QĐND Online - Thị xã Long Khánh vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 nên  lẻ tẻ mưa rào. Địa hình khu vực mấp mô, trống trải xen kẽ đồng ruộng. Địa hình đó địch đã tổ chức được hệ thống phòng ngự có chiều sâu, thành dải phòng ngự hoàn chỉnh. Sau khi ta giải phóng hoàn toàn trục lộ 20, tình hình trên các chiến trường phát triển thuận lợi. Nhiều căn cứ của địch bị uy hiếp mạnh, chúng tăng cường đối phó ở hướng Tây Ninh đồng thời tăng cường phòng thủ Long Khánh, đây là tuyến phòng ngự cơ bản phía đông Sài Gòn.

Về phía sư đoàn 7, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 1, cán bộ chiến sỹ đã nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm công tác tổ chức bảo đảm hậu cần. Ngày 30-3-1975, sư đoàn nhận lệnh của Bộ chỉ huy Quân đoàn nhanh chóng chuẩn bị tấn công Xuân Lộc, Long Khánh. Sư đoàn có nhiệm vụ phối hợp lực lượng quân đoàn tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 18 ngụy, cô lập Thị xã Long Khánh. Tấn công ở hướng chủ yếu của quân đoàn từ phía đông thị xã vào nội vi, mục tiêu chủ yếu là hậu cứ Sư đoàn bộ binh 18, chiến đoàn 43, 52, thực hiện giải phóng Thị xã Long Khánh. Sau đó sẽ phát triển xuống tấn công Long Khánh - Nước Trong.

Lúc bấy giờ, sư đoàn vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ công tác hậu cần mà Đảng ủy và Bộ tư lệnh đã xác định. Tuy nhiên trong giai đoạn này chú trọng thêm một số điểm đó là vận dụng kinh nghiệm tổ chức bảo đảm vật chất và thương binh của giai đoạn 1 áp dụng trong giai đoạn này với phương thức tác chiến mới có hiệp đồng binh chủng quy mô rộng lớn. Huy động mạnh mẽ sức người tại chỗ. Thời gian chuẩn bị hoàn thành trước ngày 8-4-1975.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Ban chủ nhiệm hậu cần đã tiến hành công tác tổ chức. Về lực lượng: sư đoàn tổ chức thành 3 bộ phận, một bộ phận đi chuẩn bị hướng Long Khánh do chủ nhiệm hậu cần và một số cán bộ trợ lý các ngành. Một bộ phận giải quyết hậu quả ở Lâm Đồng, bổ sung vật chất cho đơn vị các cơ sở của đoàn 814. Một bộ phận chuẩn bị vật chất bảo đảm tiến công Long Khánh. Về kho trạm, hậu cần sư đoàn đã tổ chức thành 2 bộ phận. Bộ phận trước, gồm có đội phẫu, kho đạn, quân nhu, 3 xe ô tô và lực lượng vận tải thô (40 xe đạp) triển khai tại khu vực cầu Suối Rết, đông bắc Long Khánh. Bộ phận sau, có kho đạn để tiếp nhận hàng của cánh 3/184 và đạn chiến lợi phẩm ở Lâm Đồng, đưa về, có nhiệm vụ bổ sung cho bộ đội ở vị trí tập kết và bổ sung lên kho phía trước. Bệnh xá, điều từ bắc Vĩnh An về triển khai tại tây nam núi Đông bắc, gần Gia Canh.

Theo kế hoạch bảo đảm, sư đoàn hiệp đồng với đoàn hậu cần 814 có đội 6 và đội điều trị 14, triển khai phía Nam sông La Ngà để bảo đảm thương binh cho sư đoàn. Về bảo đảm vận chuyển, sẽ sử dụng 2 xe ô tô vận tải và huy động thêm một số xe ô tô vận tải của địa phương để chuyển các kho đạn ở phía sau lên nhất là đạn pháo 105 lấy của địch ở Lâm Đồng. Lực lượng vận tải bộ tập trung sử dụng trong việc bốc vác đạn cối 120 ra trận địa. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ chiến đấu của Bộ tư lệnh sư đoàn, hậu cần đã triển khai gấp các bộ phận và thực hiện theo đúng kế hoạch dự kiến. Ngày 7-4 toàn bộ cơ sở vật chất và các phân đội hậu cần cơ bản đã đến vị trí tập kết và đã tổ chức bổ sung cho đơn vị.

Với kế hoạch hậu cần đã chuẩn bị, quân ta bước vào trận chiến đấu tấn công Long Khánh. Qúa trình chiến đấu có 2 bước, bước 1 tấn công thị xã không thành công (từ ngày 9/4- 11/4). Đạn pháo của ta lúc này không bảo đảm được nên phải kéo pháo ra. Thương binh trong các hướng tấn công đều cao nên việc xử lý phẫu thuật bị chậm. Bước sang giai đoạn 2: đánh địch giải tỏa (từ 12/4-20/4), hậu cần sư đoàn đã tổ chức bổ sung đạn nhanh chóng cho các đơn vị, tăng cường chỉ đạo vệ sinh phòng bệnh, tăng cường lượng rau, thịt tươi, để nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Tổ chức vận chuyển thương binh nhanh chóng, củng cố tổ chức, tiếp nhận tân binh bổ sung khu vực, quân số tiều đoàn bộ binh từ 120- 300 người. Nhờ đó bước vào trận chiến, ta đã tiêu diệt 600 tên, đánh thiệt hại chiến đoàn 48 thuộc Sư đoàn bộ binh 18, 2 đại đôi thuộc Tiểu đoàn 1, bắn cháy 1 xe tăng và 2 máy bay.

Bước vào trận hành tiến thọc sâu bằng cơ giới vào Sài Gòn, thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4-30/4/1975), lúc này tình hình có nhiều thay đổi. Địch rút về giữ tuyến phòng thủ then chốt ở đông bắc Sài Gòn. Nhiệm vụ của quân ta lúc đó là giải phóng quốc lộ 1 từ Trảng Bom đến Sài Gòn, thị xã sân bay Biên Hòa, tổ chức lực lượng thọc sâu trọng điểm Dinh Độc Lập- căn cứ đầu não của địch, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa tháng 5-1975. Ngày 25-4, nhận nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Quân đoàn, sư đoàn đã xác định nhiệm vụ tác chiến nằm trong độ hình tập trung của quân đoàn, đảm nhiệm hướng tấn công quan trọng của chiến dịch, hướng đông bắc Sài Gòn.

Trước tình hình gấp rút đó, ban chủ nhiệm hậu cần đã xác định nhiệm vụ và kế hoạch bảo đảm hậu cần. Tổ chức hậu cần sư đoàn được chia thành 3 bộ phận, bộ phận theo đội hành tiến, gồm đội phẫu, 3 xe đạn, 1 xe tăng do chủ nhiệm hậu cần phụ trách. Bộ phận trung gian cử 2 đội phẫu, một số trợ lý do phó chủ hiệm hậu cần phụ trách. Bộ phận phía sau gồm các kho đạn, quân nhu , xăng dầu, cán bộ chiến sỹ còn lại, lực lượng vận tải bộ…triển khai tại Tân Lập có nhiệm vụ tiếp nhận hàng của Đoàn 814 và của chiến dịch để bảo đảm cho phía trước. Để bảo đảm đạn theo quy định phải có thêm 2 cơ số ngoài lượng thường xuyên của đơn vị. Hậu cần sư đoàn đã đem theo 3 xe đạn. Hậu cần chiến lược đã cấp cho quân đoàn 30 xe ô tô đạn hỏa lực, pháo cối. Để bảo đảm lương thực sư đoàn đã cấp cho bộ đội mang theo xe 5 ngày lương thực thực phẩm và 3 ngày lương khô. Ngoài ra để bảo đảm thương binh phía trước, dự kiến triển khai các đội phẫu tại Dương Ngà, và đông bắc cầu Tân Giang.

Sư đoàn 7 đã chiến đấu liên tục trong vòng 45 ngày với các hình thức chiến thuật khôn khéo, quy mô toàn sư đoàn, trung đoàn có binh chủng hợp thành. Toàn đợt 2 của chiến dịch, quân ta đã tiêu diệt và bắt 3100 tên, bắn cháy và phá hủy 33 xe, 4 máy bay, thu nhiều loại súng, trang bị kỹ thuật. Diệt gọn 2d, 5c, 5b pháo, 1 chi đội thiết giáp… Ta giải phóng hoàn toàn đường 20 từ Túc Trưng đến Di Linh. Giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng. Cùng đơn vị bạn giải phóng tỉnh Long Khánh và tham gia giải phóng quốc lộ 1 từ Trảng Bom đến Biên Hòa, Sài Gòn.

Có được thành quả đó là nhờ công tác chuẩn bị hậu cần của Sư đoàn bộ binh 7 cho chiến dịch mùa khô 1974-1975 được triển khai chu đáo, kịp thời.

PHẠM KIÊN