LTS: Công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng; tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo - chỉ huy và tập thể quân nhân; xây dựng tình yêu thương đồng chí, đồng đội… là nội dung rất quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến trong chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Được sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 1 đang tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng về chủ đề này. Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một số cơ quan, đơn vị và nhận thấy, những vấn đề mà Quân khu 1 đặt ra là có cơ sở.
Bài 1: Không thoát ly thực tiễn
Trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ
Những năm qua, quán triệt, thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy QSTƯ và Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân khu đã bám sát cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ và không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, gắn với quản lý tư tưởng bộ đội. Nhờ đó mà Quân khu 1 không có những "điểm nóng" về chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Vi Văn Mạn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1 lý giải: Kết quả của công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng là tạo ra một nền tảng chính trị tốt đối với mỗi cá nhân, tức là tạo ra chất lượng con người. Nếu nền tảng ấy không chắc chắn thì tất cả những gì trên đó khó có cơ sở bền vững. Chính vì lẽ ấy mà từ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đến cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT Quân khu 1 luôn quan tâm, trăn trở phải làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng mặt công tác này.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đơn vị xe tăng B09, Quân khu 1, ngụy trang xe chuẩn bị hành quân
|
Qua tìm hiểu tại các đơn vị chúng tôi nhận thấy, công tác tư tưởng và tình hình tư tưởng của bộ đội ở Quân khu 1 cơ bản là tốt. Điều này được chứng tỏ rất rõ qua thực tiễn. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng sau khi nhập ngũ, các chiến sĩ đã thích ứng nhanh với môi trường. Đại đa số anh em hào hứng thực hiện kịp thời, có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Các mối quan hệ với bạn bè, đồng đội, người thân, hậu phương, chan chứa tình yêu thương, ruột thịt. Kết quả điều tra xã hội học của Cục Chính trị Quân khu 1 đã cho thấy, có 96,88% chiến sĩ đem chuyện vui, buồn thổ lộ cùng đồng đội, đồng hương. Những năm qua, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã tham gia rà phá gần 41.000 quả bom, mìn, vật nổ các loại, giải phóng gần 2.000 héc-ta đất bàn giao cho nhân dân 14 huyện biên giới sử dụng sinh hoạt, canh tác an toàn. Tuy gian khó, hiểm nguy, thậm chí cái chết cận kề, nhưng không có chiến sĩ nào thoái thác nhiệm vụ. Tháng 12-2008, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Sao Vàng tổ chức diễn tập gần một tháng trời, hành quân bộ mang vác nặng hơn 500km, vượt 36 đèo cao và hàng chục dốc cao, vực sâu, trong điều kiện gió mùa rét buốt kèm theo mưa… nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều về đích an toàn, đúng thời gian quy định và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chiến sĩ nào vi phạm kỷ luật… Qua những nhiệm vụ quan trọng như thế, hầu hết cán bộ các đơn vị đều khẳng định: Chiến sĩ ta rất tốt, nếu đơn vị có vấn đề gì, nhất là về tình hình tư tưởng, kỷ luật thì khuyết điểm trước hết thuộc về cán bộ.
Cụ thể, sâu sát
Kết quả trong công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng mà Quân khu 1 đã đạt được trong những năm qua là rất đáng ghi nhận, nhưng Chính ủy: Vi Văn Mạn vẫn chưa thật sự hài lòng. Đồng chí cho rằng: Cấp trên chỉ đạo cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục cơ bản với đẩy mạnh các hoạt động thi đua, tuyên truyền, giao lưu, kể chuyện truyền thống, gắn với phong trào thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, đoàn kết tốt, đơn vị an toàn tuyệt đối... nhưng nếu cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn cũng bê nguyên xi về quán triệt đến bộ đội như thế và tổ chức thực hiện chung chung, “rập khuôn” thì không ổn... Yêu cầu đặt ra là cán bộ phải bám sát đối tượng, bám sát nhiệm vụ để giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng bộ đội. Điều này đòi hỏi cán bộ phải rất sâu sát, cụ thể, đặc biệt là phải rất sáng tạo trong cách làm.
Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy hầu hết cán bộ cơ sở thuộc Đoàn Sao Vàng nhận thức rất rõ về những điều mà đồng chí Chính ủy Quân khu nêu. Mỗi đợt nhận chiến sĩ về, các cán bộ cơ sở đều phân tích rõ tình hình đối tượng từ độ tuổi, trình độ học vấn, dân tộc, vùng quê, hoàn cảnh gia đình, hậu phương… Thiếu úy Nguyễn Đình Tòng, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 3, Phân đội 4, Đơn vị 12 – một trong những cán bộ được đánh giá là làm tốt công tác tư tưởng cho rằng: “Cán bộ cơ sở phải rất cụ thể, tỉ mỉ. Có bám sát nhiệm vụ, bám sát đối tượng thì mới tìm ra phương pháp quản lý, giáo dục phù hợp, sáng tạo, hiệu quả. Chẳng hạn cùng một khuyết điểm nhưng chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp thì biện pháp chấn chỉnh, uốn nắn phải khác với chiến sĩ người Kinh, trình độ văn hóa cao…”.
Đến Phân đội 4, Đơn vị 12 chúng tôi được nghe kể chuyện ở Trung đội 1 của Thiếu úy Nguyễn Đình Tòng có chiến sĩ Hà Văn Lý quê ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, nhập ngũ tháng 10-2008. Một lần đang huấn luyện ngoài bãi tập thì Lý bật khóc. Trung đội trưởng Tòng hỏi nguyên nhân, cán bộ tiểu đội không biết. Sau đó, Tòng gần gũi, hỏi chuyện mới hay, đồng chí này trước khi nhập ngũ ở với ông ngoại. Nay hay tin ông mệt, không có người chăm sóc nên Lý lo lắng. Biết hoàn cảnh của chiến sĩ như vậy, cán bộ trung đội và tiểu đội không chỉ quan tâm giúp đỡ mà còn cử người về tận quê của Lý để thăm hỏi, động viên... Việc làm ấy đã tác động đến Lý rất nhiều. Hiện giờ, Lý là một chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật, hăng hái trong huấn luyện, công tác, nhiều lần được biểu dương.
Xuất phát từ nhiệm vụ để quản lý
Theo Đại tá Nguyễn Thế Vị, Chính ủy Đoàn pháo binh B82, thì tính chất phức tạp, khó khăn, nguy hiểm ở từng nhiệm vụ khác nhau và diễn biến tư tưởng bộ đội trong từng hoàn cảnh, từng nhiệm vụ cũng rất khác nhau. Vì thế, với mỗi hoàn cảnh, trong mỗi nhiệm vụ, cán bộ phải biết phân tích tình hình, đặc biệt là tư tưởng bộ đội để có biện pháp giáo dục, quản lý cho sát hợp, đạt hiệu quả… Qua tìm hiểu ở một số đơn vị cả bộ đội địa phương và chủ lực thuộc Quân khu 1 chúng tôi nhận thấy, khi có thay đổi, bổ sung về nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ đột xuất thì bao giờ tư tưởng bộ đội, nhất là chiến sĩ cũng có những dao động. Ví như ở Đoàn B82, khi huấn luyện bình thường theo kế hoạch, tư tưởng bộ đội tương đối ổn định, nhưng khi tham gia diễn tập, hoặc hành quân dã ngoại làm công tác dân vận thì tư tưởng bộ đội có những biến động và mỗi lần như thế công tác giáo dục, quản lý tư tưởng phải có sự điều chỉnh.
Tương tự, ở Đoàn công binh N75, trên cơ sở sự chỉ đạo chung nhưng công tác giáo dục, quản lý tư tưởng với bộ đội làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ có những điểm riêng biệt so với bộ đội đang xây dựng công trình… Trung sĩ Nguyễn Văn Hà, Tiểu đội trưởng thuộc Phân đội 4 (Đoàn công binh N75) bộc bạch: Nếu đang huấn luyện bình thường mà nhận nhiệm vụ đi rà phá vật cản thì ngay cả cán bộ cũng dao động tư tưởng chứ chẳng nói đến chiến sĩ. Vấn đề là nếu cán bộ các cấp nắm bắt được điều đó và làm công tác giáo dục, động viên kịp thời sẽ ổn định được tình hình. Do làm tốt việc ấy mà từ nhiều năm qua, Đoàn công binh N75 thường xuyên được giao đảm đương những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, nhưng không hề có hiện tượng cán bộ, chiến sĩ thoái thác nhiệm vụ…
Điều mà Quân khu 1 rút ra qua thực tế là, không chỉ bám sát đối tượng, muốn quản lý chắc tư tưởng chiến sĩ, cán bộ phải bám sát tình hình nhiệm vụ của đơn vị, phải xuất phát từ nhiệm vụ cụ thể để tiến hành công tác giáo dục chính trị và quản lý tư tưởng, đặc biệt là khi có nhiệm vụ đột xuất, phức tạp.
(còn nữa)
Bài 2: Cán bộ phải là người bạn tâm giao của chiến sĩ.
Bài và ảnh: TRẦN QUYẾT - KIM NGỌC - ĐÌNH XUÂN