập trung chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giữa năm 1951, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) mở Lớp huấn luyện cán bộ Cung cấp đầu tiên. Ngày 15-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi, động viên thầy, trò và giao nhiệm vụ cho lớp học. Từ đó, ngày 15-6 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Học viện Hậu cần.

Giai đoạn 1951-1954 của cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, chiến đấu ác liệt, song nhà trường đã mở được 5 khóa học và đào tạo được gần 500 cán bộ cung cấp cho các chiến trường. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà trường lựa chọn và được trên điều động cán bộ, giảng viên từ các đơn vị cơ sở, đã tham gia chiến đấu về làm công tác giảng dạy. Học viên của trường sau thời gian đào tạo, được đưa xuống đơn vị trực tiếp làm công tác hậu cần và chiến đấu, rồi mới trở lại trường để thi và bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của học viện được nâng cao, học viên khi ra trường có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn bảo đảm hậu cần cho chiến đấu và các hoạt động của đơn vị. Tính từ lớp huấn luyện đầu tiên đến nay, Học viện Hậu cần đã đào tạo hơn 47.000 học viên tốt nghiệp ra trường, về đơn vị công tác hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cán bộ Học viện Hậu cần kiểm tra kỹ thuật mắc tăng võng của học viên trong huấn luyện dã ngoại. Ảnh: Tô Tiệp

Trong 63 năm qua, nhiệm vụ của học viện không ngừng phát triển. Từ chỗ chỉ đào tạo cán bộ, sĩ quan hậu cần trình độ trung cấp, sơ cấp, học viện ngày nay phát triển thành trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần trình độ đại học, sau đại học của quân đội, tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hợp tác, đào tạo quốc tế. Học viện đang triển khai nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa cấp với 21 đối tượng; đồng thời mở rộng loại hình, phương thức đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của quân đội, đất nước. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của học viện ngày càng phát triển với chất lượng cao, với 100% trình độ đại học, gần 63% sau đại học và 15% là tiến sĩ, bảo đảm từng bước đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Bộ Quốc phòng. Hơn 90% cán bộ, giảng viên ứng dụng được công nghệ thông tin vào giảng dạy; từng bước sử dụng ngoại ngữ, tin học vào khai thác, nghiên cứu khoa học. Học viện đã huy động lực lượng các phòng, khoa, ban, Viện Nghiên cứu hậu cần quân sự, tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết hậu cần chiến đấu, phát triển nghệ thuật quân sự, biên soạn thành tài liệu giảng dạy, huấn luyện, góp phần giải quyết những vấn đề mới từ thực tế công tác hậu cần quân đội. Từ năm 2000 đến nay, học viện hoàn thành biên soạn gần 1.200 giáo trình, tài liệu đưa vào huấn luyện; triển khai và hoàn thành nghiên cứu gần 380 đề tài cấp bộ, ngành và cơ sở, cùng hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học viên, cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện Hậu cần phát triển mạnh, là một trong những đơn vị đứng đầu toàn quân về sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ.

Trên cơ sở quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020 của Bộ Quốc phòng, học viện làm tốt vai trò tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phối hợp với cơ quan chức năng quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực hậu cần cho Quân đội. Thực hiện Đề án 63 của Bộ Quốc phòng, Học viện Hậu cần đã xây dựng khá hoàn chỉnh, thống nhất về quy trình, hệ thống chương trình đào tạo cho các đối tượng, các bậc học. Song song với việc mở rộng mã ngành đào tạo và xây dựng chương trình mới, học viện tiếp tục hoàn thiện và đổi mới chương trình đã có, bảo đảm tính liên thông, kế thừa và phát triển. Học viện tập trung tạo bước đột phá về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kiểm định chất lượng GD-ĐT. Trong dạy học, kết hợp giữa phương pháp truyền thống với phương pháp tiên tiến, hiện đại, phát huy tối đa tính tích cực, độc lập sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý luôn giữ vai trò quyết định đến chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ của học viện. Vì thế, học viện chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đạt chuẩn tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên; gắn nhà trường với thao trường, đơn vị, đưa giảng viên đi thực tế chức trách, bảo đảm giảng viên đã qua thực tế ở chức vụ tương đương cấp đang đào tạo cho học viên tại trường. Các khoa, bộ môn tổ chức giảng bình, rút kinh nghiệm, hội thao, hội thi; giảng viên soạn và sử dụng giáo án điện tử, thành thạo các loại phương tiện kỹ thuật phục vụ phương pháp dạy học hiện đại. Cơ quan, khoa, đơn vị tăng cường giáo dục, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, giảng viên; chấp hành nghiêm kỷ luật, thực hiện chính quy trong GD-ĐT; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa lành mạnh trong toàn học viện.

Phục vụ cho công tác đào tạo, thực sự gắn nhà trường với thực tiễn công tác hậu cần quân đội, học viện tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ, huy động cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào cải tiến, hiện đại hóa trang bị hậu cần. Thực hiện chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có 5 lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, Học viện Hậu cần tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu phương thức bảo đảm hậu cần cho các đơn vị quân chủng, binh chủng có vũ khí, trang bị khí tài hiện đại. Được trên đầu tư, học viện đã xây dựng giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng, trạm đồng bộ, bảo đảm phục vụ GD-ĐT và nghiên cứu khoa học.  

Kỷ niệm 70 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, tập thể Học viện Hậu cần luôn tự hào là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, có những đóng góp xứng đáng, tô thắm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng, PGS, TS LƯU VĂN MIỂU, Giám đốc Học viện Hậu cần