Giờ học khâu bóng của học viên Trung tâm giáo dục-lao động xã hội tỉnh Sơn Lan (ảnh Phúc Thắng)

Thiếu thốn, khó khăn trăm bề, nhưng chiến sĩ quân y ở Trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An vẫn ngày đêm bằng tất cả tâm huyết, nỗ lực, giúp hàng nghìn lượt người nghiện từ bỏ ma túy trở về với gia đình.

Trung tâm đứng chân ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, có nhiệm vụ chủ yếu là khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng và bà con các dân tộc ở các huyện miền tây Nghệ An. Những năm 1990-1994, trước tình hình nghiện hút ma túy trong khu vực diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xây dựng Bệnh xá Tiểu khu 50 thành trung tâm cai nghiện. Cũng từ đó, các chiến sĩ biên phòng áo trắng nơi đây không hề ngơi nghỉ. Bình quân hàng năm có từ 300 đến 400 con nghiện được cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng 543, 547, 539, các đội công tác vận động quần chúng phát hiện đưa về cai nghiện, giúp họ trở về với cuộc sống đời thường.

Một cơ ngơi khiêm tốn, chỉ với mấy căn phòng cấp 4, hơn 10 giường bệnh (biên chế 2 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 dược sĩ) các thầy thuốc quân y ngày đêm theo sát bệnh nhân, giúp họ cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Nhiều đợt người nghiện về quá đông và phải nằm cả dưới nền nhà hoặc mắc võng trong vườn. Có lần, các đồn biên phòng tổ chức cho già làng, trưởng bản và người thân của những con nghiện về Tiểu khu 50 tham quan cai nghiện. Có người điều trị đã khỏe; người thì trong cơn nghiện vật vã, sùi bọt mép. Các thầy thuốc phải ghì chặt người lên cơn nghiện, vừa quạt mát, động viên, chăm sóc... Mồ hôi các anh vã ra như tắm. Được tận mắt thấy cảnh này, các già làng, trưởng bản mừng lắm, càng tin không có con ma nào về bắt trai bản mình cả, mà càng thấy được cái chất độc chết người của thuốc phiện hủy hoại sức khỏe, làm tan cửa nát nhà; càng quyết tâm cùng bộ đội biên phòng vận động dân bản triệt phá cây thuốc phiện, không cho kẻ xấu đưa ma túy về đất, rừng mình. Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng, Trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 đã cai nghiện thành công cho hàng nghìn lượt người. Những ngày công tác ở đây, tôi càng thấu hiểu tấm lòng của các anh. Nhiều đêm, 100% cán bộ y, bác sĩ phải thức trắng đêm vì con nghiện từ các tuyến gửi về lên cơn “đói thuốc”. Lương Văn Lăng, Lương Văn Khưu ở bản Tảng Phăn, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn bây giờ đã tỉnh lại, càng biết ơn bộ đội nhiều. Mới đêm trước, có tin ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lí có một thanh niên tên là Vi Văn Lí, trong lúc lên cơn nghiện bị suy hô hấp. Kíp trực do y sĩ, Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Lâm Hậu, Trung úy, y sĩ Nguyễn Cao Lĩnh giữa đêm khuya vượt rừng đến cấp cứu kịp thời, giúp Lí qua cơn nguy kịch, rồi đưa về trung tâm tiếp tục cai nghiện.

Kết hợp đông - tây y là phương pháp điều trị cắt cơn được trung tâm sử dụng thường xuyên. Bệnh nhân được các thầy thuốc châm cứu, xoa bóp kết hợp với sử dụng thuốc để cắt cơn, rồi hướng dẫn họ làm quen với các công việc nhẹ nhàng. Thường chỉ sau một tuần, bệnh nhân đã có thể cắt cơn và sau một tháng có thể trở về với bản làng, gia đình. Có những trường hợp như Kha Báo Khăm ở xã Phà Đánh; Quang Văn Quyên, ở xã Chiêu Lưu... nghiện hút thâm niên hàng chục năm, đều được trung tâm điều trị cắt cơn nghiện. Lô Phồng Chuyền, ở xã Mỹ Lí kể: Mình nghiện hút đã 10 năm nay, lần này quyết tâm cai nghiện để về làm rẫy với vợ, cho con cái ăn học. Nằm cạnh giường với Chuyền là Vi Văn Lí cũng ở xã Mỹ Lí, có thời gian đã tự cai, nhưng sau đó lại đi rừng và tái nghiện. Lí hứa, đi cai lần này về quyết tâm không bao giờ hút nữa. Già làng Lương Văn Long, ở bản Tảng Phăn, xã Na Ngoi trước đây làm nghề thầy cúng và thường được “biếu” thuốc phiện để hút. Ông nghiện thuốc phiện 20 năm nay và cũng quyết tâm cai bằng được để làm gương cho con cháu.

Phía góc phòng, nơi đặt tấm phản dưới nền nhà là một người phụ nữ có đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm thức trắng ngồi bên cạnh người chồng trẻ đang trong giai đoạn cắt cơn nghiện. Đó là cặp vợ chồng trẻ Mặc Đăng Khoa và Kha Thị Xuân, ở bản Hoa Lí, xã Mỹ Lí họ vừa cưới nhau năm ngoái. Vì muốn có cuộc sống no đủ, Khoa theo bạn vào rừng làm gỗ rồi bị rủ rê nghiện hút. Được già làng, trưởng bản động viên, Khoa cùng vợ vượt hơn 40 cây số đường rừng về trung tâm cai nghiện. Xuân lau vội nước mắt nói với tôi: Khổ thế nào em cũng chịu được, chỉ mong anh ấy bỏ được thuốc phiện...

Bên cạnh sự vất vả, đối mặt với hiểm nguy trong công tác cai nghiện, hằng năm các thầy thuốc ở đây còn về các bản vùng sâu, vùng xa khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đồn biên phòng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện cai nghiện tại cộng đồng, góp phần để các bản làng biên giới giảm tỉ lệ người nghiện. Trong cuốn nhật ký mà Trung úy, bác sĩ Trần Nam Thắng, phụ trách trung tâm trao cho tôi trong chuyến đi dã ngoại, cho thấy số người nghiện được cai tại trung tâm mấy năm qua là khá lớn: Mỹ Lí: 30, Phà Đánh: 30, Chiêu Lưu: 61, Mường Típ: 42, Na Ngoi: 38, Nậm Càn: 38, Keng Đu: 32, Tà Cả: 28, Hữu Kiểm: 24... Tổng cộng 324 ca cai nghiện, tăng gần 200 ca so với chỉ tiêu được giao. Chúng tôi càng thêm hiểu, tập thể thầy thuốc của Trung tâm cai nghiện Tiểu khu 50 thực sự hết lòng với bà con các dân tộc vùng biên giới. Dẫu trước mắt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng những chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây đã thực sự gắn bó máu thịt với dân, lo cho dân, hết lòng vì “nhân dân”...

THUẬN THẮNG