QĐND - Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), nhất là khi nhận được Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, đầu tháng 5-1945, liên Tỉnh ủy Hậu Giang đã triệu tập Hội nghị cán bộ ở Cái Muông (Cần Thơ) để đề ra chủ trương trong tình hình mới. Theo đó, các cơ sở cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhau và với cấp trên; điều chỉnh và bổ sung đội ngũ cán bộ, đảng viên ở những nơi phong trào còn chưa mạnh. Các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh, tăng cường hơn nữa việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, củng cố giao thông liên lạc… để chuẩn bị giành chính quyền.

 

Đối với hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), các tổ chức Đảng được củng cố, bố trí cán bộ đi cơ sở để khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, phát động nhân dân chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Các đội du kích nhanh chóng được thành lập và tổ chức tập luyện thường xuyên. Các lò rèn sản xuất vũ khí làm việc ngày đêm. Theo hướng dẫn của liên Tỉnh ủy Hậu Giang, các cấp ủy Đảng ở Rạch Giá và Hà Tiên chuẩn bị, dự kiến nhân sự để lập chính quyền mới khi khởi nghĩa thành công.

 

Ở khắp các huyện, thị xã hai tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, đến giữa năm 1945 đã xây dựng được nhiều đoàn thể quần chúng, tiêu biểu là các Hội Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên tiền phong... Các đội viên, thanh niên tích cực tham gia luyện tập quân sự, học tập các tài liệu của Việt Minh. Khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương và liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, phân công cán bộ đảng viên chịu trách nhiệm từng lĩnh vực của Tổng khởi nghĩa. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên ngày 27-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, quần chúng cách mạng được trang bị vũ trang từ ngoại thành vào thị xã, phối hợp với lực lượng tại chỗ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa có lực lượng vũ trang làm nòng cốt đã bao vây Dinh Tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng phải đầu hàng. Tiếp đó, đoàn biểu tình đến chiếm Ty Cảnh sát, Trại lính khố xanh, kho bạc, nhà bưu điện… Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá thắng lợi. Tại Hà Tiên, các lực lượng vũ trang và quần chúng từ Hòn Chông, Ba Hòn, Dương Hòa, Thuận Yên, Lộc Trĩ… kéo về thị xã Hà Tiên, phối hợp với lực lượng tại chỗ giành chính quyền vào sáng 28-8-1945. Quần chúng cách mạng chiếm Tòa bố chánh và các công sở của địch. Sau khi giành được chính quyền, khoảng 3.500 quần chúng đã tiến hành biểu tình thị uy, chào mừng sự ra mắt của chính quyền cách mạng.

 

Ở một số nơi, địch ngoan cố, lực lượng cách mạng đã dùng bạo lực vũ trang cách mạng để lật đổ, giành chính quyền, như ở thị xã Rạch Giá, một số địa phương ở Hà Tiên. Cùng với việc lật đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng, Ủy ban Cách mạng lâm thời hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên lãnh đạo quần chúng tịch thu toàn bộ các kho thóc của Nhật chia cho nhân dân, nhanh chóng ổn định và xây dựng đời sống mới, củng cố, tăng cường an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được.

NGUYỄN NHẬT QUANG

(Theo "Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến")