Tôi vẫn còn nhớ hồi đầu năm, chiến sĩ Đặng Nguyễn Hoàng Sơn quê ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) thường có tâm trạng lo lắng và biểu hiện sợ sệt, sống khép kín, ít giao tiếp, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp. Tìm hiểu tôi được biết, trước khi nhập ngũ, Sơn có xem trên mạng xã hội đoạn video ngắn ghi lại cảnh chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới nên luôn cảm thấy sợ hãi.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) trong giờ giải lao. Ảnh: ĐÀO NGỌC 

Nắm rõ nguyên nhân, tôi trực tiếp mời Sơn lên phòng gặp gỡ, nói chuyện. Sau đó, Sơn dần cởi mở và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cùng đồng đội, chỉ huy; chất lượng thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt. Từ câu chuyện của chiến sĩ Sơn, có thể thấy rằng, khi phát hiện sớm những biểu hiện tư tưởng bất thường của bộ đội và chịu khó lắng nghe, tìm hiểu một cách chân thành, cởi mở, người chỉ huy sẽ có phương án giải quyết đúng đắn, linh hoạt, đúng quy định, có tình, có lý. Một vấn đề nữa với người chỉ huy là lời nói phải đi đôi với việc làm để bộ đội học tập, noi theo, nếu không sẽ phản tác dụng. Với những biện pháp, cách làm trên, trong những năm qua, tình hình đơn vị chúng tôi luôn giữ được sự ổn định, cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng úy ĐÀO NGỌC LÂM

(Chính trị viên phó Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1)

-----------

Không nên áp đặt, gây tâm lý căng cứng

Cũng như nhiều đơn vị trong toàn quân, Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với cường độ cao, đòi hỏi người cán bộ phải thật gần gũi, hiểu tâm tư, tình cảm của bộ đội để có biện pháp giải quyết thấu đáo, nhất là vấn đề tư tưởng. Đối tượng quản lý, nắm bắt, động viên tư tưởng không chỉ là chiến sĩ mà với cán bộ mới ra trường cũng cần được hướng dẫn, động viên họ tiến bộ. Thực tế công tác quản lý, chỉ huy bộ đội, đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ ở cơ sở luôn phải đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cấp dưới nhằm tạo động lực thi đua, phấn đấu trong đơn vị. Tuy nhiên, nếu cứ triển khai một cách cứng nhắc, rập khuôn, yêu cầu quá cao mà không căn cứ vào tình hình thực tế đơn vị thì dễ gây tâm lý căng cứng, không đạt hiệu quả.

Như trường hợp Thiếu úy Vũ Triệu Vỹ, Trưởng xe YHB, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 88) là cán bộ mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc giải quyết công việc có lúc còn nóng vội. Ngoài nội dung cấp trên triển khai, trong công tác quản lý, chỉ huy trung đội, Vỹ luôn đặt ra yêu cầu cao đối với chiến sĩ và đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Từ đó tạo tâm lý căng thẳng, gây áp lực khiến bộ đội có biểu hiện chểnh mảng, đối phó trong thực hiện nhiệm vụ. Nắm được tình hình đó, qua trao đổi thống nhất trong ban chỉ huy đại đội, tôi trực tiếp gặp gỡ đồng chí Vỹ để trao đổi về phương pháp chỉ huy, quản lý bộ đội. Theo đó, cán bộ trung đội cần gần gũi, thấu hiểu và gắn bó với bộ đội, thực sự là chỗ dựa tinh thần, địa chỉ tin cậy để bộ đội chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Thực hiện các nhiệm vụ cần gắn với năng lực, trình độ, sở trường của từng cá nhân, bộ phận... Tiếp thu những đóng góp, Thiếu úy Vũ Triệu Vỹ có những tiến bộ rõ rệt, không còn nóng vội trong xử lý công việc hay áp đặt trong chỉ huy, quản lý, được bộ đội tin tưởng hơn, tâm thế trong thực hiện nhiệm vụ cũng chuyển biến tích cực.

Thượng úy TRẦN VĂN THANH

(Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân)

------------

Phải kiên trì uốn nắn

Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng của đơn vị. Thực tế cho thấy, đây là công việc rất khó khăn, vất vả. Để rèn những thanh niên đang quen sống tự do, được gia đình chăm lo từ việc nhỏ trở thành quân nhân có đầy đủ phẩm chất, năng lực, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ không hề đơn giản. Dù đã chuẩn bị tâm thế và tình nguyện nhập ngũ, nhưng nhiều chiến sĩ mới vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân đến đơn vị. Trước mắt họ là môi trường hoàn toàn mới, cuộc sống mới, cảnh quan mới chưa khi nào trải nghiệm; mọi thói quen sinh hoạt thường ngày phải thay đổi, nhường chỗ cho những nền nếp, giờ giấc sinh hoạt, kỷ luật mới... Một số chiến sