QĐND - Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng các bài: “Thấy gì ở các đơn vị có nhiều cử nhân nhập ngũ”, “Khi công chức nhập ngũ”, nhiều bạn đọc quan tâm tới vấn đề tuyển chọn công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học và công chức, viên chức vào quân đội. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Tô Viết Báo, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu).
Phóng viên (PV): Năm 2014, chất lượng công tác tuyển công dân nhập ngũ trong toàn quân cao hơn những năm trước, vậy đâu là khâu đột phá, thưa đồng chí Cục trưởng?
Thiếu tướng Tô Viết Báo: Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2014 đạt chất lượng cao hơn các năm trước. Đây là năm thứ 5, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tuyển quân “tròn khâu”, nên các địa phương đã có kinh nghiệm trong thực hiện. Với phương châm “tuyển người nào chắc người đó”, không bù đổi (các năm trước có bù đổi những công dân không đủ tiêu chuẩn sau khi nhận quân về đơn vị); nhờ đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở địa phương trong công tác tuyển quân. Mặt khác, một số địa phương đã chủ động giao chỉ tiêu chọn công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng và công chức, viên chức để gọi nhập ngũ. Việc làm này nhằm nâng cao chất lượng tuyển quân và góp phần giải quyết công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân. Đây chính là khâu đột phá, đem lại chất lượng, hiệu quả tuyển quân cao hơn những năm trước.
 |
Thiếu tướng Tô Viết Báo.
|
PV: Vì sao năm 2014, tỷ lệ cử nhân, công chức, viên chức nhập ngũ cao hơn những năm trước, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Tô Viết Báo: Các năm trước, tỷ lệ công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng và công chức, viên chức được gọi nhập ngũ vào quân đội rất thấp, nhưng trong năm 2014 tỷ lệ này đã tăng đáng kể. Để đạt được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trong các khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Trong đó, có nhiều địa phương đạt tỷ lệ công dân có trình độ học vấn đại học, cao đẳng cao hơn những năm trước như: TP Hà Nội (40,2%), TP Hồ Chí Minh (22,4%). Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện công tác tuyển quân theo đúng quy định của Bộ.
PV: Phần lớn chiến sĩ nhập ngũ đã tốt nghiệp đại học và công chức, viên chức đều có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội, theo đồng chí, việc sử dụng đối tượng này như thế nào?
Thiếu tướng Tô Viết Báo: Việc sử dụng chiến sĩ có trình độ học vấn đại học, cao đẳng và công chức, viên chức là chủ trương của Bộ Quốc phòng, nhằm tuyển chọn nhân tài và giảm chi phí đào tạo cán bộ. Các đơn vị sẽ tuyển chọn chiến sĩ sắp hết hạn phục vụ tại ngũ có đủ tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng đơn vị, quân nhân đó có nguyện vọng, báo cáo về Bộ để xét chuyển sang chế độ QNCN hoặc bổ sung đội ngũ cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều, vì phải có ngành nghề phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của quân đội.
PV: Xin đồng chí cho biết quy trình đề nghị các cấp xét tuyển, chuyển chế độ QNCN, sĩ quan đối với đối tượng chiến sĩ là cử nhân, công chức? Đơn vị và địa phương cần làm gì để tạo điều kiện cho đối tượng này sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự?
Thiếu tướng Tô Viết Báo: Quy trình tuyển chọn, xét chuyển sang chế độ QNCN, phong quân hàm sĩ quan được thực hiện chặt chẽ từ đơn vị cơ sở đến Bộ Quốc phòng. Hằng năm, Bộ giao chỉ tiêu cho các đơn vị; căn cứ vào chỉ tiêu đó, các đơn vị tổ chức tuyển chọn, thông qua cấp ủy, chỉ huy các cấp và báo cáo về Bộ ra quyết định chuyển chế độ QNCN hoặc bổ nhiệm chức vụ cán bộ, phong quân hàm sĩ quan (nếu đủ các tiêu chuẩn theo quy định).
Trên cơ sở Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành, thời gian qua, các đơn vị quân đội và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong thời gian quân nhân tại ngũ và xuất ngũ; quan tâm, tạo điều kiện cho họ được học nghề, tạo việc làm, tiếp nhận lại để học tập, làm việc tại cơ quan, đơn vị trước lúc nhập ngũ. Do đó, tỷ lệ quân nhân xuất ngũ được học nghề, có việc làm trong những năm gần đây ngày càng tăng. Thời gian tới, theo chúng tôi, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm, có chính sách ưu tiên hơn nữa trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Thời gian qua đã có những địa phương làm tốt vấn đề này. Như ở tỉnh Khánh Hòa đã giao các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tiếp nhận trở lại những quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự là công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình.
PV: Thưa đồng chí Cục trưởng, năm 2015, việc tuyển công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng và là công chức, viên chức nhập ngũ có gì mới so với những năm trước đây?
Thiếu tướng Tô Viết Báo: Công tác tuyển quân năm 2015 cơ bản thực hiện như năm 2014. Điểm mới là Bộ Quốc phòng sẽ giao chỉ tiêu cho các địa phương tuyển chọn công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng và công chức, viên chức vào quân đội. Cụ thể là, đối với với các thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ đạt 20% trở lên, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đạt 10%, các tỉnh còn lại là 5% so với chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ. Việc giao chỉ tiêu cho các địa phương là trên cơ sở kết quả tuyển quân năm 2014 và nguồn sẵn sàng nhập ngũ của địa phương. Ngoài ra, một số đơn vị phía Bắc được tuyển chọn một số công dân cao từ 1,65-1,70m để huấn luyện phục vụ cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước ta.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN KIÊN THÁI (thực hiện)
Sử dụng đúng sẽ thu hút nhiều cử nhân vào “trường học lớn”
Khi công chức nhập ngũ
Thấy gì ở các đơn vị có nhiều cử nhân nhập ngũ?