QĐND - Cách đây 69 năm, ngày 2-9-1945, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại: Lễ Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tổ chức thành công Lễ Độc lập mang tầm vóc vĩ đại của dân tộc là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là tinh thần chủ động chuẩn bị và tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự ngày lễ, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch.
 |
Chi đội 4 Giải phóng quân Việt Nam tại buổi Lễ Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu.
|
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công là chọn nơi tổ chức mít tinh mừng Ngày Việt Nam độc lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt nhân dân. Ngày 26-8-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng, bàn bạc thống nhất quyết định tổ chức mít tinh ở Hà Nội vào ngày 2-9-1945 để chính thức công bố quyền độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Qua kiểm tra, nắm tình hình và phân tích, đánh giá các địa điểm để tổ chức sự kiện trọng đại Lễ Độc lập, cho thấy: Khu Quần Ngựa, hoặc Đông Dương học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) không phù hợp, do quá xa trung tâm Hà Nội hồi đó. Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố thì quá chật chội. Sau khi cân nhắc kỹ, Trung ương chọn Vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình), cho dù địa điểm đó gần Phủ Toàn quyền, Thành Hà Nội, những nơi còn khá nhiều lực lượng thù địch đóng giữ, nhưng chúng đang hoang mang, rệu rã.
Ngày 28-8-1945, Ban Tổ chức ngày Lễ Độc lập được thành lập, có nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt công tác tổ chức với một mệnh lệnh: “Đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng Tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức ngày Lễ Độc lập có nhiều lực lượng, trong đó có bộ phận bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ngày lễ, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Các lực lượng được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Lễ Độc lập, gồm các đơn vị thuộc Khu Đặc biệt Hà Nội (hai Chi đội Giải phóng quân 3 và 4), Tự vệ chiến đấu, Tự vệ Thành Hà Nội, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ. Từ những ngày cuối tháng 8 và ngày 1-9-1945, các đơn vị lực lượng vũ trang được giao nhiệm vụ tham gia và bảo vệ Lễ Độc lập khẩn trương luyện tập các nghi thức quân sự, trang phục thống nhất theo từng chức trách được phân công. Đồng thời, các bộ phận chuyên môn kiểm tra địa bàn, chủ yếu phát hiện vật liệu nổ và tổ chức bảo vệ toàn bộ khu vực sẽ diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình, các đơn vị Giải phóng quân, lực lượng vũ trang Hà Nội, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ cùng 50 vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận thay mặt cho nhân dân cả nước đã tham dự Lễ Độc lập đầu tiên, đón chào Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Trong thành phần tham dự mít tinh, bên cạnh các khối bộ đội, cảnh sát, Tự vệ Hà Nội và đông đảo quần chúng nhân dân đứng trước lễ đài hàng ngũ chỉnh tề; các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các thành viên của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm an ninh chặt chẽ buổi lễ trọng đại được triển khai ở từng vị trí trọng yếu. Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài. Một số đơn vị khác được bố trí xung quanh quảng trường để quan sát, bảo vệ tiếp cận và bảo vệ từ xa. Một phân đội thuộc Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu cùng các chiến sĩ trinh sát được trang bị vũ khí đứng thành hai hàng dọc từ lễ đài đến nơi các vị lãnh đạo xuất phát (nay là đường Điện Biên Phủ). Một đội cảnh sát mặc đồng phục, mang súng ngắn đi xe đạp hộ tống đoàn xe có các trinh sát bảo vệ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tới quảng trường. Một số chiến sĩ Giải phóng quân, một phân đội thuộc Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu cùng các chiến sĩ trinh sát theo nghi lễ đứng bảo vệ xung quanh lễ đài, được dựng lên giữa Vườn hoa Ba Đình.
Đúng 14 giờ ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Bộ trưởng Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài ra mắt nhân dân Hà Nội và cả nước. Sau khi chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách đô hộ của Pháp hơn 80 năm nay… Dân tộc đó phải được độc lập… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là quyết tâm sắt đá của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2-9-1945 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, trở thành một mốc son vĩ đại nhất, vẻ vang nhất, chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến thống trị trên đất nước ta và là ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đồng thời, đó cũng là ngày ghi nhận chiến công vĩ đại của nhân dân Việt Nam trở thành một dân tộc tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc. Từ đây, đất nước ta bắt đầu chuyển sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc.
Kinh nghiệm về chủ động chuẩn bị và tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn tuyệt đối Lễ Độc lập cách đây 69 năm vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu kế thừa, phát triển để hoàn thành tốt việc chuẩn bị và kỷ niệm những ngày lễ lớn của quân đội, dân tộc, đất nước.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP