QĐND Online – Năm nay đã 91 tuổi, song ông Nguyễn Trọng Hàm-người chiến sĩ quyết tử của Thủ đô năm xưa vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Gần đến ngày kỷ niệm 65 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, chúng tôi có may mắn được gặp ông, nghe ông kể về những ngày Hà Nội sục sôi khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của 65 năm về trước…
Lòng yêu nước-vũ khí lợi hại
 |
Ông Nguyễn Trọng Hàm
|
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhiều năm nay là Trưởng ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1 anh hùng. Trước khi về hưu (năm 1983), ông là Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô). Ông Nguyễn Trọng Hàm bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, với nhiệm vụ tuyên truyền, rải truyền đơn. Tháng 5-1945, ông đã làm cho quân Nhật thất điên bát đảo, khiếp sợ khi trực tiếp giết chết một tên quan năm Nhật ngay giữa Thủ đô. Với “vốn liếng” kinh nghiệm ấy, khi toàn quốc kháng chiến, ông đã là Trung đội trưởng Trung đội 2 (Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô).
- Trước đó, Tiểu đoàn 102 còn được gọi là Khu Đông Thành; Tiểu đoàn 101 là Khu Đồng Xuân và Tiểu đoàn 103 là Khu Đông kinh nghĩa thục, đều trực thuộc Liên khu 1, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm tâm sự.
Trung đội 2 do ông Nguyễn Trọng Hàm chỉ huy còn được gọi là Trung đội Hàng Thiếc. Sở dĩ gọi như vậy bởi lực lượng gia nhập Trung đội 2 khi ấy chủ yếu là công nhân ở phố Hàng Thiếc, gia đình ông Hàm cũng sinh sống tại khu phố này.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm bộc bạch:
- Về mặt chiến lược của chúng ta lúc đó vẫn là mềm dẻo, linh hoạt nhằm cứu vãn hòa bình, đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta muốn hòa bình”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải gấp rút chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Công tác chuẩn bị chiến đấu tại các đơn vị của Trung đoàn Thủ đô khi đó diễn ra rất khẩn trương. Mỗi buổi tối, ông Hàm đều tổ chức cho Trung đội 2 luyện tập đội ngũ, với mục đích tạo ý thức tập thể cho anh em chiến sĩ. Đồng thời tăng cường huấn luyện phương pháp sử dụng các loại vũ khí có trong biên chế.
- Súng ống khi đó rất ít, chủ yếu được bà con mua, tặng chúng tôi. Còn lại chủ yếu là mã tấu, dao găm. Song khi ấy, mọi người đều nhận thức rằng, vũ khí không phải là tất cả, ta chiến đấu trên những con phố ta sinh sống, với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm cao, chúng ta sẽ chiến thắng- ông Hàm nhớ lại.
Tối nào cũng vậy, phố Hàng Thiếc luôn sôi động bởi không khí luyện tập của các chiến sĩ quyết tử. Bà con dân phố mang đèn ra treo trước cửa, xem và động viên các chiến sĩ luyện tập.
Khi nói đến chuyện những quả bom ba càng, ánh mắt ông Nguyễn Trọng Hàm vụt sáng. Ông bồi hồi kể: “Khi đó, Trung đội 2 có 36 cán bộ, chiến sĩ. Ai cũng muốn được chọn vào đội hình luyện tập, sử dụng loại vũ khí đặc biệt này, dẫu biết sẽ hy sinh khi ôm bom ba càng xung trận. Tuy nhiên, qua kiểm tra thể lực và sự nhanh nhẹn, khéo léo, chỉ có 10 chiến sĩ được lựa chọn để huấn luyện sử dụng bom ba càng”…
Cột điện, gốc cây thành nơi … diệt địch
Chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, ta đã vận động nhân dân mua tích trữ gạo. Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nhờ tích cực chuẩn bị lương thực như vậy nên quân và dân Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu liên tục, hiệu quả trong 2 tháng trời ròng rã.
Trên những phố được xác định địch sẽ tiến quân ra, ta đều triển khai chướng ngại vật, nhằm cản bước tiến của chúng. Nhiều phố đã khoan thân cây, gài mìn vào đó, sẵn sàng cho nổ khi địch tới. Tương tự, nhiều cột đèn cũng được ta cài mìn. Các cột điện cũng được ta lợi dụng triệt để nhằm bố trí các ụ súng bắn qua lỗ trên thân cột điện; đồng thời cột điện cũng trở thành “lá chắn” bảo vệ quân ta trước làn đạn của kẻ thù.
- Chuyện đục tường, nối thông các nhà ở nội đô Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã trở thành nét sáng tạo của phương thức chiến đấu- ông Nguyễn Trọng Hàm kể tiếp- vì đặc điểm kiến trúc của mỗi nhà khác nhau, nên những bức tường đục đã tạo nên “ma trận” với quân Pháp, khi chúng cơ động qua đó.
 |
Các chiến sĩ Trung đội 2, Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô. Ông Nguyễn Trọng Hàm đứng thứ 4, từ trái qua. Ảnh chụp lại
|
Chiều 19-12-1946, ông Nguyễn Trọng Hàm đã nhận được thông tin đêm đó sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến.
