QĐND - Hầu hết những di tích trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trên khắp đất nước ta đều liên quan đến lực lượng vũ trang, Bộ đội Cụ Hồ. Bên cạnh đó là hàng triệu hiện vật, di sản trong các bảo tàng, nhà truyền thống, tư liệu lịch sử trong thư viện, phòng Hồ Chí Minh ở các địa phương, đơn vị. Đó là nguồn sử liệu, tư liệu đồ sộ phục vụ công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho bộ đội. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn trong giáo dục truyền thống để bộ đội được sống với lịch sử.
Khai mở nguồn tư liệu, hiện vật ở xung quanh ta
Trong phòng làm việc của Trung tướng Phạm Văn Dỹ ở Bộ tư lệnh Quân khu 7 có tấm bản đồ vùng biển Việt Nam, choán gần kín cả bức tường. Mới đây, khi ghé thăm đồng chí Chính ủy Quân khu 7, Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã dành sự chú ý đặc biệt đến tấm bản đồ biển, đảo Việt Nam. Ông đề nghị Trung tướng Phạm Văn Dỹ trình bày những tư liệu lịch sử và vấn đề thời sự về Biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa cho ông nghe. Cuộc trao đổi của hai vị tướng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Thượng tướng Bùi Văn Huấn đã góp ý với Trung tướng Phạm Văn Dỹ những điều tâm huyết về hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho cán bộ, chiến sĩ LLVT. Nhắc lại chuyện này, Trung tướng Phạm Văn Dỹ tâm đắc: “Một vị tướng đã nghỉ hưu, nhưng trong suy nghĩ, hành động của mình vẫn luôn đau đáu những điều tâm huyết về giáo dục truyền thống cho bộ đội. Đó chính là động lực, kinh nghiệm quý cho chúng ta”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), sinh hoạt truyền thống trước cột mốc chủ quyền. Ảnh: Phan Tùng Sơn
|
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa sinh hoạt truyền thống dưới Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Phan Tùng Sơn
|
 |
Chiến sĩ trẻ Quân đoàn 4 giao lưu với cán bộ lão thành tại Bảo tàng Quân đoàn 4 trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Ảnh: Lê Cầu
|
Khi hướng dẫn, chỉ đạo công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị trong LLVT quân khu, Trung tướng Phạm Văn Dỹ luôn gắn nội dung tuyên truyền với những câu chuyện, kỷ niệm cảm động, đặc sắc, cả trong lịch sử lẫn hiện tại. Đó là những tài liệu ông đọc được trong các sách truyền thống, có nhiều trong các thư viện, tủ sách ở đơn vị. Bản thân ông đã nêu gương về tinh thần ham đọc, nghiên cứu, vận dụng và đúc kết thành kinh nghiệm, thực hiện mô phạm để truyền thụ cách làm cho cán bộ cấp dưới. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, giáo dục trong LLVT Quân khu 7 thời gian qua đã có nhiều hình thức sinh động, sáng tạo. Những bài học chính trị, truyền thống không thực hiện theo kiểu đọc-nghe-ghi chép… mà kết hợp với công nghệ trình chiếu, kể chuyện, sân khấu hóa, mạn đàm, giao lưu… “Chất liệu cho công tác giáo dục ở xung quanh ta, ngay trong con người mỗi cán bộ chúng ta. Tư liệu lịch sử không bao giờ cạn, không bao giờ cũ. Phải biết khai mở nó, gắn với cảm xúc, nhiệt huyết và kỹ năng, các đồng chí sẽ làm được những điều bộ đội cần”-Đồng chí Chính ủy quân khu chia sẻ với các sĩ quan trẻ như vậy.
Trường Đại học Nguyễn Huệ vừa tổ chức cho học viên cuối khóa diễn tập tổng hợp kéo dài hơn hai tuần, với quãng đường cơ động gần 180km, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND. Các giáo viên đã sưu tầm, nghiên cứu những trận đánh của bộ đội ta trong kháng chiến, viết thành chiến lệ đưa vào nội dung huấn luyện, phù hợp với các nội dung, đề bài trong diễn tập, “thổi” nhiệt huyết và bài học kinh nghiệm đánh giặc của cha ông cho những sĩ quan tương lai. Mặc dù phải cơ động cường độ lớn, hành trú quân dài ngày nhưng các học viên rất hào hứng khi được sống cùng lịch sử. Phương pháp đồng hiện trong văn học nghệ thuật được áp dụng sáng tạo trong huấn luyện, vừa giúp bộ đội lĩnh hội kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, vừa là cách giáo dục truyền thống hiệu quả.
Một số đơn vị ở Quân đoàn 4 thì nổi bật ở cách tổ chức hoạt động về nguồn gắn với sân khấu hóa giáo dục truyền thống rất hiệu quả. Thiếu tướng Hoàng Văn Nghĩa, Chính ủy Quân đoàn 4 cho biết: Các di tích gắn với quá trình thành lập, chiến đấu nổi bật của Quân đoàn 4 phần lớn đã được xây dựng công trình tưởng niệm. Quân đoàn xác định đây là những "địa chỉ đỏ" của giáo dục truyền thống nên đã chỉ đạo cơ quan chính trị, các đơn vị khai thác bằng nhiều hình thức, trong đó có việc tái hiện các trận đánh bằng báo cáo chiến lệ và dàn dựng các hoạt cảnh, tiểu phẩm để bộ đội được sống cùng lịch sử cha anh.
Chú trọng tính tương tác trong giáo dục truyền thống
Rõ ràng, hệ thống sử liệu, tư liệu truyền thống ở các đơn vị trong toàn quân là vô cùng phong phú. Chỉ tính riêng sách về lịch sử truyền thống của đơn vị cũng đã chứa đựng trong đó nguồn tư liệu dồi dào. Đó là những công trình được biên soạn công phu, nhưng hiệu quả sử dụng trong thực tế thì không phải nơi nào, đơn vị nào cũng phát huy được. Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Họa, Phó chủ nhiệm Khoa Mác - Lê-nin, Học viện Lục quân kể, khi thâm nhập thực tế ở đơn vị cơ sở, anh đã chứng kiến không ít đồng chí cán bộ khi giáo dục truyền thống cho bộ đội chỉ biết dựa vào đề cương tuyên truyền do trên cấp, cách truyền đạt khô khan, tẻ nhạt nên bộ đội khó tiếp thu. Trong lúc lẽ ra cần phải gắn đề cương ấy với truyền thống, nhiệm vụ của đơn vị; đổi mới cách truyền đạt bằng những hình thức, công cụ sẵn có trong đơn vị để tạo sức thu hút, hấp dẫn bộ đội.
Chúng tôi cũng đã chứng kiến ở nhiều nơi, hiện vật lịch sử trong khuôn viên đơn vị chỉ có tác dụng để trưng bày... cho đẹp. Cán bộ chưa biết cách khai thác để biến những hiện vật ấy thành tư liệu, công cụ tương tác, hỗ trợ cho giáo dục.
Nói về vấn đề này, Trung tướng Phạm Văn Dỹ cho rằng, giữa rất nhiều lựa chọn, mình phải làm sao để bộ đội lựa chọn sản phẩm của mình, đồng hành với mình. Muốn vậy thì phải làm cho bộ đội cảm thấy “sướng” cái lỗ tai, “đã” cái con mắt. Khi mình thấy sản phẩm chưa ưng thì đừng bắt bộ đội phải ưng. Cũng là một chương trình giao lưu văn nghệ, nhưng nếu ta tổ chức ngay dưới chân tượng đài liệt sĩ, trong khuôn viên di tích lịch sử; trước khi hát hò, giao lưu, hãy cho bộ đội, thanh niên địa phương được quét dọn nghĩa trang, thắp hương tưởng niệm, tìm hiểu về truyền thống của địa danh đó, gặp những người mẹ, người vợ, con của liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang… thì chắc chắn những gì chúng ta thể hiện trên sân khấu sẽ có độ lắng sâu, đi vào tâm hồn con người một cách tự giác. Đó chính là cách tạo ra sự tương tác trong giáo dục mà nếu không để ý, chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc làm rời rạc, hiệu quả thấp.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Ngọc Thêm trong một lần trao đổi với người viết bài này cũng đã bày tỏ, làm văn hóa rất cần tính phong trào nhưng không thể theo “hội chứng đám đông”. Mỗi đối tượng, hoàn cảnh đều có tính đặc trưng phù hợp với đối tượng cảm thụ. Như vậy, để bộ đội có thể sống cùng lịch sử cha anh, cán bộ ở đơn vị phải là những người “sống” trước, biết đánh thức, khai thác tiềm năng, giá trị văn hóa của đơn vị mình. Chúng ta học tập, tham khảo, vận dụng cách làm của nhau nhưng không phải rập khuôn máy móc.
Đợt giáo dục truyền thống 70 năm QĐND Việt Nam đã khép lại, mở ra một giai đoạn tuyên truyền, giáo dục mới gắn với những sự kiện lịch sử, hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hình thành một chuỗi các hoạt động thường xuyên. Trên cơ sở các chương trình ở cấp quốc gia, toàn quân, mỗi đơn vị cần chủ động tạo tính liên kết, tương tác để nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cho bộ đội ở đơn vị mình.
PHAN TÙNG SƠN