QĐNĐ Online - Chuyện xảy ra hệt như trong một bộ phim trinh thám.
Đó là ngày chủ nhật, 16-3-1997. Một ngày hiếm hoi tôi được ở nhà. Chợt điện thoại đổ chuông. Ở đầu dây bên kia là một giọng nói, gần như thì thầm: “Một giờ nữa, gặp tôi tại con đường ven sông C&O gần khách sạn Old Angler’s Inn. Nhớ đi một mình”. Chỉ có vậy. Người gọi thậm chí không cần xưng danh; ông biết tôi sẽ đến.
.jpg) |
Anthony Lake (Trái) - Photo: AP |
Giọng nói đó là của Anthony Lake, người đã thôi giữ chức cố vấn An ninh quốc gia hai tháng trước khi Bill Clinton đề cử ông làm Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA). Nhớ lại thời điểm năm 1992, khi Clinton vừa mới lên nắm quyền, tôi đã được Tony
[1] chọn làm nhân viên của ông trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC). Trước đó, tôi đã từng làm việc cho Thượng viện và xa hơn nữa, đã từng có bốn năm là Giám đốc nhân sự của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Hơn ba năm làm việc tại NSC, tôi có mối quan hệ thân tình trên cương vị cá nhân và đồng nghiệp với Lake và cấp phó của ông là Sandy Berger. Tháng 5-1995, John Deutch, người trở thành DCI, đã bổ nhiệm tôi làm cấp phó cho ông. Chúng tôi gặp nhau khi Deutch là Thứ trưởng Quốc phòng và thậm chí đã có lần cùng nhau đi công tác nước ngoài, giải quyết một vấn đề tình báo nhạy cảm. Nhưng giờ đây, chỉ sau một năm rưỡi tại vị, Deutch đã rời nhiệm sở và bạn tôi, cũng là sếp cũ của tôi, Tony Lake, được đề cử thay thế.
Tony có đầy đủ những phẩm chất cần thiết cho công việc này. Ông thông minh, nhạy bén, có sự tự tin của một người lãnh đạo và tính cách mạnh mẽ. Khi còn là một Cố vấn An ninh quốc gia, với cách hành xử lặng lẽ giống như một vị giáo sư điềm đạm, Tony bị nhiều người cho là đã ngồi nhầm vị trí. Thực chất không phải vậy. Trong số rất nhiều nhân vật đầy cá tính ở NSC, Tony là một nhà lãnh đạo khá gia trưởng, một chuyên gia trong việc tổ chức lãnh đạo và xử lý kế hoạch. Ông đã dày công nghiên cứu và đúc rút ra bài học xương máu từ những vụ đấu đá lẫn nhau của chính quyền Carter. Ông gắng sức ngăn chặn tình trạng tương tự tái diễn ở thời Bill Clinton. Tony quả là một trường hợp hiếm thấy ở Washington vì ông không mưu cầu danh vọng. Ông luôn lưu ý với nhân viên của mình rằng, ông và họ, hoặc là sẽ cùng nhau thành công hoặc sẽ cùng thất bại, nhấn mạnh rằng không ai trong số chúng tôi là người do dân bầu ra mà là được Chính phủ bổ nhiệm.
Tôi nghĩ rằng với tất cả những phẩm chất đó, Tony là một lựa chọn sáng suốt cho vị trí lãnh đạo CIA. Ích kỉ hơn mà nói, tôi cũng nghĩ rằng việc Tony tới Langley[2] có nghĩa là cái ghế Phó Giám đốc CIA của tôi – một vị trí mà tôi đang gắng tìm thấy niềm vui – sẽ chắc chắn hơn.