Tối 19-12, ông cùng một số chiến sĩ của Trung đội 2 đi nhận vũ khí ở cơ sở của ta, gồm 50 quả lựu đạn, 2 quả bom ba càng và một số giáo mác, mã tấu.
Cầm vũ khí trong tay, tất cả đều hồi hộp đón chờ thời khắc vùng lên tiêu diệt kẻ thù…
“Lấy thô sơ thắng hiện đại”
Người lính già Nguyễn Trọng Hàm rưng rưng xúc động khi nhớ lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi trong “Thư Bác Hồ gửi các chiến sĩ yêu quý của Trung đoàn Thủ đô”, ngày 27-1-1947. Ông bảo: Còn gì sung sướng hơn khi vị lãnh tụ cao nhất gọi các chiến sĩ quyết tử của Liên khu 1 anh hùng bằng cái tên chung - “các em”- trìu mến, ấm áp như thế. Và thực tế là từ những thời khắc đầu tiên cho đến suốt 2 tháng sau đó, các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô nói chung, Trung đội 2 của ông Nguyễn Trọng Hàm nói riêng, đã anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội giữa lòng Thủ đô.
Dừng lời kể, nhấp thêm ngụm trà, Đại tá Hàm hào hứng nhớ lại: “Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19-12-1946, ánh đèn trên các đường phố Hà Nội vụt tắt. Từ pháo đài Láng, Xuân Canh… tiếng nổ vang dậy khắp thành phố, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”.
Mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ càng cho trận đối đầu được dự đoán sẽ rất quyết liệt trong đêm 19-12, song những giờ đầu tiên, quân Pháp tập trung đánh vào Bắc Bộ Phủ…mà chưa qua phố Hàng Thiếc. Khi đó, lực lượng của Trung đội 2 đã được phân tán nhỏ lẻ, sẵn sàng chặn chân địch tại các phố Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Ngang, Hàng Đào…
Những ngày sau đó, chiến sự diễn ra ác liệt. Đến ngày 7-2-1947, Trung đội 2 của Đại tá Hàm đã thực sự trải qua một cuộc “thử lửa” khốc liệt với quân Pháp.
 |
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trên vườn hoa Vạn Xuân nhắc nhở mọi người nhớ về một Hà Nội máu lửa của mùa Đông 1946
|
Ông Hàm bồi hồi kể lại: “Hôm đó, địch từ phố Hàng Bông, qua Hàng Nón, có ý địch “thọc sườn” phố Hàng Thiếc. Lực lượng của chúng có khoảng một đại đội, với sự yểm trợ của xe bọc thép”.
Vào phố Hàng Thiếc, “ma trận” được tạo nên từ những bức tường đục đã đưa quân Pháp vào…bước đường cùng. Do tường chỉ được đục vừa với thân hình của chiến sĩ ta, nên những tên địch có hình thể “kềnh càng” chui qua rất khó khăn. Chúng luôn phải đưa súng qua lỗ trước, sau đó mới “nhồi” người qua. Khi chúng chui đến nhà thứ 12, tên đi đầu bị quân ta bất ngờ dùng đòn gánh đập trúng đầu, khi hắn vừa thò đầu qua lỗ. Khi tên đi trước bị “nhét” trong lỗ, bọn đi sau hoảng loạn, ú ớ. Quân ta mai phục trên gác các căn nhà gần đó ném lựu đạn xuống, tiêu diệt khoảng chục tên, số còn lại bỏ chạy tán loạn.
- Đó là một trong những trận đánh khá tiêu biểu của Trung đội 2 trong 2 tháng chiến đấu giữa Thủ đô. “lấy thô sơ thắng hiện đại”, “lấy ít thắng nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”, đó là phương thức tác chiến chủ yếu của ta trong những ngày đáng nhớ ấy, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm tâm đắc.
Với tinh thần ngoan cường, dũng cảm của quân và dân Thủ đô, suốt 60 ngày đêm khói lửa, ta không những đã giam chân địch trong nội thành, ngăn chặn chúng mở rộng đánh ra các vùng lân cận, mà còn phá vòng vây của địch, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân Thủ đô sơ tán trở lại vùng tự do, căn cứ địa cách mạng an toàn.
Khi chúng tôi nói lời chia tay với người chiến sĩ quyết tử của Thủ đô 65 năm trước, cũng là lúc ông nhận được điện thoại của bà Vũ Thị Nhàn, năm nay đã 80 tuổi, chiến sĩ nữ của Tiểu đoàn 103 năm xưa. Nghe xong điện thoại, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ: “Ngày mai chúng tôi lên đài PT-TT Hà Nội, làm chương trình kỷ niệm 65 năm Ngày toàn quốc kháng chiến. Ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe giảm sút, nhưng chúng tôi vẫn có thể giúp lớp trẻ hôm nay hiểu hơn về một thế hệ quyết tử của Thủ đô huyết lệ, để các cháu thêm hiểu và trân trọng lịch sử, từ đó sống có ích hơn cho xã hội”…
Bài, ảnh: Phạm Hoàng Hà