Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Thị Oanh. Ảnh: Trang Thanh

QĐND Online - Lần đầu gặp cô, nhìn dáng người thấp bé và mảnh mai, không ai có thể nghĩ cô là một anh hùng, một nữ biệt động thành Sài Gòn – người đã có những đóng góp không nhỏ trong việc truyền, đưa tin và dẫn đường cho bộ đội chủ lực vào nội thành trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Nhân vật mà chúng tôi muốn nói đến là Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Thị Oanh.

Sinh ra trong gia đình thuần nông với bảy anh chị em, là con cả nên Phạm Thị Oanh sớm có cuộc sống lam lũ, vất vả. Quê cô ở Đức Hòa, Đức Lập, Long An. Tuy là nhà nông nhưng gia đình cô không có lấy một mảnh ruộng riêng. Chị em cô đều không được đi học mà ngày ngày phải đi làm thuê và chưa bao giờ có được cái cảm giác no bụng.

Năm 14 tuổi, thấy cảnh nhà nheo nhóc chẳng biết đến bao giờ mới có ăn, các em lại nhỏ quá, cô xin phép mẹ đi thoát ly. Tháng 8-1965, khi 15 tuổi, cô được về đoàn vận tải của Y Tư (Phân khu Sài Gòn –Gia Định). Nhưng vì dáng người thấp bé không thể đi tải nổi, cô bị trả về.

Quyết không từ bỏ quyết định theo cách mạng chỉ vì thân hình quá nhỏ bé, cô vừa tìm cách liên hệ với trên, vừa nhờ người quen giúp đỡ. Cuối cùng cô được tổ chức cho đi học chữ, tham gia khóa huấn luyện đặc biệt rồi được điều sang tổ biệt động Phân khu Sài Gòn-Gia Định. Để đảm bảo nguyên tắc hoạt động và giữ bí mật nên tổ biệt động của cô chỉ liên lạc đơn tuyến, không ai biết ai. Cô được giao nhiệm vụ làm giao liên giữ và vận chuyển công văn, tin tức từ ngoài vào thành và ngược lại, đồng thời ngầm xây dựng cơ sở bên trong...

Tết Mậu Thân năm 1968, ta tổ chức cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Trong cả hai đợt cô đều được giao nhiệm vụ đưa đường cho bộ đội. Nhớ về những ngày lửa đạn ấy, cô kể với chúng tôi một tình huống phát sinh trong chiến đấu mà cô vẫn còn nhớ rất rõ. Khi đó, biệt động khu thành lập tổ đặc biệt, cô cùng với một đồng chí chỉ huy được giao nhiệm vụ hỗ trợ bộ đội chủ lực trong thành. Khi có biến, cô sẽ dẫn đường đưa bộ đội về nơi an toàn. Hôm đó, bộ đội ta bị thương từ tuyến trên đưa về nhiều, trong đó có ba đồng chí nữ bị thương rất nặng. Chỉ có một mình bởi đồng chí chỉ huy trực tiếp đang ở tuyến dưới, cô đề nghị được chủ động đưa thương binh đi ngay, bởi không còn thời gian để chờ đợi sự hỗ trợ. Trong khi tìm cách đưa thương binh ra vùng an toàn, cô bị trúng hỏa bom của địch. Cô bị thương nặng, với hầu hết vùng da bị tổn thương, đến nay vẫn còn những vết sẹo chằng chịt. Hiện cô là thương binh hạng 4/4.

Sau một thời gian điểu trị, cô lại xin tiếp tục được trở về thành tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Sau đó một thời gian, do có chỉ điểm và địch có hình của cô treo ở khám Chí Hòa (hiện nay vẫn còn ở khu di tích nhà giam Chí Hòa, số 1 đường Hòa Hưng, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) nên chúng ráo riết tìm bắt cô. Để bảo đảm an toàn cho cô, tổ chức quyết định chuyển cô ra vùng giải phóng. Hòa bình lập lại, cô được điều về công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1978, cô được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân

Do điều kiện sức khỏe không cho phép, đến năm 1988, cô về nghỉ với quân hàm Đại úy. Hiện nay, cô cùng chồng và hai con đang sinh sống tại ấp Phước Kiền, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.

Gặp cô trong đoàn Đại biểu 1000 Anh hùng, tướng lĩnh và Mẹ Việt Nam Anh hùng ra Hà Nội mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghe cô khiêm tốn kể về những ngày bom đạn, chúng tôi càng thêm khâm phục người phụ nữ quả cảm và can trường. Tuy vẫn mang trên mình vết thương do chiến tranh để lại, song trong đôi mắt của cô luôn ánh lên sự tự tin, mạnh mẽ và trên hết là tình yêu cuộc sống...

Bích Trang