John Deutch là một nhân vật xuất chúng, lập dị, khó hiểu và là người có khả năng biến cái tài trong nghề của mình thành chính sách, theo cách mà ít người có thể làm được. với dáng vẻ bệ vệ, ông cũng muốn được nhân viên nể trọng. Nhưng ngay sau khi vừa đến CIA, cơ quan thanh tra của Cục đã đệ trình lên ông một bản báo cáo chỉ trích trình độ của một số nhân viên CIA tại Guatemala trong những năm 1980. John đã kỷ luật một số người có tên trong bản báo cáo đó. Điều đó khiến ông có một khởi đầu không mấy suôn sẻ với nhiều nhân viên của Cục. Cũng từ đó, mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Uy tín của ông bị giảm sút khi trả lời một ký giả của tờ New York Times rằng ông nhận thấy không có nhiều nhân tài ở Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Tờ báo này đã trích lời ông như sau: “Chắc chắn năng lực của họ không đáp ứng được những yêu cầu của một đặc vụ và họ cũng kém nắm bắt vai trò và trách nhiệm của mình”. Cục Tình báo Trung ương là một nơi hết sức nhạy cảm, vì vậy, cơ hội để John giành được thiện cảm của mọi người là vô cùng ít ỏi. Tôi biết ông rất hối hận về những lời nhận xét của mình. Đó là một bài học quý giá mà sau này có lẽ tôi sẽ dùng đến: bạn phải chiếm được lòng tin của nhân viên, kín kẽ, lạc quan và như tôi luôn nói, “hãy thể hiện mình như một cốc nước không bao giờ đầy”.
Nhiệm kỳ đầy biến động của John ở CIA kết thúc vào tháng 12-1996 khi ông đột ngột từ chức. Những gì người ta đồn ở Washington bấy giờ là chuyện ông muốn làm Bộ trưởng Quốc phòng và khi vị trí đó không thuộc về ông thì John đành ra đi. Cho dù lý do đích thực là gì thì sau khi John từ chức, tôi đã trở thành quyền Giám đốc CIA.
Tôi cứ nghĩ mình sẽ chỉ phải cáng đáng cả hai việc trong một thời gian ngắn trước khi Lake được xác nhận bổ nhiệm. Thế nhưng, bốn tháng sau, việc bổ nhiệm đó vẫn chưa được Thượng viện thông qua. Tôi đã đoán được lý do đằng sau lời yêu cầu gặp tôi của Tony là sự trì hoãn bổ nhiệm của ông, nhưng không hiểu tại sao ông lại muốn gặp tôi ở một địa điểm bất thường đến vậy. Việc ông yêu cầu tôi đến đó một mình càng thật sự khó hiểu. Hẳn Tony cũng biết là các phó giám đốc CIA không bao giờ đi đâu một mình. Kể từ khi tôi đảm nhiệm chức vụ này ở Cục, một đơn vị an ninh vũ trang luôn đi theo bảo vệ tôi. Bất cứ đi đâu, tôi cũng được đưa đón bằng một chiếc SUV lớn, màu đen, bọc thép, theo sau là một chiếc thứ hai chở đầy nhân viên vũ trang. Những mối đe dọa của bọn khủng bố và bọn quá khích đối với các quan chức cao cấp của CIA luôn thường trực. Trong suốt bốn tháng, kể từ khi tôi đảm nhiệm thêm vai trò quyền Giám đốc CIA, an ninh lại càng được thắt chặt hơn.
 |
George Tenet (Photo: Carlcoxphoto) |
Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng chiều lòng Tony một cách khéo léo. Tôi gọi điện cho Dan O’Connor, trưởng bộ phận an ninh bảo vệ và thông báo rằng anh ta và tôi sẽ cần phải đi một chuyến – mà không có ai khác đi kèm. Dan, thường được mọi người trong Cục gọi là “Doc”, bắt nguồn từ chữ cái đầu trong tên anh, là một anh chàng to lớn, tính tình vui vẻ, người New York gốc Ireland. Dan sẵn sàng dùng thân mình chắn đạn cho tôi mà không hề do dự, nhưng hẳn anh không thích thú gì với chuyện chúng tôi mạo hiểm đi mà không hề có yểm trợ như mọi lần. Nhiệm vụ của anh ta là giảm thiểu tối đa, chứ không phải là gia tăng tối đa những rủi ro an ninh cho tôi. Thế nhưng, anh ta vẫn lái xe qua nhà tôi, rồi hai chúng tôi cho xe chạy về phía nam theo hướng sông Potomac.
Chúng tôi tạt vào một khu đỗ xe rải đá cuội phía bên kia khách sạn Old Angler’s Inn. Từ chỗ đó, Doc luôn giữ một khoảng cách nhất định, tôi đi bộ rẽ vào một con đường đất dẫn tới con sông đào có lịch sử 150 năm, đã từng chở than từ miền Tây về để sưởi ấm cho các gia đình ở thủ đô Washington này. Mặc dù bấy giờ mới chỉ là giữa tháng 3, bãi đậu xe và cả con đường ven sông đã tấp nập người đi xe đạp, chạy bộ, đi bộ và cả những người đang tản bộ dọc theo mỏm đồi Billy Goat Trail. Xa hơn về phía chân đồi, những người chơi kayak[3] đang lao xuồng vào những vùng nước tung bọt trắng của dòng Potomac, cách không xa nơi dòng nước đổ xuống từ thác Great Falls.
Tôi vẫn còn nhớ như in, hôm đó sương mù còn bao phủ khắp dòng sông. Tony đứng đợi tôi. Ông mặc đồ bình thường với áo gió và giầy đi bộ. Tôi trở thành lạc lõng với áo sơ mi và quần âu mặc đi nhà thờ từ sáng. Tôi không mảy may nghĩ đến việc phải thay quần áo. Chúng tôi bắt tay nhau. Tony nói: “Nào ta cùng đi dạo”. Tôi đã cùng Tony Lake trải qua nhiều quãng thời gian khó khăn, nhưng hôm đó trông ông thật khác, với vẻ mặt nghiêm nghị sắt đá mà tôi chưa từng thấy. Sau khi đi khoảng nửa dặm, chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng hướng ra phía dòng sông.
“Tôi muốn anh biết rằng ngày mai tôi sẽ đề nghị với Tổng thống cho tôi rút khỏi danh sách dự kiến cho vị trí Giám đốc Cục Tình báo Trung ương”, Tony nói với một giọng trầm lắng, đầy kìm nén, “Công việc đó quá nặng nhọc. Họ đòi hỏi quá nhiều. Thật chẳng đáng phải như thế”.
Ông chẳng cần phải giải thích “họ” ở đây là ai. Tony đã ở Washington này rất lâu rồi. Ông đã từng đối đầu với những người giỏi nhất trong số họ. Giờ đây, khi có cơ hội, một vài thượng nghị sĩ đã cố tình gây khó dễ cho quá trình đề cử ông. Nhưng khó khăn cũng đã bị đẩy sang cả tôi ngay sau khi Tony được đề cử. Tôi đã phải đến đồi Capitol[4] để báo cáo nhanh trước các thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Sau phiên điều trần đó, Richard C. Shelby, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Alabama, người sắp trở thành Chủ tịch Ủy ban đã kéo riêng tôi ra một góc.
“George này”, ông ta nói: “nếu anh biết được chút thông tin gì về Tony Lake, hãy nhớ là tôi rất muốn biết nhé”. Sự trơ tráo của ông ta làm tôi chẳng thể nói được gì, tôi chưa bao giờ quen với điều này. Chẳng nhẽ ông ta không biết rằng Tony không những là bạn tôi, mà còn từng là sếp của tôi sao? Điều gì khiến ông ta nghĩ rằng tôi sẽ làm việc đó chứ?
Những người khác rõ ràng cũng không chia sẻ sự miễn cưỡng của tôi. Chẳng mấy chốc, những tai tiếng về khả năng quản lý của Tony đối với nhân viên NSC và các tin đồn vô căn cứ đã lan rộng. Rõ ràng, việc phê chuẩn ông ấy đang gặp rắc rối. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng cuối cùng sự thật sẽ chiến thắng.
Ngày hôm đó, trong lúc đi dạo trên con đường dọc bờ sông, Tony đã nói với tôi rằng, ông thật sự không còn quan tâm đến việc này nữa. Trong vòng ba ngày, ông đã phải chịu đựng những phiên điều trần rùng rợn, và thói mị dân đáng ghê tởm của một số thành viên trong Ủy ban điều trần. Trước khi diễn ra các phiên điều trần, thậm chí Thượng nghị sĩ Shelby còn nằng nặc đề nghị và cuối cùng, ông ta cũng được chính quyền cho phép lục lọi tất cả các hồ sơ chưa qua xử lý của FBI về Tony. Đây là những hồ sơ chứa tất cả các cáo buộc chống lại một người, cho dù nó có thể là vô căn cứ. Trong suốt các phiên điều trần, Shelby và các đồng nghiệp của ông ta thay nhau chỉ trích Tony. Về điều này, các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ gọi đó là “phiên tòa ép cung” và là “một đòn hiểm độc”. Ngay cả thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain cũng yêu cầu Shelby xem xét lại quan điểm của mình, nhưng rốt cuộc cũng không đem lại kết quả.
