Đấu trạnh chống bắt lính trước Dinh tử trưởng Thái Bình

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), công tác binh, địch vận được Đảng ta xác định: "Tác chiến quan trọng như thế nào thì địch vận cũng cần như thế. Công tác địch vận không phải của riêng bộ đội, mà cả đoàn thể cũng phải làm. Phải dùng mọi hình thức, nắm lấy mọi cơ hội mà tuyên truyền làm tan rã tinh thần địch, làm cho binh lính địch nhận rõ ta với địch có chung một kẻ thù là bọn thực dân phản động Pháp, khiến cho họ thoả hiệp với ta, vác súng chạy sang ta", "công tác vận động nguỵ binh là công tác vận động quần chúng và phải huy động quần chúng tham gia". Binh, địch vận là cuộc vận động chính trị nên khi tiến hành, dù địch còn ở trong hàng ngũ của chúng hay đã trở thành tù hàng binh của ta, chúng ta cần phải dựa vào chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà giác ngộ cảm hoá. Đây là chủ trương đúng đắn và xuất phát từ thực tiễn của cuộc kháng chiến, từ một dân tộc, mà lòng yêu nước, yêu hoà bình, căm thù chiến tranh xâm lược, đã thấm sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người dân.

Thấm nhuần tư tưởng đó, công tác binh, địch vận được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các giới trên khắp cả nước hưởng ứng, triển khai thực hiện. Lúc đầu, công tác này được tiến hành trong phạm vi lực lượng vũ trang, hình thức còn giản đơn như gọi loa, rải truyền đơn trong các trận đánh. Dần dần, binh, địch vận trở thành nhiệm vụ ngang hàng với nhiệm vụ tác chiến và có tính chất quần chúng rộng rãi. Các cấp từ khu đến tỉnh, huyện, xã đều có cơ quan chuyên trách về công tác binh, địch vận gồm các thành phần bộ đội, công an, du kích, mặt trận, hội phụ nữ, thông tin… do một cấp uỷ viên phụ trách. Nhiều hình thức, biện pháp địch vận được tiến hành, trong đó nổi lên là vận động, tuyên truyền, gây nhân mối trong hàng ngũ binh lính địch.

Đối với binh lính Âu-Phi, thành phần của đội quân này khá phức tạp (gồm người Pháp, Đức, Italia, Angiêri, Tuynidi, Xênêgan, Marốc…) và số lượng tăng dần theo sự leo thang chiến tranh (năm 1945 trên toàn chiến trường Đông Dương có 27.000 tên, đến năm 1954 đã lên tới 124.600 tên). Do đó, căn cứ vào thành phần xuất thân, thái độ của chúng, ta đề ra các phương pháp vận động phù hợp và linh hoạt với từng đối tượng. Nhiều địa phương tiến hành rải truyền đơn, gọi loa hoặc thông qua nhân mối là nguỵ binh đã ngả về phía cách mạng để vận động, làm cho họ chán nản cuộc chiến tranh xâm lược, vạch cho họ thấy rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh ấy. Ngay từ năm 1945, chúng ta đã đề ra khẩu hiệu vận động "bắt tay huynh đệ chạy sang hàng ngũ chúng tôi". Năm 1951, Hội nghị địch vận phổ biến phương châm vận động lính Âu-Phi tranh đấu là “đòi hồi hương và hoà bình ở Việt Nam”, coi đó là khẩu hiệu trung tâm. Khi họ bị bắt hay chạy sang hàng ngũ của ta thì ta thực hiện chính sách khoan hồng, hết sức tranh thủ giáo dục giác ngộ, cải tạo họ. Do đó, nhiều địa phương đã vận động được lính Âu-Phi ra hàng hoặc tỏ thái độ chống đối trong các cuộc càn quét. Điển hình là tại thị xã Đồ Sơn (Kiến An), năm 1950, chị Hoàng Thị Tam đã vận động được một đại đội Âu-Phi phản chiến đòi hồi hương. Năm 1952, chị Hoàng Thị Nghị vận động được một trung đội lính Âu-Phi ở đồn Ngọc Hải mang theo cả súng ra hàng. Bà Lê Thị Cúc (Thuỷ Nguyên) cũng vận động được 19 binh sĩ địch… ở thị xã Hoà Bình, nguỵ binh ra hàng còn lôi kéo được cả lính Âu-Phi cùng đi. Ngoài các khẩu hiệu trung tâm, ta còn có nhiều khẩu hiệu hành động phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể như lúc đánh nhau ta kêu gọi "hàng thì sống, chống thì chết", "bắn chỉ thiên"; lúc quân địch sắp bị đưa đi hành quân càn quét ta nêu "chống đi tiếp viện", "chống đóng quân vùng rừng núi"… Nhờ vậy mà công tác binh, địch vận đã có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần binh lính Âu-Phi.

