QĐND Online - Mặc dù ngay trước mắt tôi là 2 tấm bằng khen, những kỷ vật lâu nay vẫn được ông nâng niu, trân trọng, trong đó ghi cụ thể số lượng máy bay ông đã bắn rơi, song tôi vẫn không khỏi kinh ngạc bởi con số ấy quá lớn. Trong 5 năm từ 1965 đến 1969, có tới 37 máy bay của Mỹ, ngụy đã bị ông bắn hạ, gồm nhiều kiểu loại: C130, C47, HUIA, HUIB, CHO6, T28. Thời ấy, báo chí đã nhắc nhiều đến ông, con người của những danh hiệu: “Chim đầu đàn”, “Kiện tướng bắn máy bay”, “Dũng sỹ diệt máy bay”, “Dũng sỹ quyết thắng”…Ông chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Đài.
Kỳ 1: Từ anh nuôi trở thành xạ thủ số 1
 |
Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Đài
|
Vũ Xuân Đài sinh năm 1946. Quê ông ở xã Dương Quang, Mỹ Văn, Hưng Yên, nhưng lại sinh ra và lớn lên ở quê ngoại Thanh Miện- Hải Dương. Năm 10 tuổi ông lên Hà Nội ở cùng người chị ruột khi đó là giáo viên ở khu Đống Đa (nay là quận Đống Đa). “Kỷ niệm về tuổi thơ của trẻ con Thủ đô ngày ấy thường gắn với những ngày trèo me, bẻ sấu. Nhưng tuổi thơ tôi lại gắn liền với những ao hồ, sông rạch ở Hà Nội”- với ánh mắt đăm chiêu, ông Đài hồi tưởng lại những ngày thơ ấu. Cũng nhờ cái tài bắt cua bắt cá ấy mà sau này khi vào đến chiến trường, cứ rảnh rỗi là ông lại vác cần câu đi “cải thiện” bữa ăn cho đơn vị. “Chẳng thế mà mọi người cứ hay đùa tôi rằng: anh em có cá tôm cải thiện cũng nhờ cái tính hay ăn của thằng Đài”- ông Đài hóm hỉnh.
Học hết lớp 7 thì ông đi công nhân ở nông trường Trần Phú (Nghĩa Lộ- Yên Bái). Sau đó lại về làm công nhân lắp máy ở Cục Thực phẩm- Bộ Công nghiệp nặng. Đến năm 1965 ông nhập ngũ, theo quân số của khu đội Đống Đa.
Trước khi vào chiến trường miền Nam, Vũ Xuân Đài được huấn luyện tại Sư đoàn 308, thuộc tiểu đội đạn súng máy 12,7mm. Theo quy định của đơn vị, mỗi ngày một tiểu đội phải cắt cử một người tăng cường giúp tiểu đội nuôi quân. Đến phiên nấu ăn của Đài, ông đã “lọt vào mắt xanh” của Tiểu đội trưởng nuôi quân Nguyễn Văn Xuân.
“Ngày còn ở Hà Nội, chị đi làm, thành thử tôi hay phải “lăn” vào bếp. Bởi thế nên cái khoản nội trợ cũng có thể tự tin mà nói là khéo. Ngày ấy chế độ ăn của chiến sĩ đang huấn luyện chuẩn bị ra chiến trường khá cao, những 2 đồng rưỡi cơ mà, chỉ tội là gạo nhiều sạn. Bữa đầu tăng cường cho bếp, cứ đãi 2 thúng gạo là ra cả một vốc sạn. Gạo tôi đãi kỹ nên cơm trắng. Vì nhiều anh em thích ăn cháy nên sau khi xới hết nồi cơm, tôi lấy mỡ tưới đều quanh đáy nồi, đun thêm một lúc rồi bóc lên cả nồi cháy, trông như cái nón, anh em khoái chí lắm”- Ông tâm sự.
Theo đề nghị của anh Xuân, ngay tối hôm đó, Chính trị viên đại đội Phạm Văn Huệ gọi ông lên, phân công ông về Tiểu đội nuôi quân. Ông thẳng thắn: “Em đi bộ đội là để chiến đấu chứ không phải làm anh nuôi”. Sau khi được Chính trị viên Huệ thuyết phục, ông cũng thấy xuôi xuôi nhưng vẫn ra điều kiện: “Em chỉ xuống đó một tháng thôi đấy nhé”.
Sau khoá huấn luyện, theo quyết định của trên, ngày 25-7-1965 Tiểu đoàn 195 được thành lập (Phiên hiệu của Tiểu đoàn chính là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Hôm sau, ông cùng Tiểu đoàn lên tàu từ ga Tiên Kiên (Phú Thọ) xuôi vào Nam chiến đấu. Tàu dừng ở ga Ninh Bình, cả đơn vị hành quân bộ cho đến ngày 17-10-1965 thì đến xã Phước Lâm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và đóng quân tại đây. Ngày 20-10-1965, Sư đoàn 2 được thành lập, trực thuộc Quân khu 5. Tiểu đoàn 195 của ông được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 14, trực thuộc Sư đoàn 2. Ông được biên chế về Trung đội 1, Đại đội 1. Tiểu đoàn 14 được trang bị súng máy phòng không 12,7mm, có nhiệm vụ khống chế, thu hút hoả lực trên không của địch, chi viện cho bộ binh tiến công.
