QĐND - Trải qua hơn 37 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Kỹ thuật mật mã (KTMM) đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển, góp phần quan trọng đưa Ngành Cơ yếu Việt Nam tiến lên chính quy, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, năm 2010, Học viện được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất; năm 2012 được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học-công nghệ cho Cụm công trình “Nghiên cứu về khóa mật mã ứng dụng bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước thời kỳ CNH-HĐH”. Học viện còn được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tham quan các trang thiết bị mật mã của Học viện KTMM (tháng 1-2012).

Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin cho khu vực kinh tế-xã hội, năm 2004, Học viện KTMM trở thành cơ sở đào tạo bậc đại học đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép đào tạo kỹ sư hệ chính quy chuyên ngành An toàn thông tin thuộc ngành Công nghệ thông tin (CNTT). Để triển khai nhiệm vụ trên, tháng 8-2004, Khoa An toàn thông tin (ATTT) của Học viện được thành lập. Sau gần 10 năm, đến nay, Khoa ATTT đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao; hầu hết các giảng viên có trình độ thạc sĩ, nhiều cán bộ có học vị tiến sĩ, hoặc đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Tiến sĩ Trần Đức Sự, Trưởng Khoa ATTT cho biết: “Thế mạnh của Học viện trong đào tạo chuyên ngành ATTT là có đội ngũ khá hùng hậu các giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học về khoa học công nghệ mật mã và ATTT”.

Đến nay, Học viện đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo 9 khóa hệ đại học chính quy chuyên ngành ATTT, trong đó có 4 khóa với gần 1000 kỹ sư đã ra trường. Ngay sau khi tốt nghiệp, hầu hết các kỹ sư do Học viện đào tạo được tuyển vào làm việc và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Hằng năm, đội tuyển sinh viên của Học viện đều giành được những giải cao tại các cuộc thi “Sinh viên với ATTT” do Bộ GD-ĐT và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức. Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên gia ATTT cho các tỉnh thuộc khu vực phía Nam, từ năm học 2012-2013, Học viện được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức tuyển sinh và đào tạo kỹ sư ATTT hệ chính quy tại TP Hồ Chí Minh; từ năm học 2013-2014, Học viện bắt đầu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành ATTT.

Ngoài các loại hình đào tạo chính quy và văn bằng 2, Học viện đã tổ chức đào tạo nhiều khóa học chứng chỉ quốc tế (CCNA Security, MCITP, CCNP, CISSP, CEH…) và các khóa học chuyên đề về ATTT (phân tích mã độc, giám sát an ninh mạng, đánh giá độ an toàn của hệ thống CNTT…). Cùng với công tác đào tạo, nhiều giảng viên của Khoa ATTT đã chủ trì, hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và cấp Nhà nước về khoa học-công nghệ mật mã và ATTT; triển khai các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực ATTT cho một số bộ, ngành, như đánh giá, kiểm thử an toàn cho cổng thông tin, phân tích mã độc hại cho mạng máy tính và giám sát an ninh mạng. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư ATTT, Học viện đang được đầu tư kinh phí nâng cấp các phòng Lab, biên soạn mới và chỉnh sửa các giáo trình chuyên ngành ATTT theo hướng giúp sinh viên tăng cường các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp.

Nhận rõ xu hướng phát triển của khoa học-công nghệ mật mã và ATTT trên thế giới, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực bảo mật và ATTT, được phép của Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện KTMM đang tiến hành xây dựng đề án mở loại hình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành ATTT.

Đầu năm 2012, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc tại Học viện KTMM. Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tích trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện và nhấn mạnh: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin trong tình hình mới là yêu cầu khách quan, cấp bách phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và điều hành của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành…”.

Những tháng gần đây, cùng với khí thế thi đua sôi nổi trên tất cả các mặt công tác, Học viện KTMM đang tập trung chuẩn bị tốt công tác tuyển sinh năm học 2013-2014 cho các chuyên ngành KTMM và ATTT. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Sỹ Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện, người đã nhiều năm công tác tại Học viện tự hào cho biết: Những thành tựu to lớn mà Học viện đạt được trong hơn 37 năm qua là sự kết tinh của những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo Học viện, của các cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, sinh viên trong toàn Học viện; là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Bước vào giai đoạn mới, với những thách thức và cơ hội mới, phát huy những thành quả đạt được, Học viện KTMM quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tiếp tục đạt được những thành tích mới, xứng đáng là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao của Ngành Cơ yếu Việt Nam.

Bài và ảnh: VŨ ĐỨC – PHẠM QUÂN