Tôi vẫn tin rằng khi Shelby đã sử dụng hết các đòn để đánh Tony, thì cũng đến lúc phải bỏ phiếu. Tuy nhiên, Tony nói rằng ông đã nghe đồn là Shelby đang sử dụng chiến thuật trì hoãn bằng cách yêu cầu FBI điều tra thêm một lần nữa. Các quan chức của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) cho chúng tôi biết rằng, đám trợ lý của Shelby đang dò hỏi cơ quan này xem có những thông tin bất lợi nào từ các cuộc nghe trộm Tony hay không. NSA đã kiên quyết từ chối yêu cầu đó. Song, Tony đã chủ động chấm dứt vụ này. Thế là quá đủ. Thế nhưng, những gì Tony nói với tôi sau đó đã thật sự gây sốc cho tôi.
Tony nói: “Khi tôi trình bày với Tổng thống về chuyện rút lui, tôi tính sẽ khuyên ông ấy cất nhắc anh làm DCI”. Chả phải nói, thì tôi vẫn đang là quyền DCI cơ mà, song cái viễn cảnh được thay thế Tony đã không hiện hữu trong trí tưởng tượng bay bổng nhất của tôi. Xét cho cùng, tôi mới chỉ 40 tuổi, một người vô danh và chỉ được biết đến trong nội bộ giới tình báo. Đó là điểm yếu thứ nhất của tôi. Điểm yếu thứ hai là sức khoẻ. Gần bốn năm trước tôi bị bệnh tim.
Tôi không nhớ mình có trả lời hay không, nhưng chắc hẳn sự ngạc nhiên đã hiển hiện trên gương mặt của tôi. Tony phá tan sự im lặng: “Này, anh là người hiểu công việc đó, anh có năng lực, Tổng thống yêu quý anh và Thượng viện sẽ ủng hộ anh. Hãy cho tôi biết, còn ai khác có thể thay thế được anh”. Ông nói thêm: “Rồi anh sẽ thích công việc này”.
Tôi trả lời “Vâng, nhưng không phải theo cách đó”.
Tôi ứa nước mắt và trong lòng trào dâng hàng loạt cảm xúc đan xen: hết sức bất ngờ, nghi hoặc, buồn chán và bối rối. Tôi cảm giác mình giống một diễn viên đóng thế của nhà hát Broadway, kẻ vừa được biết bạn thân nhất của mình, ngôi sao của vở diễn, bị tai nạn giao thông.
Tôi nghĩ phải tìm cách nói với Tony, khuyên ông không rút khỏi đề cử, nhưng rõ ràng ông đã quyết định. Sau đó, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng liệu tôi có phải là người được chọn cho vị trí đó. Tony tuyên bố chắc chắn rằng tôi chính là người được chọn và ông không muốn bàn thêm về việc này. Bằng giọng chuẩn mực của người New England, ông nói: “Tôi không mời anh đến đây để hỏi anh nghĩ gì về kế hoạch của tôi mà chỉ muốn cho anh biết tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ rút lui và phải (ông nhấn mạnh) đề cử anh. Đơn giản chỉ như vậy”. Tony lo ngại rằng theo bản năng, Tổng thống Clinton sẽ đấu đến cùng với Shelby. Tony nói: “Ông ta sẽ muốn đấu cho đến khi tôi kiệt sức. Đó sẽ là thảm họa cho CIA, vì vậy, CIA cần một giám đốc”.
Sau khi nói chuyện khoảng nửa giờ, chúng tôi nhận thấy mình đã quay trở lại chỗ gặp nhau ban đầu. Chúng tôi bắt tay, gật đầu chào và chia tay theo hai đường khác nhau. Trở về nhà, tôi vào phòng dành cho sinh hoạt gia đình dưới tầng hầm để nghĩ về những gì vừa diễn ra. Sau đó, như thường lệ, khi tôi gặp vấn đề hóc búa, tôi lại tìm đến vợ tôi, Stephanie để tìm lời khuyên. Liệu tôi có thể đảm nhiệm chức vụ đó? Tôi có nên thử sức mình? Điều đó có ý nghĩa gì cho gia đình tôi? Con trai của chúng tôi, John Michael vừa học xong tiểu học và đây chính là thời điểm đứa trẻ cần người cha bên cạnh. Với cương vị quyền Giám đốc CIA, tôi đã nếm đủ mùi vị và hiểu được rằng vị trí công tác mới sẽ lấy đi hết thời gian của tôi. Stephanie luôn là người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất. Trong suốt hai năm qua, vợ tôi đã phải tìm cách để yêu mến tất cả nhân viên của CIA. Giống như tôi, cô ấy cũng có gốc Hy Lạp, sẵn sàng che chở cho những người hoàn toàn không quen biết. Nhân viên CIA và gia đình họ đã sớm trở thành một phần của gia đình tôi.
“George, anh có thể làm được”, vợ tôi nói, “Anh phải trở thành giám đốc vì CIA cần anh. Đừng lo cho em và con. Em và con sẽ ổn và anh cũng sẽ như vậy”.
Chiều hôm sau, tức thứ hai ngày 17-3, Tony đệ trình bản báo cáo dài 1.100 từ với lời lẽ mỉa mai về việc ông rút lui khỏi danh sách đề cử. Ông nói, Washington đã “mất hết khôn ngoan”, chê bai sự “chính trị hóa” CIA và nói rằng, ông hy vọng sẽ quay trở lại vào cái ngày mà ưu tiên được dành “cho các chính sách chứ không phải cho ý chí đảng phái” cũng như “cho việc điều hành mà không phải cho các thủ đoạn giữa các đảng phái” (Tôi e rằng, sau gần một thập kỷ, mong muốn của ông vẫn chưa trở thành hiện thực).
Sáng thứ tư, John Podesta, Phó Chánh văn phòng Tổng thống gọi điện cho tôi nói rằng, Tổng thống chắc sẽ chỉ định tôi làm DCI. Giống như Tony, Podesta dường như không hỏi tôi nghĩ gì về việc đó. Sau đó, tôi được mời tới Nhà Trắng để gặp Tổng thống.
Đến Nhà Trắng, tôi được đưa đến khu vực riêng của Tổng thống. Tôi gặp Tổng thống Clinton cùng với người kế nhiệm Lake làm Cố vấn An ninh quốc gia, Sandy Berger và Podesta. Tổng thống ngồi nguyên tại chỗ trong suốt cuộc gặp. Chúng tôi trao đổi ngắn gọn, giữ thái độ tế nhị và gần như ngay sau khi tôi được biết chuyện gì sắp xảy ra thì các nhân viên của Tổng thống đề nghị được đưa vợ con tôi đến Nhà Trắng càng nhanh càng tốt.
Trước đó, một nhóm phóng viên đã được mời tới để Nhà Trắng thông báo ý định tiến cử của Tổng thống. Với vợ, con bên cạnh, tôi đọc một bài phát biểu ngắn nhấn mạnh cảm xúc “cay đắng ngọt ngào” của tôi vì được thăng chức đồng thời với sự ra đi của một người tôi rất đỗi kính phục, Tony Lake. Tôi hứa với Tổng thống sẽ đem hết sức mình phục vụ trên cương vị mới và sau đó quay trở lại với công việc mà tôi vẫn thực hiện trước đây.
Nghĩ lại, tôi thấy rất lạ là lúc đó chẳng có buổi phỏng vấn nào về vị trí mới của tôi. Tất nhiên, mọi người đều đã biết về tôi và công việc mà tôi đảm đương, nhưng chẳng ai hỏi tôi sẽ làm gì với giới tình báo, liệu tôi có nên nhận cương vị này, hoặc tôi sẽ thực hiện những thay đổi gì, hay bằng cách nào tôi có thể lên giây cót tinh thần cho một cơ quan đã chứng kiến sự ra đi của bốn giám đốc trong vòng năm năm – đó là chưa kể hai người rút ra khỏi danh sách ứng cử viên cho DCI.
