Công tác bảo đảm kỹ thuật đã có những đóng góp không nhỏ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong điều kiện địa hình hiểm trở, bị địch phong tỏa, đánh phá, lực lượng làm công tác kỹ thuật quân đội đã khắc phục mọi khó khăn bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) phục vụ chiến dịch.
Khối lượng lớn VKTBKT được huy động phục vụ chiến dịch
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng kỹ thuật đã sửa chữa, sản xuất, cơ động khối lượng lớn VKTBKT ra mặt trận, bảo đảm an toàn, bí mật, gây bất ngờ cho địch. Quân đội ta huy động lượng vũ khí lớn nhất, đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí mới tính đến thời điểm bấy giờ. Cùng với các loại vũ khí tự chế tạo và thu được của địch, chúng ta đã có trong trang bị súng máy cao xạ 12,7mm, pháo phòng không 37mm, pháo mặt đất 105mm, dàn hỏa tiễn 75mm, 6 nòng (H6)... Đi cùng với hỏa lực pháo mặt đất, cao xạ còn có các phương tiện cơ giới để chuyên chở như xe ô-tô GAZ-51, GAZ-63... Phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng kỹ thuật đã bảo đảm cho 688 xe ô-tô các loại, vận chuyển hơn 94% tổng số VKTBKT và vật tư kỹ thuật, hàng hóa. Bảo đảm VKTBKT cho chiến dịch, ngành Quân giới đã sản xuất hàng nghìn tấn lựu đạn, mìn, bộc phá, bộc lôi ống có chất lượng cao cùng với các loại vũ khí đạt tới trình độ tiên tiến như ba-dô-ca, súng SKZ, AT, SS... kịp thời đưa ra chiến trường. Trong 4 tháng đầu năm 1954, riêng lực lượng kỹ thuật ngành Vận tải đã sửa chữa vừa và sửa chữa lớn gần 100 lượt xe ô-tô, góp phần bảo đảm đầu xe tốt cho chiến dịch. Ngành Quân khí đã huy động tất cả lượng đạn dự trữ ở các kho, vận chuyển toàn bộ số đạn pháo 105mm được viện trợ và thu được của địch đưa ra phục vụ chiến dịch. Ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn pháo binh 375 đã hoàn thành xây dựng gấp một tiểu đoàn pháo ĐKZ 75mm và một tiểu đoàn hỏa tiễn H6. Các loại vũ khí mới viện trợ như hỏa tiễn H6, ta không để ở kho dự trữ mà chuyển thẳng ra mặt trận đưa vào chiến đấu.
Bảo đảm cơ động hỏa lực
Bảo đảm cơ động là nét đặc sắc nhất trong công tác kỹ thuật của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, lực lượng kỹ thuật Đại đoàn 351 đã thực hiện cuộc hành quân cơ giới quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là cơ động cấp trung đoàn lực lượng pháo binh và pháo cao xạ với chặng đường hơn 500km. Trung đoàn pháo binh 45 trang bị 20 khẩu lựu pháo 105mm, 40 xe ô tô, trong đó có 10 xe GMC, một xe công trình, một xe cần cẩu, hàng nghìn viên đạn cùng các thiết bị khí tài quan trắc, máy thông tin liên lạc các loại. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn 45 pháo binh có 2 tiểu đoàn hỏa lực, một đại đội chỉ huy, 2 trung đội bảo đảm quan trắc, thông tin liên lạc. Trung đoàn đã có kinh nghiệm trong hành quân đường dài, nhất là sau đợt tháo xe, pháo, vận chuyển bằng thuyền bè vượt sông Thao về vị trí tập kết an toàn. Nhờ tổ chức cơ động tốt, nên chỉ sau 17 ngày, trung đoàn 45 đã đưa toàn bộ VKTBKT đến vị trí đúng thời gian quy định. Việc cơ động pháo binh xe kéo lên địa hình rừng núi hiểm trở Điện Biên Phủ khiến địch không thể ngờ tới.
Bảo đảm kỹ thuật phòng không
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã huy động 80% lực lượng không quân Pháp ở Đông Dương cùng với sự hỗ trợ của không quân Mỹ. Lần đầu tiên, ta đã hình thành thế trận phòng không vững chắc với ba tầng hỏa lực là súng bộ binh, súng máy phòng không 12,7mm và pháo phòng không 37mm. Súng máy phòng không 12,7mm, ta có khoảng 100 khẩu biên chế cho các tiểu đoàn phòng không trực thuộc các Đại đoàn 308, 316, 312 và một số đại đội. Pháo cao xạ biên chế cho các tiểu đoàn hỏa lực của trung đoàn 367. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 50% số tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm được sử dụng trực tiếp chiến đấu trong đội hình chiến dịch, số còn lại được bố trí để bảo vệ hậu phương chiến dịch và giao thông vận tải. Trong quá trình hành quân cơ động chiếm lĩnh trận địa và chiến đấu chống trả máy bay địch, các đơn vị súng máy cao xạ, pháo phòng không luôn có lực lượng kỹ thuật đi cùng để sửa chữa, khắc phục hỏng hóc. Các đơn vị pháo phòng không còn biên chế xe kéo pháo để bảo đảm cơ động. Tổng số xe bảo đảm cho trung đoàn pháo phòng không 367 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lên tới 174 chiếc, trong đó có nhiều xe GAZ-51 sử dụng để chuyên chở đạn. Do được bảo đảm kỹ thuật kịp thời nên lực lượng phòng không đã chiến đấu hiệp đồng hiệu quả, tiêu diệt và phá hỏng 62 máy bay các loại của địch. Lực lượng phòng không không chỉ chặt đứt cầu hàng không của địch mà còn khiến không quân địch sợ hãi, thả hàng tiếp tế vào đội hình của ta, khiến địch ngày càng nhanh chóng tan rã.
Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sự tài tình trong chỉ đạo và thực hiện công tác kỹ thuật của Quân đội ta. Ngoài việc chuẩn bị VKTBKT, Quân đội ta đã huy động được lượng vật chất kỹ thuật tại chỗ, động viên toàn dân tham gia làm công tác bảo đảm kỹ thuật. Nhờ đó, sức cơ động của các đơn vị kỹ thuật được nâng cao, bảo đảm hành quân, đưa VKTBKT đến vị trí tập kết đúng thời gian, bí mật, an toàn, tạo nên sự bất ngờ cho địch, chiến đấu giành thắng lợi.
Đức Giang (Biên soạn)