Tuy đã “ra hẹn” với Chính trị viên Huệ là chỉ làm anh nuôi một tháng, nhưng kỳ thực, cho đến khi về đến Quảng Nam, ông vẫn làm anh nuôi. Vào đến đây, ông vừa là anh nuôi của Trung đội 1, vừa kiêm luôn cả nhiệm vụ của chiến sĩ tiếp đạn.
“Từ anh nuôi trở thành xạ thủ số 1, điều đó có nằm mơ cũng chẳng ra”- với giọng nói pha lẫn niềm xúc động, ông Đài nhớ lại sự kiện lớn trong cuộc đời mình…
 |
Chiếc Bằng khen ghi nhận AHLLVTND Vũ Xuân Đài bắn rơi 19 máy bay địch tính đến tháng 7-1967
|
Ngày 3-12-1965, đơn vị ông đánh trận đầu tiên tại đồi Việt An (Tiên Phước, Quảng Nam). Sau một hồi quần nhau với địch, 2 khẩu đội im tiếng súng, trong khi đó máy bay địch vẫn quần đảo trên đầu, tiếng động cơ vang nhức óc. Ông thắc mắc với đồng chí Vuông- Chính trị viên phó trung đội:
- Anh Vuông, sao không thấy mình bắn nữa nhỉ?
- Hay là hết đạn, cậu ra tiếp đạn đi- Vuông ra lệnh.
Vai đeo khẩu K44, hai tay xách hai hòm đạn, Đài băng về phía trận địa. Đúng lúc ấy, ông thấy chiếc máy bay địch đang lấy độ cao sau cú bổ nhào, cái bụng nó phơi ra to như chiếc thuyền lớn. “Ngon ăn quá, phải tiêu diệt ngay thằng này. Cụt chân cụt tay thì còn sống, nhưng cụt đầu thì chắc chết”, nghĩ vậy nên ông nằm ngửa, hai hòm đạn ép hai bên mang tai, giương súng ngắm bắn. Mỗi lần tên giặc trời bổ xuống là ông lại nã đạn liên tục, khi bắn hết băng đạn thường trực trong súng và 6 băng quấn quanh người thì cũng là lúc lũ giặc trời bỏ đi.
Quay về vị trí tập kết, đơn vị rút kinh nghiệm, có cán bộ yêu cầu kiểm điểm xét kỷ luật Đài vì chưa được lệnh đã nổ súng. Đài cự lại: “Trước khi đi chiến đấu, cấp trên đã quán triệt, súng lớn nổ là hiệu lệnh tấn công. Bởi vậy khi 12,7mm khai hoả, tôi bắn thì chẳng có gì là vi phạm kỷ luật cả”.
Tưởng chuyện đã “êm”, ai ngờ hôm sau, Đài được thông báo lên gặp thủ trưởng tiểu đoàn. Vừa ló mặt vào phòng, Đài thấy đồng chí Nguyễn Thanh Quang- Tiểu đoàn trưởng nghiêm mặt:
- Cậu đã vi phạm kỷ luật chiến trường, tiểu đoàn đang cân nhắc kỷ luật cậu theo đề nghị của cấp dưới.
- Khi đó khẩu đội 12,7mm đã nổ súng đánh máy bay, trên đường ra tiếp đạn, thấy nó bổ nhào nên tôi chủ động bắn tiêu diệt, tôi đâu có làm lộ mục tiêu, Đài giải thích.
- Tốt! Tớ đùa vậy thôi, cậu đánh đấm khá lắm. Thế có thích làm xạ thủ số 1 không?
Đài không tin vào tai mình, ông hỏi lại:
- Thủ trưởng nói thật hay đùa em đấy? Bởi theo quan sát của Đài, xạ thủ số 1 thường là những anh to khoẻ, trong khi đó ông thuộc dạng “nhỏ con”, nặng chưa đến 53kg.
- Thật 100%, ngày mai cậu sẽ lên vị trí xạ thủ số 1, tớ sẽ chỉ thị ngay xuống đại đội bây giờ.
Đêm ấy, Đài trằn trọc không ngủ được. Ông mừng quá, ông đâu ngờ sẽ có lúc mình được trực tiếp siết cò khẩu 12,7mm, nã đạn lên đầu thù. Từ sự đổi thay bất ngờ ấy, sau này có một kỳ tích đã được viết nên từ một anh hùng.
Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà
Kỳ 2: Những trận đánh để đời và bí quyết của người xạ thủ