QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) được giao nhiệm vụ đánh địch khu vực đồng bằng Bắc Bộ ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trên địa bàn ba tỉnh này, quân Pháp xây dựng nhiều đồn, bốt kiên cố, án ngữ những trục đường giao thông chiến lược, ngăn chặn và gây nhiều khó khăn cho ta.

Để tiêu diệt địch ở các đồn, bốt, góp phần tiêu hao sinh lực địch, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 391, Trung đoàn 52 đã có sáng kiến dùng nùn rơm để công đồn. Ở vùng nông thôn, nùn rơm là vật dụng gần gũi, quen thuộc, được nhân dân sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, bộ đội đã nhờ nhân dân vặn cho những chiếc nùn rơm nhỏ bằng chuôi dao, sau đó bện thành hình trụ tròn đường kính từ 60cm đến 80cm; chiều dài từ 1,2m đến 1,4m; bên trong được chốt cố định khung gỗ hình chữ thập chắc chắn. Nùn rơm được sử dụng như một “lá chắn” đạn đủ che cho một tổ 3 người. Hai chiến sĩ ở 2 bên nùn rơm vừa trườn vừa đẩy lên phía trước, còn chiến sĩ ở giữa mang bộc phá cứ thế tiếp cận mục tiêu. Ở địa hình trống trải, việc áp sát đồn để tiêu diệt địch vô cùng khó khăn nên bộ đội ta dùng nùn rơm tiếp cận mục tiêu rất có hiệu quả. Vào ban đêm, nùn rơm lăn trên đường rất nhẹ nhàng làm cho địch khó phát hiện.

Nhờ sử dụng phương pháp này mà bộ đội ta dễ dàng tiếp cận mục tiêu, đánh bộc phá, tạo điều kiện cho đơn vị tiêu diệt gọn đồn Vô Tình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào đầu năm 1952.

Nguyễn Văn Chung