Đã hết giờ làm việc buổi chiều, nhưng Đại úy Đỗ Thanh Huyền, Trợ lý CNTT, Phòng Tham mưu Lữ đoàn 205 vẫn say sưa truyền thụ kiến thức cho các nhân viên CNTT trong lớp tập huấn. Chẳng là quá trình nghiên cứu, chị vừa rút ra một số kinh nghiệm bổ ích trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), bảo hiểm xã hội ở đơn vị cơ sở, nên cần truyền đạt kịp thời tới các đầu mối để thực hiện thống nhất trong toàn lữ đoàn. Được đào tạo cơ bản chuyên ngành CNTT tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đỗ Thanh Huyền luôn trăn trở phải làm sao để CNTT có "đất sống" ở đơn vị cơ sở, vốn quen nếp quản lý hệ thống số liệu qua sổ sách, giấy tờ vừa cồng kềnh, kém hiệu quả, vừa gây khó khăn cho công tác bảo quản, lưu giữ lâu dài. Nhất là trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực đời sống đã trở nên phổ biến, chị mong muốn mỗi cán bộ, nhân viên đơn vị phải thực sự làm chủ CNTT trên mọi lĩnh vực. Từ suy nghĩ đó, Đại úy Đỗ Thanh Huyền thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chủ động xây dựng hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu, đồng thời tham mưu với chỉ huy đơn vị cho ứng dụng vào thực tế. 

Buổi tập huấn diễn ra khá sôi nổi. Từ sự hướng dẫn tận tình của cô kỹ sư trẻ, trong khoảng thời gian ngắn, các nhân viên CNTT đã cập nhật xong số liệu VKTBKT của đơn vị mình, bảo đảm chính xác, khoa học, dễ tra cứu. Nhiều người lộ rõ niềm vui vì đã giải tỏa được tâm lý căng thẳng trước đó, khi việc ứng dụng CNTT vào quản lý số lượng lớn VKTBKT ở đơn vị trước đó còn nhiều bất cập. Thiếu tá QNCN Nguyễn Thế Trường, nhân viên Phòng Tham mưu Lữ đoàn 205, hồ hởi: "Việc ứng dụng hiệu quả CNTT vào các lĩnh vực liên quan đến số liệu phức tạp, giúp công tác quản lý, lưu trữ trở nên thuận tiện, dễ tra cứu. Do đó, không quá lời khi nói CNTT chính là “chìa khóa” vạn năng trong tất cả các nhiệm vụ".

Chứng kiến không khí trao đổi, học tập sôi nổi của các kỹ sư, nhân viên trong đơn vị, Đại tá Đỗ Hoài Nam, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 205 vui vẻ ngồi vào “dự thính”. Đại tá Đỗ Hoài Nam chia sẻ, trước yêu cầu ngày càng cao về quản lý VKTBKT, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã chỉ đạo đơn vị ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý VKTBKT, tạo vòng khép kín theo đúng quy trình quản lý VKTBKT. Nổi bật trong đó là Phần mềm Kiểm kê trang bị nhóm 1, cho phép nhập đầu vào trang thiết bị, số lượng, chất lượng, mã số quản lý, quá trình bàn giao sử dụng hoặc thanh lý, trả trang bị cấp 5, giúp người quản lý tiết kiệm thời gian, công sức khi so sánh số liệu hàng năm, giảm 50% thời gian ghi chép sổ sách, đồng thời tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn.

Cán bộ, nhân viên Lữ đoàn 205 trao đổi nghiệp vụ. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021.

Để đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra là phải có nguồn nhân lực CNTT. Để giải bài toán này, Lữ đoàn 205 tổ chức bộ phận CNTT trực thuộc lữ đoàn, có nhiệm vụ bám sát hoạt động của đơn vị, tham mưu giúp lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT vào công tác huấn luyện, SSCĐ, nâng cao chất lượng bài giảng luôn là nội dung được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 205 hết sức coi trọng. Trong đó phải kể đến phần mềm huấn luyện Tổng đài EWSD và Tổng đài Acatel E10 MM, do Đại úy Đỗ Xuân Anh, Tiểu đoàn 76 và Đại úy Nguyễn Viết Ngọc, Tiểu đoàn 75 nghiên cứu thực hiện. 

"Thực mục sở thị" việc ứng dụng CNTT vào các nhiệm vụ, chúng tôi được Thượng tá Bùi Thế Vỹ, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 205, giới thiệu, gần hai năm trở lại đây, đơn vị đã xây dựng 2 phòng họp không giấy tờ, phục vụ truy cập mạng TSLqs trong giao ban, hội nghị. Bằng việc ứng dụng CNTT, đơn vị đã áp dụng chuyển nhận 100% văn bản dưới mật qua mạng TSLqs, đảm bảo an toàn, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng/năm, đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong các ngành của đơn vị. Cũng theo Thượng tá Bùi Thế Vỹ, các đợt phòng, chống dịch Covid-19, bộ phận CNTT lữ đoàn đã phối hợp chặt chẽ với phòng chính trị khai thác hiệu quả website của lữ đoàn, nhằm thông báo tình hình dịch tới mọi quân nhân. Hàng ngày, ban biên tập liên tục cập nhật số ca nhiễm, các địa phương liên quan để bộ đội lưu ý trong quá trình đi lại và thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 75, Lữ đoàn 205 bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ diễn tập. Ảnh chụp trước dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, với đặc thù là bảo đảm thông tin cho các đơn vị trong toàn quân, việc áp dụng các công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ cũng được chỉ huy Lữ đoàn 205 hết sức quan tâm, chú trọng. Theo đó, đơn vị đã tổ chức hệ thống giao ban truyền hình và điện thoại IP có hình giữa sở chỉ huy lữ đoàn với các tiểu đoàn, để thực hiện giao ban, hội họp, triển khai công việc, đồng thời, các phòng họp cũng được trang bị hệ thống máy tính có kết nối mạng TSLqs, dễ dàng truy cập, mở tài liệu, công văn. Đến nay, chất lượng hệ thống giao ban truyền hình và phòng họp điện tử đã được nâng cao rõ rệt, giúp giảm tối đa thời gian chuẩn bị hội trường, tiết kiệm giấy in cho đơn vị.

Có thể nói, với sự phát triển không ngừng của hệ thống TTLL, các thiết bị ngày càng phức tạp, số hóa thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vật lực để vận hành hệ thống thông tin đòi hỏi ngày càng cao. Muốn làm được như vậy, mỗi cá nhân phải có khả năng khai thác thành thạo máy tính, biết ứng dụng những phần mềm cơ bản và thành thạo phần mềm chuyên ngành thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối với Binh chủng TTLL nói chung, Lữ đoàn 205 riêng, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các nhiệm vụ những năm qua chính là "chìa khóa" vạn năng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hệ thống tự động hóa chỉ huy.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG