QĐND - Tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và chọn hướng Tây Bắc làm chiến trường chủ yếu. Đầu tháng 12-1953, Tổng Quân ủy ra lệnh cho các đơn vị chủ lực mở các chiến dịch tiến công mạnh mẽ trên nhiều hướng chiến lược tại Lai Châu, Thượng Lào, Trung-Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, Tây Nguyên, đồng thời đẩy mạnh hoạt động sau lưng địch, buộc địch phải phân tán lực lượng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va. Kết quả của các chiến dịch giúp ta nắm quyền chủ động, quân Pháp dần bị động trong điều động lực lượng...
Nhận định thời cơ thuận lợi, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội. Người chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung lực lượng cho chiến dịch gồm các Đại đoàn bộ binh: 308, 312, 316, Đại đoàn 351 công-pháo, Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), Trung đoàn 367 cao xạ, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y...; quân số 55.000 người. Lực lượng bảo đảm là 260.000 dân công hỏa tuyến; 628 ô tô, 11.800 thuyền, 20.000 xe đạp thồ vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ chiến dịch...
Từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, ta đã mở ba đợt tiến công lớn vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, trong đó có Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của tướng Đờ Cát, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu nhiều vũ khí, đạn dược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng đòn quyết định vào lực lượng quân Pháp ở Đông Dương, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh. Chiến thắng này là một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân ta, đã trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đối với thế giới, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng các dân tộc thuộc địa.
TUẤN LINH