QĐND - Sau khi ta giải phóng TP Huế ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa, thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng và quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đà Nẵng. Bộ Tổng tư lệnh giao cho Bộ tư lệnh Mặt trận Đà Nẵng tổ chức chiến đấu và giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Ngày 27-3-1975, các binh đoàn thọc sâu của ta bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài tiến thẳng vào TP Đà Nẵng. Ngày 28-3, pháo của ta ở các đèo Mũi Trâu, Hải Vân, bắn vào sân bay Nước Mặn, Sở chỉ huy Quân khu 1, Quân đoàn 1 và các tàu địch rút chạy. Ngày 29-3, Sư đoàn 325 tiến công từ hướng bắc theo Đường 1, qua đèo Hải Vân tiến về Đà Nẵng. Sư đoàn 304 tiến công từ hướng tây nam vào Đà Nẵng. Các lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng. Đúng 15 giờ ngày 29-3-1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là kết quả của nghệ thuật tạo và nắm thời cơ, chớp thời cơ, sự nhạy bén, táo bạo, mau lẹ trong chỉ đạo, chỉ huy ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Ta đã căn cứ vào hướng và mục tiêu chiến lược, tình hình địch, ta, thế bố trí của địch, địa hình, từ đó, Bộ tư lệnh chiến dịch đã lựa chọn chính xác hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu.

Trên mặt trận Trị-Thiên, yêu cầu đặt ra phải đạt được bất ngờ, có thế phát triển, khi chuẩn bị kế hoạch, lúc đầu ta dự kiến chọn trục Đường 12, phía tây TP Huế là hướng tiến công chủ yếu. Hướng này đường sá tốt, địa hình rừng núi kín đáo, cách TP Huế 30km, kiềm chế và thu hút được chủ lực của địch, là hướng uy hiếp trực tiếp cố đô Huế. Về ta, Sư đoàn Bộ binh 325 đang đứng chân trên địa bàn, có kinh nghiệm tác chiến với Sư đoàn Bộ binh 1 của địch. Quân địch đã bố trí phòng ngự tương đối vững chắc, có chính diện, chiều sâu. Vì vậy, nếu ta đột phá từ hướng này sẽ không có điều kiện phát triển, vì Đường 12 chưa thông, bảo đảm hậu cần phức tạp. Đây là nguyên nhân chính vì sao ta không chọn hướng Đường 12-phía tây TP Huế là hướng tiến công chủ yếu. Sau khi phân tích kỹ tình hình mọi mặt, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu Trị-Thiên đề nghị chọn hướng tiến công chủ yếu chếch xuống tây-nam Huế, tiến công theo tả ngạn và hữu ngạn sông Truồi, thọc thẳng ra Đường 1. Phương án này được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Thực tế diễn ra trên hướng Trị-Thiên đã chứng minh nghệ thuật chọn hướng tiến công chủ yếu trên hướng tây-nam Huế là đúng, mặc dù chọn hướng này, ta phải làm hàng trăm ki-lô-mét đường cho xe cơ giới vận chuyển và triển khai binh khí kỹ thuật để phục vụ chiến dịch, nhưng đây là hướng hiểm yếu, tạo bất ngờ lớn đối với địch. Khi xuất hiện thời cơ mới của Chiến thắng Tây Nguyên (khoảng cuối tháng 3), lực lượng Quân đoàn 2 (thiếu) đã nhanh chóng thọc ra Đường số 1, đánh chiếm núi Kim Sắc và các điểm cao 294, 520, 560. Đến 12 giờ 15 phút ngày 22-3-1975, ta đã cắt đứt Đường số 1 từ Bái Sơn đến sông Bạch Thạch dài 3km, chia cắt Huế và Đà Nẵng, không cho địch chạy vào Đà Nẵng, làm cho địch lúng túng, hoang mang dao động, phải bỏ ý định “tử thủ” Huế, rút chạy một cách hỗn loạn, đồng thời, ta hình thành thế trận mới bao vây cô lập quân địch ở Huế và Đà Nẵng.

Trên hướng Quảng Nam-Quảng Ngãi, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định chọn hướng tiến công chủ yếu vào Tiên Phước, Phước Lâm, tây Quảng Nam. Đây là hướng địch bố phòng tương đối mạnh, nhưng rất hiểm yếu. Vì khi thị xã Tam Kỳ và căn cứ Chu Lai bị đánh chiếm, một đoạn Đường 1 dài mấy chục ki-lô-mét bị ta chốt giữ, Đà Nẵng hoàn toàn bị cô lập, buộc Sư đoàn 2 địch phải hành quân ra đối phó. Khi có thời cơ, từ đây ta có thể tiến công đánh chiếm thị xã Tam Kỳ, uy hiếp TP Đà Nẵng từ hướng nam. Thực tiễn diễn biến chiến dịch đã chứng minh phương án trên là hoàn toàn đúng, sáng tạo, táo bạo, có tầm nhìn chiến lược, một kế hay.

Trên mặt trận Đà Nẵng, khi phát triển tiến công vào Khu liên hiệp quân sự Đà Nẵng (từ ngày 27-3 đến 29-3), ta chọn hướng tiến công chủ yếu là Bắc, Tây Bắc, dựa theo Đường 1A và Đường 14B do Quân đoàn 2 đảm nhiệm. Qua diễn biến địch ở Đà Nẵng đang rối loạn, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định tăng cường xe tăng, xe cơ giới cho Trung đoàn 18, tổ chức tiến công trong hành tiến bằng bộ binh cơ giới. Sự xuất hiện xe tăng hạng nặng, pháo binh tầm xa ngay ngoại ô phía bắc Đà Nẵng đã tác động đến tâm lý, làm sụp đổ tinh thần binh lính địch, trở tay không kịp. Từ kết cục của chiến dịch, kết quả tác chiến trên các hướng, khẳng định: Bộ tư lệnh chiến dịch lựa chọn hướng tiến công, đối tượng tác chiến, mục tiêu tiến công chủ yếu trên cả ba mặt trận (Trị-Thiên, Nam-Ngãi, Đà Nẵng) là chính xác, đã tạo được bất ngờ trong thế tiến công có lợi hoàn toàn thuộc về ta, đánh trúng nơi hiểm yếu của địch, đưa chiến dịch nhanh chóng giành thắng lợi, tạo điều kiện và thế trận mới để tiếp tục phát triển, góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