Câu chuyện tôi được thăng chức trở thành đề tài lớn trên các tờ báo lá cải ở New York, nơi tôi trưởng thành. Tít một bài trên một tờ báo gọi tôi là “Điệp viên lớn lên từ vùng Queens”. Các phóng viên mạnh dạn hơn đi tìm gặp những hàng xóm cũ của tôi trong gần 40 năm cuộc đời tôi. Một số phóng viên cho biết họ đã ngạc nhiên như thế nào trước việc tôi được chỉ định làm DCI vì, như một người nhận xét, khi còn là đứa trẻ, tôi có tiếng là không biết giữ bí mật. Những người khác lại nói rằng, họ đã cảm nhận được điều gì đó đặc biệt về tôi dựa vào cách tôi chơi bóng bầu dục trên đường phố 35 năm trước (Tôi đã từng một lần đoạt chức vô địch chơi đôi môn bóng bầu dục Giải Trường phổ thông công lập 94).
Tôi rất thích đoạn trích lời của mẹ tôi, bà Evangelia Tenet. Mặc dù lúc đó bà đã sống ở Mỹ 45 năm, nhưng do mối quan hệ của cộng đồng Hy Lạp tại Mỹ rất mật thiết nên bà vẫn chỉ có thể nói được thứ tiếng Anh nhát gừng. Bà đã trả lời tờ Daily News: “Tôi có một con trai ở CIA và một con trai là bác sĩ chuyên khoa tim. Cũng không tồi chứ?”. Quả thật không tồi, nhưng câu chuyện thật sự là về bố mẹ tôi chứ không phải về tôi hoặc em tôi. Thật khó có thể nói về ảnh hưởng của cha mẹ tôi. Mặc dù tôi đã gặp nhiều vị tổng thống, các ông hoàng, bà chúa, các tiểu vương và các nhà lãnh đạo chuyên chế, nhưng hai người mà tôi luôn kính trọng nhất là bố và mẹ tôi.
Bố tôi, John Tenet, là một người tự lập, kể từ khi ông bị người cha bạo hành ở Hy Lạp quẳng ra khỏi nhà năm 11 tuổi. Đầu tiên, bố tôi đến Pháp và làm việc tại một mỏ than. Ngay sau đó, ông cho rằng tương lai không thể gắn liền với mỏ than và quyết định lên đường sang Mỹ. Ông đặt chân tới đảo Ellis[5] ngay trước khi xảy ra cuộc Đại khủng hoảng[6]. Ông chẳng có đồng xu dính túi, cũng không có người bạn nào. Tất cả những gì ông nhận thức được là muốn trở thành ông chủ của chính mình, chăm lo cho gia đình và ông cũng hiểu được rằng, tại Mỹ nên làm việc chăm chỉ, ông đạt được những gì mà ở nơi khác có nằm mơ cũng không thấy. Dựa vào niềm tin sắt đá đó, bố tôi đã làm được điều mà nhiều người Hy Lạp di cư khác đã làm, đó là mở một quán ăn.
Cuối cùng, bố tôi đã trở thành người Mỹ, nhưng ông vẫn luôn giữ gìn cội nguồn châu Âu của mình. Người hùng của ông là Charles de Gaulle[7]. Tôi còn nhớ như in ngày 27-4-1960, khi bố đưa tôi và Bill, người em sinh đôi của tôi từ vùng Queens đến vùng Manhattan để được nhìn thấy De Gaulle trên chiếc xe limousine mui trần trong một cuộc diễu hành lớn. Hôm đó, tôi nghe rất rõ bố tôi hô to “Vive la France!”[8] và thấy De Gaulle đưa mắt về phía chúng tôi. Tôi biết lúc đó tôi rất hạnh phúc và sau này tôi luôn cảm nhận được phút giây hạnh phúc như vậy mỗi khi được ở bên cạnh bố.
Bố tôi là người đàn ông lịch thiệp, trung thực. Ông không được học hành bài bản, nhưng rất thích đọc báo và đam mê các vấn đề quốc tế. Quanh bàn ăn của chúng tôi luôn diễn ra những tranh luận sôi nổi về chính trị và tin tức xảy ra ở nơi quê hương Hy Lạp và ở nước Mỹ, quê hương thứ hai của ông. Những lúc đó, chúng tôi hết nói bằng tiếng Hy Lạp lại chuyển sang tiếng Anh. Khi bố mẹ không muốn anh em tôi nghe được chuyện của họ, liền chuyển sang nói tiếng Anbani.
