QĐND - Đầu tháng 10-1953, nắm chắc tình hình Bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ huy động 19 tiểu đoàn bộ binh, hàng chục tiểu đoàn hỏa lực mạnh và lực lượng dù thuộc 6 binh đoàn cơ động, được tổ chức thành 2 sư đoàn lâm thời A, B và cánh quân C, mở cuộc hành quân Hải Âu (Mouette) đánh ra vùng tây nam Ninh Bình nhằm “loại” Đại đoàn 320 chủ lực ta ra ngoài vòng chiến đấu. Địch còn có ý định phá trước các bàn đạp tiến công của các đại đoàn chủ lực của ta vào vùng đồng bằng Bắc Bộ theo kế hoạch Na-va. Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta ngay lập tức chỉ thị cho Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, chủ yếu là Đại đoàn 320, tổ chức lực lượng cùng các đơn vị vũ trang và nhân dân địa phương phản công, quyết tâm đánh bại cuộc hành quân của địch.
Trên cơ sở địa điểm đứng chân và phương án tác chiến đã được xác định, các đơn vị được bố trí và phân công nhiệm vụ cụ thể. Trung đoàn 64 ở Kỳ Lao, Quan Thạch đón đánh địch hành quân trên đường 59 (vùng lân cận Rịa, Rịa đi Phố Cát); Trung đoàn 52 ở Châu Sơn, Nho Quan, Yên Nông đón đánh địch trên đường 12; Trung đoàn 48 làm lực lượng cơ động của đại đoàn ở Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hóa). Sau khi nhận được lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy và Bộ chỉ huy Đại đoàn 320 với phương châm tác chiến giai đoạn đầu “lấy tập kích địch chiếm đóng là chính”, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngay.
 |
Dân quân, du kích và nhân dân các địa phương đồng bằng Bắc Bộ làm chông chống giặc Pháp. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Vũ khí.
|
Ngày 15-10-1953, cùng với việc huy động hơn 500 quân mở cuộc hành quân “Chim Bồ Nông” đổ bộ vào vùng biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa) để nghi binh và giam chân Đại đoàn 304 của ta, Bộ chỉ huy Pháp bắt đầu cho các binh đoàn chủ lực thuộc 2 Sư đoàn A và B rầm rộ tiến theo đường 59 đánh chiếm Rịa và các điểm cao 94 (trên hướng đi Nho Quan), điểm cao 201 - Trại Ngọc (hướng đi Kim Tân, Thạch Thành); một mũi tập kết ở Quang Sỏi, tiến công Đồng Giao, Quang Lang Đoài. Trên đường hành quân, chúng đã bị bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan tổ chức các trận đánh nhỏ lẻ ngăn chặn. Đêm 18 rạng ngày 19-10-1953, lợi dụng địch mới đến chưa kịp củng cố trận địa trên hướng phản công chính của chiến dịch, Trung đoàn 64 lệnh cho Tiểu đoàn 706 tập kích điểm cao 94 tiêu diệt địch, làm chủ trận địa. Tiểu đoàn 722 tập kích điểm cao 201 không thành công do bị lộ và bị hỏa lực mạnh của địch gây hao tổn lực lượng.
Nhận thấy tập kích địch trên các điểm cao hiệu quả còn hạn chế, bước vào hoạt động đợt hai của chiến dịch, Đại đoàn 320 quyết định đổi phương thức tác chiến từ “tập kích chiến sang vận động chiến”. Theo đó, đại đoàn lệnh cho các trung đoàn tổ chức các phân đội kết hợp với dân quân, du kích đánh nhỏ, đánh phân tán kìm chân, tiêu hao sinh lực địch. Tối 23-10-1953, dự đoán địch sẽ đánh lên Nho Quan vào ngày hôm sau, đại đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) thiết lập trận địa phục kích địch ở chân đồi Trại Ngọc. Sáng 24-10-1953, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 5 lê dương) của địch được sự yểm trợ của 20 xe tăng, xe bọc thép từ Rịa tiến vào Phủ Đồi - Trại Ngọc. Tiểu đoàn 1 của ta được lệnh nổ súng tiến công địch. Trận đánh quyết liệt kéo dài đến chiều, mặc dù ta ở thế bất lợi về địa hình và bị phi pháo địch đánh mạnh, thương vong nhiều, nhưng ta đã diệt được đại đội địch, phá hủy 9 xe tăng, xe bọc thép, làm chậm bước tiến của chúng.
Phát huy thế chủ động phản công địch, sáng 28-10-1953, phát hiện 2 tiểu đoàn địch di chuyển từ Bỉm Sơn - Quý Hương về Sòng Cạn, Đại đoàn 320 sử dụng hai Trung đoàn 48 và 64 (thiếu) tổ chức trận vận động phục kích trên đoạn Quý Hương - Dốc Giang để tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, tiểu đoàn ngụy Thái và một bộ phận tiểu đoàn lê dương hoảng loạn tháo chạy. Những ngày tiếp theo, Trung đoàn 52 còn đánh một số trận đạt hiệu quả cao như trận tập kích bằng hỏa lực vào quân địch ở Văn Luân; Tiểu đoàn 391 phục kích địch ở khu vực Mông Lá tiêu diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn lê dương số 5)…
Chiến dịch phản công Tây Nam Ninh Bình (từ ngày 15-10-1953 đến ngày 6-11-1953) giành thắng lợi, góp phần làm thất bại ý đồ “đánh trước” của địch, khẳng định bước phát triển về nghệ thuật chọn, chuyển kịp thời phương châm tác chiến từ tập kích quân địch chiếm đóng sang đánh địch vận động trên các địa hình phức tạp và thời gian khác nhau. Bằng nghệ thuật chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ tư lệnh chiến dịch, của Đảng ủy và Bộ chỉ huy Đại đoàn 320 nên các đơn vị trong đại đoàn đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo hai hình thức chiến thuật tập kích và phục kích địch cơ động đạt hiệu quả. Các trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực biết kết hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dựa vào thế trận làng xã, khôn khéo chiến đấu, tránh chỗ mạnh (lúc địch mạnh), đánh vào những cánh quân yếu, lực lượng nhỏ lẻ (ít hỏa lực chi viện), nên đã hạn chế chỗ mạnh của địch ở thời điểm đầu của cuộc hành quân, từng bước tiêu hao, tiêu diệt địch, làm thất bại mưu đồ của Bộ chỉ huy địch. Thắng lợi của chiến dịch đã bảo vệ vững chắc được vùng hậu phương quan trọng, bảo toàn được chủ lực, giữ vững quyền chủ động chiến lược, tạo thêm điều kiện thuận lợi để quân và dân ta bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
Đại tá TRẦN TIẾN HOẠT