Với đối tượng là nguỵ binh, lực lượng tăng nhanh từ 5.000 (năm 1945) lên tới 320.300 tên vào đầu năm 1954 (chiếm 72% quân số địch)(1). Từ thực tế tình hình nguỵ binh, ta nhận định "địch tuyển mộ thêm nhiều nguỵ binh, một mặt thì nhất thời thêm được số lượng nhưng mặt khác thì tự chôn bom vào giữa rốn của mình. Nhiệm vụ trọng yếu của ta là phá cho được khối nguỵ binh bằng cách: luồn thêm thuốc nổ vào quả bom ấy, cầm cho đúng đầu dây để giật tung ra. Giặc Pháp dùng người Việt đánh người Việt, ta trở lại lấy gậy ông đập lưng ông". Đối với nguỵ binh, hương dõng, tổng dõng, hương vệ, gia đình nguỵ binh và tù hàng binh, ta thực hiện bí mật giao tiếp, gây nhân mối thông qua việc phân tích, phê phán những hành động sai trái như theo giặc giết hại đồng bào là có tội với Tổ quốc, với nhân dân, đồng thời từng bước giải thích, tuyên truyền chủ trương và tính chất chính nghĩa của kháng chiến, chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ để giác ngộ họ, dần dần cải tạo họ thành những người tích cực, có thể ủng hộ kháng chiến, hình thức cao nhất là làm nội ứng cho ta tập kích đánh địch, phá đồn. Những hình thức vận động đó cùng với các khẩu hiệu như "bất hợp tác với giặc", "không đi lính cầm súng cho giặc giết hại đồng bào"… đã có sức thuyết phục những người trót lầm đường theo giặc, trở về với cách mạng, với chính nghĩa.

Để công tác địch vận phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và đạt kết quả cao, tỉnh uỷ các tỉnh thường có nghị quyết riêng nhằm chỉ đạo sát sao, kịp thời và đúng hướng. Ngày 27-10-1948, Liên tỉnh uỷ Hải-Kiến ra nghị quyết, nhấn mạnh: “Mỗi chi bộ phải có một cán bộ nguỵ, binh vận. Các huyện phải cử cán bộ, đảng viên có năng lực chỉ đạo công tác địch vận”. Nhờ vậy mà công tác binh, địch vận ở địa phương này thu được nhiều kết quả. Ngày 16-9-1947, được nhân mối làm nội ứng, ta diệt đồn Phú Hải (Kiến Thuỵ). Năm 1949, ở Hải-Kiến, ta diệt thêm nhiều vị trí như Kim Sơn, Cổ Trai, Liễu Dinh, Khuể, trong đó trận đồn Khuể là trận diệt đồn có nội ứng tiêu biểu, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch, sự kết hợp thành công giữa lực lượng tiến công từ ngoài vào và nhân mối trong đồn. Năm 1951, ở bốt Thanh Lãng (Hải Kiến), 32 binh lính nguỵ được ta vận động, đã làm binh biến. ở Thái Bình, ta vận động làm tan rã cả tiểu đoàn vệ sĩ Trần Hưng Đạo. Khi bộ đội ta đánh ở Ninh Bình
(6-1951) cơ sở địch vận ở đây đã tiến hành vận động gia đình thân nhân nguỵ binh đòi nhà chức trách Pháp, các cha cố trả chồng con họ trở về hoặc kêu gọi, thúc giục con em trả súng trở về nhà.

Công tác binh, địch vận, với các hình thức vận động binh lính đấu tranh, bỏ ngũ và tổ chức nhân mối trong hàng ngũ địch, đã trở thành công tác quần chúng. Có địa phương, lợi dụng việc Pháp phát lương thiếu và không đúng kì hạn cho nguỵ binh, đã vận động nguỵ binh tranh đấu đòi trả đủ tiền lương đúng hạn. Theo đó, nguỵ binh nhiệt tình hưởng ứng đấu tranh có kết quả.

ở những vùng hay bị địch càn quét để bắt thanh niên vào lính, các cấp bộ Đảng địa phương tổ chức các buổi thảo luận với thanh niên, hội phụ nữ và các đoàn thể bàn cách chống địch bắt lính; hướng dẫn các việc cần làm trong trường hợp bị giặc bắt để phản ứng lại và để giúp đỡ kháng chiến, ủng hộ bộ đội tác chiến. Các khẩu hiệu như: không ra mặt trận, không bổ sung đi nơi khác, đòi tăng lương, đòi về làm ruộng và chăm sóc mẹ già… rất phù hợp với nguyện vọng của đa số binh lính địch, làm cho tinh thần của họ giao động và ngả dần về phía cách mạng, nhiều binh sĩ địch đã tự tìm bắt liên lạc, về kháng chiến. Nhờ vậy, lực lượng vũ trang ta tiêu diệt được nhiều đồn có nguỵ binh làm nội ứng, trong nhiều trận càn đã có binh lính nguỵ giúp bộ đội ta rút chạy, tiêu dịêt những tên chỉ huy, chỉ điểm nguy hiểm. Hiện tượng binh sĩ địch trả súng, đào ngũ diễn ra ngày càng phổ biến. Năm 1952, ở Kiến An có tới một nửa số đồn binh có binh lính địch liên lạc với ta, ở Tiên Lãng có 511 lính nguỵ bỏ về với gia đình. Chỉ trong tháng 2-1952, ở thị xã Hoà Bình, với sự hoạt động tích cực của Hội phụ nữ, đã có 50 nguỵ binh lôi kéo cả lính Âu-Phi ra hàng, có đêm một trung đội nguỵ mang súng trở về với nhân dân. ở Thái Bình, trong năm 1953 có đến 114 cuộc đảo ngũ của binh lính, 839 lính nguỵ, vệ sĩ trả súng trở về nhà.