Bố tôi là bản sao của Bary Goldwater[9], giống đến mức mà trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1964, ông thường bị mọi người ở ga xe lửa Long Island chặn lại xin chữ ký. Điều đó cũng cho thấy mọi thứ đã thay đổi. Dường như người dân New York ngày nay sẽ thấy rất lạ khi một ứng cử viên Tổng thống có thể một mình đứng chờ chuyến tàu từ Little Neck đến Flushing. Mặc dù bố tôi đã mất 23 năm, nhưng tôi luôn cảm giác như ông vừa mới qua đời ngày hôm qua.
Cũng gian truân như khi bố tôi tìm đường đến New York, nhưng con đường đến Mỹ của mẹ tôi còn có nhiều tình tiết xúc động hơn. Bà đã chạy khỏi vùng đất mà ngày nay là Nam Anbani.
Trước tiên, mẹ tôi đến Rome, sau đó đến Athens và lẽ ra bà đã sống tới cuối đời ở đó nếu không vì bà có một ông chú đang kinh doanh hàng ăn ở New York. Ông chú Lambros của mẹ tôi khoe với bố tôi về cô cháu gái của ông, nói rằng mẹ tôi không chỉ đẹp mà còn đã dũng cảm trốn thoát khỏi quê nhà, hiện đang sống trong một ngôi làng gần với nơi sinh ra bố tôi. Bố tôi chắc chắn đã mê mẹ tôi từ câu chuyện đó vì năm 1952, ông bay về Hy Lạp, tán tỉnh mẹ tôi trong vòng hai tuần và sau đó cưới bà. Một tuần sau, mẹ tôi đã có mặt ở New York, cùng làm việc với bố tôi tại một nhà hàng mà bố tôi thường gọi là Twentieth Century Dinner (Quán ăn của Thế kỷ XX). Mẹ tôi nướng bánh còn bố tôi làm đầu bếp. Họ đã sống và làm việc như vậy tại Queens, khu vực có rất đông người Mỹ gốc Hy Lạp sinh sống.
Tuy cuộc hôn nhân được sắp đặt, nhưng bố, mẹ và gia đình tôi rất hạnh phúc. Nếu có một gia đình đàng hoàng, dư dả tài chính, hẳn mẹ tôi đã có thể được học trung học, rồi vào trường luật. Và sau đó, có thể bà sẽ có những lập luận hùng hồn tại tòa án. Mẹ tôi có một khả năng kỳ lạ là có thể hiểu thấu người khác, cho dù đó là thường dân hay quan chức. Mẹ tôi có thể phát hiện được kẻ nói dối cách xa một dặm. Nếu tôi có thể đưa mẹ vào làm việc tại CIA, có lẽ người ta sẽ dọn sạch những chiếc máy phát hiện nói dối của chúng tôi. Mẹ tôi là người ít nói, nhưng cũng là người khá ghê gớm, đặc biệt là khi ai đó cố tình gây khó dễ cho hai đứa con trai của bà. Tôi thường nửa đùa nửa thật với mọi người rằng sau khi biết đến mẹ tôi thì mọi người sẽ thấy ông Yasser Arafat chỉ hiền như cục bột.
Xét trên nhiều phương diện, tôi giống bố tôi hơn. Ông là người đáng tin cậy, không ưa nói xấu người khác. Khi tôi đã là DCI, nhiều lần tôi vẫn ước giá được nghe lời khuyên của bố về những vấn đề hóc búa mà tôi đang gặp phải, mặc dù trên thực tế, bố tôi mất từ năm 1983. Khi có những vấn đề khó giải quyết, Bill, em trai tôi, thường nói: “Hãy nghĩ theo cách mà người già sẽ làm”. Bố tôi tin tưởng vào sự hoàn mỹ. Ông thường nói rằng hãy thân mật với bạn bè và hữu hảo hơn với kẻ thù. Mặc dù đôi lúc tôi mong mình giống mẹ, người phụ nữ có niềm tin rằng thường xuyên đối đầu có thể mang lại hưng phấn cho cuộc sống. Bố mẹ tôi là một cặp vợ chồng khác thường. Mỗi ngày, tôi đều biết ơn lòng can đảm và quyết tâm của họ, những đức tính đã khiến họ đến với nhau và tồn tại trên đất nước này.
Tôi đã nghĩ về chặng đường đáng nhớ của bố mẹ tôi vào chính cái ngày chủ nhật tháng 3-1997, chính chặng đường ấy đã đưa tôi tới con đường nhỏ ven sông và tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời tôi.
(Còn nữa)