Nguy cơ bùng phát cúm A/H1N1
Ngày 4-6, Binh nhì Trần Thiện Khiêm, chiến sĩ Đại đội 12, Tiểu đoàn 308, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330) có biểu hiện cảm sốt, mệt mỏi, được quân y đơn vị chăm sóc nhưng không thuyên giảm. Ngay hôm sau, đơn vị nhanh chóng chuyển Khiêm lên Bệnh viện Quân y 121 điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Khiêm bị nhiễm vi-rút cúm A/H1N1. Qua tìm hiểu, đơn vị xác định nguyên nhân là do lây truyền từ gia đình chiến sĩ vào đơn vị. Binh nhì Trần Thiện Khiêm chia sẻ: “Buổi sáng tôi vẫn sinh hoạt và luyện tập bình thường, nhưng chiều thì sốt cao và cảm thấy toàn thân đau nhức, ho, đau họng. Ban đầu tôi nghĩ mình bị bệnh thông thường nên đến quân y xin thuốc. Sau khi đến Bệnh viện Quân y 121, các bác sĩ cho biết là nhiễm cúm A/H1N1”.
Cùng thời gian này, một số chiến sĩ từng tiếp xúc với Khiêm cũng có những biểu hiện nhiễm bệnh. Trước tình hình trên, tổ cơ động phòng, chống dịch của quân khu tiến hành điều tra dịch tễ và khẩn trương xử lý, không để dịch cúm lây lan trên diện rộng. Trực tiếp xử lý dịch cúm tại Trung đoàn 3, Trung tá Phạm Hoàng Thao, Đội trưởng Đội Y học dự phòng, Cục Hậu cần Quân khu 9, cho biết: “Nhận được thông tin dịch cúm xuất hiện tại Trung đoàn 3, chúng tôi nhanh chóng thực hiện cách ly, theo dõi các ca bệnh tiếp xúc gần trong thời gian có dịch; đồng thời phun thuốc khử trùng bằng dung dịch Chloramin B tại buồng bệnh khu cách ly và toàn bộ nhà ăn, nhà ở; khử trùng bề mặt giường bệnh, buồng bệnh. Đến nay, các ca bệnh đều đã khỏi hẳn”.
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, nhất là bệnh cúm A/H1N1, Trung úy, bác sĩ Trương Hữu Nhơn, Đại đội trưởng Đại đội Quân y, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 cho biết, nhờ có sự chủ động phòng dịch ngay từ đầu nên đến nay, tại Trung đoàn 1 chưa có trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nào. Tuy nhiên, bệnh xá cũng từng ghi nhận và theo dõi đối với một trường hợp của Binh nhì Nguyễn Văn Út, chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 307 đến khám trong tình trạng sốt cao, ho, đau họng. Ngay khi phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện ban đầu như ho, sốt... nghi là mắc cúm, bệnh xá đã thông báo với đơn vị và tiến hành cách ly, điều trị.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Trước diễn biến bất thường của dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn, để bảo đảm sức khỏe và tránh cho cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm, ngay từ đầu năm, các đơn vị trong toàn Quân khu 9 đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, đồng thời hướng dẫn bộ đội cách nhận biết bệnh. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Châu Văn Tiếm, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 9, Sư đoàn 330, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị thường xuyên hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1. Đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi cán bộ, chiến sĩ về việc giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; bảo đảm cho bộ đội ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ nước, tập luyện thể dục hằng ngày để tăng cường sức đề kháng. Trước diễn biến của dịch cúm đang xảy ra ở một số địa phương, đơn vị đã theo dõi, nắm chắc diễn biến dịch bệnh nơi đơn vị đóng quân để chủ động phòng, chống; đồng thời thống kê, rà soát, bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, sẵn sàng xử lý khi có dấu hiệu dịch bệnh trong đơn vị”.
Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, nhưng những người nhiễm cúm A/H1N1 hay vi-rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng dẫn đến tử vong. Vì thế, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, theo Đại tá, TS, bác sĩ Phạm Hoàng Lai, Chủ nhiệm Quân y Quân khu 9, các đơn vị phải thường xuyên, định kỳ phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh khu vực nhà ở, bếp ăn, nhất là các đơn vị tiếp nhận, huấn luyện chiến sĩ mới; tăng cường công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, chiến sĩ về cách phòng tránh và ngăn ngừa bệnh dịch...
“Hiện nay, công tác phòng, chống dịch cúm được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của bộ đội, nhất là khi phát hiện ca bệnh nghi bị viêm não Nhật Bản phải chuyển ngay về tuyến cuối để được điều trị sớm, nhằm hạn chế di chứng của bệnh. Đặc biệt, quân y các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao đột ngột, đau đầu dai dẳng, buồn nôn, tình trạng mệt mỏi...; tập trung chẩn đoán lâm sàng sớm để có phương án điều trị thích hợp", Đại tá, bác sĩ Phạm Hoàng Lai nói.
THÚY AN