Hoạt động có hiệu quả của lực lượng vũ trang trong Đông-Xuân 1953-1954 đã hỗ trợ mạnh cho phong trào toàn dân làm công tác địch vận và phong trào du kích. Các cấp, các ngành, các đoàn thể ở nhiều địa phương trong cả nước, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, đã lôi kéo hàng ngàn binh lính nguỵ trở về với kháng chiến. Đặc biệt, Hội phụ nữ đã huy động các bà, các chị đến cơ quan chính quyền địch đòi chồng, đòi con, chống bắt thanh niên đi lính, viết thư vận động chồng con bỏ đồn bốt, trả súng trở về nhà. ở Khu 5, do làm tốt công tác địch vận, đã diễn ra 2 cuộc đấu tranh lớn của một tiểu đoàn khinh quân ở Ninh Hoà. Khi bị bộ đội ta đột kích vào, tiểu đoàn này gầu như tan rã. ở Đà Nẵng, có tới gần nửa Tiểu đoàn 7e BTA đấu tranh với cấp trên chống đi tập trung, chống đi tiếp viện cho mặt trận Lào. Tương tự, một đại đội địch ở Bình-Trị-Thiên kiên quyết không đi tiếp viện Trung Lào, thậm chí còn đánh lại sĩ quan chỉ huy. Tại Nam Bộ, từ tháng 1 đến tháng 3-1954, có khoảng 1 vạn nguỵ binh trở về với kháng chiến. Trong những tháng đầu năm 1954, ở Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), ta đã vận động được 354 sĩ quan và binh lính mang theo 1 xe Jeep và 248 súng ra hàng. Sự hoạt động mạnh mẽ và có hiệu quả của các cơ quan binh, địch vận cùng đông đảo nhân dân đã góp phần to lớn phối hợp với các chiến trường đẩy mạnh tiến công, từng bước đánh bại kẻ thù, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau sự kiện Điện Biên Phủ, tư tưởng hoang mang, dao động, chán chường chiến tranh phát triển mạnh trong binh lính địch. Nắm bắt được tình hình đó, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác binh, địch vận thành cao trào tiến công mạnh mẽ. Với số lính nguỵ, ta nêu khẩu hiệu vận động "đào ngũ về với gia đình làm ăn", với lính Âu-Phi là "hoà bình và hồi hương". Nhiều cán bộ địch vận có kinh nghiệm được phân công tuyên truyền, giải thích cho binh lính Âu-Phi nhận rõ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa, vận động họ phản chiến, không chấp hành mệnh lệnh chỉ huy, không tham gia những vụ đàn áp khủng bố, không phá hoại trước khi rút đi. Cũng trong dịp này, Hội phụ nữ các cấp tuyên truyền vận động các bà, các chị cùng đông đảo nhân dân kéo đến các vị trí tập kết quân của địch hỏi thăm tin tức, đòi chồng, đòi con, kêu gọi binh lính đảo ngũ trở về với gia đình. Kết quả là có thêm hàng ngàn binh lính địch đã nhận ra chính nghĩa, bỏ ngũ trở về nhà.

Nhìn chung, công tác binh, địch vận trong kháng chiến chống Pháp đã góp phần phân hoá sâu sắc hàng ngũ kẻ thù, làm thất bại âm mưu thâm độc "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của thực dân Pháp; tinh thần chiến đấu của binh lính địch bị giảm sút, suy yếu; sức mạnh và uy tín cuộc kháng chiến ngày càng lên cao; giúp cho hoạt động tác chiến của bộ đội thêm nhiều thuận lợi, tạo sức mạnh tổng hợp tiến lên đánh bại kẻ thù xâm lược.

Tuy nhiên, có lúc, có nơi công tác binh-địch vận vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, lệch lạc như khi tuyên truyền, vận động chỉ lấy chính sách khoan hồng để hô hào hay dùng tin chiến thắng để gọi loa mà chưa chỉ cho nguỵ binh thấy rõ trách nhiệm của họ đối với đồng bào, với kháng chiến, khả năng và vai trò của họ có thể cùng đồng bào đánh bại bọn đế quốc, đưa kháng chiến mau đến thắng lợi, mà đồng bào, trong đó có gia đình họ, bớt hy sinh, đau khổ. Công tác vận động đôi khi còn thiếu thiết thực, thiếu tính chất tiến công chính trị, khẩu hiệu đưa ra có nơi, có lúc chưa phù hợp, đã gây tâm lí băn khoăn, lo lắng trong binh lính địch... Tuy nhiên, những hạn chế đó đã được uốn nắn kịp thời.

Mặc dù còn một số hạn chế nhưng nhìn chung công tác binh, địch vận trong kháng chiến chống Pháp luôn đi đúng hướng và giành nhiều thắng lợi. Qua thực tiễn tiến hành binh, địch vận trong suốt cuộc kháng chiến, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm lớn như: Công tác binh, địch vận phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì, toàn diện và có trọng tâm, chẳng những vì mục tiêu trước mắt mà còn phải phát huy tác dụng lâu dài; phải luôn vận dụng linh hoạt, sáng tạo những nội dung và cách làm phù hợp với từng đối tượng trong những điều kiện lịch sử cụ thể; luôn quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù để phân hoá và cô lập chúng đến cao độ, làm suy yếu chúng, tăng thêm sức mạnh kháng chiến. Những bài học kinh nghiệm nói trên đã được vận dụng và phát triển thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). LÊ VĂN CỬ