Ngăn chặn giao thông vận tải tiếp tế là hành động có tính chất quy luật của chiến tranh hiện đại. Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta (1954-1975), đế quốc Mỹ đặc biệt chú trọng tiến hành chiến tranh ngăn chặn và coi đây là một biện pháp chiến lược nhằm thực hiện mục đích của cuộc chiến tranh. Chúng luôn tâm niệm rằng: “Có thể bóp nghẹt được một cuộc cách mạng bằng cách cắt đứt các nguồn chi viện và tiếp tế từ bên ngoài” và khẳng định: “Riêng việc ngăn chặn các tuyến tiếp tế bằng không quân đã có thể tiêu diệt, phá vỡ và làm chậm việc tiếp vận, bảo đảm, buộc đối phương thất bại trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”. Để thực hiện mục đích ngăn chặn trong cuộc chiến tranh xâm lược 3 nước Đông Dương, đế quốc Mỹ đã chủ trương: Bịt biên giới, chống xâm nhập cả từ đường biển, đường bộ và đường không; tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân đánh vào nguồn tiếp tế giao thông vận tải; bằng ngoại giao thương lượng, gây áp lực với các nước hạn chế viện trợ hoặc gây khó khăn cách mạng ba nước Đông Dương. Trong đó, chúng coi việc ngăn chặn vận chuyển trên đường Hồ Chí Minh (trên bộ) là một biện pháp chủ yếu nhất, được tiến hành liên tục với những cố gắng cao nhất. Thực tế, hơn 10 năm tiến hành chiến tranh ngăn chặn bằng không quân trên tuyến đường Hồ Chí Minh của ta, địch đã huy động cả máy bay của không quân chiến lược, chiến thuật của ba tập đoàn không quân: 7, 13, 8 của Hạm đội 7, của quân ngụy Việt Nam và quân ngụy Lào... liên tục đánh phá tuyến đường này.
Để đối phó với cuộc chiến tranh ngăn chặn của địch, trên cơ sở quán triệt quyết tâm của Trung ương, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, sự chi viện nhiệt tình và hiệu quả của hậu phương và các chiến trường, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã vận dụng tư tưởng tiến công trong đường lối và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân của Đảng, chỉ đạo toàn tuyến tiến hành cuộc chiến tranh chống ngăn chặn. Nhiệm vụ tác chiến được đề ra bao gồm: Đánh địch mặt đất để mở rộng địa bàn của hành lang; đánh địch hành quân ngăn chặn vận chuyển và nống lấn; truy quét biệt kích và thám báo chặn vận chuyển và nống lấn; truy quét biệt kích, thám báo chỉ điểm phá hoại... Đồng thời, tiến hành cuộc chiến tranh thường xuyên và rộng khắp chống địch ngăn chặn trên không, bảo vệ giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho đội hình xe và thế trận vận tải toàn tuyến.
Để thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên, ngoài công tác tư tưởng phát động mọi người đánh địch với tinh thần: “Ai cũng đánh, nơi nào cũng đánh, một người cũng đánh”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ các lực lượng tác chiến. Trước hết, phát huy được vai trò nòng cốt của bộ đội cao xạ trong việc đánh địch trên không và của các đơn vị bộ binh đánh địch mặt đất. Mặt khác, dựa vào tính chất, đặc điểm nhiệm vụ của từng binh chủng để tổ chức chiến dấu cho phù hợp với thực tế. Đối với bộ đội công binh bảo đảm giao thông, là lực lượng suốt ngày đêm bám đường, bám trọng điểm, hiểu rõ quy luật hoạt động của không quân địch, có nhiều điều kiện tham gia đánh địch trên không có hiệu quả, nên được trang bị súng máy phòng không (2 đến 3 khẩu 12, 7 ly/1 đại đội). Còn đối với lực lượng công binh mở đường, thường đi vào hoạt động ở những vùng máy bay địch ít trinh sát, đánh phá, nên chủ yếu được tổ chức, trang bị đánh địch mặt đất. Đối với binh chủng xe, giao liên, đặc biệt là những đơn vị hoạt động ở vùng tiếp giáp chiến trường, thường được trang bị súng bộ binh và huấn luyện đánh địch cả mặt đất và trên không, nhưng chủ yếu đánh địch mặt đất. Đối với các các đại đội kho và đường ống... hoàn cảnh và tính chất nhiệm vụ khác hẳn các lực lượng trên, lấy phòng tránh là chủ yếu, chỉ tổ chức một bộ phận cảnh giới trên không và mặt đất, khi cần có thể đánh tự vệ để bảo vệ kho tàng, chống địch đổ quân, đánh biệt kích, thám báo và máy bay bay thấp. Các lực lượng cao xạ và bộ binh, ngoài thực hiện chức trách chủ yếu của mình, thì cao xạ còn phải biết đánh địch trên mặt đất, bộ binh biết đánh địch trên không. Với hình thức tổ chức này, để đối phó với máy bay địch, trên tuyến ta hình thành những trận địa súng máy kết hợp với các trận địa cao xạ tạo thành lưới lửa nhiều tầng liên hoàn khắp tuyến.
Để đánh thắng một cuộc chiến tranh ngăn chặn (nếu diễn ra) trong tương lai (có trang bị phương tiện, vũ khí kỹ thật cao), bảo đảm giao thông vận tải chiến lược, chúng ta cần phải đầu tư hơn nữa trong việc xây dựng các binh đoàn vận tải hiện đại và chính quy cả trên bộ, trên biển, trên không; ra sức phát triển hệ thống giao thông vận tải kết hợp xây dựng các vùng chiến lược, các khu vực phòng thủ. Trong đó, địa bàn Trường Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./.
THU TRANG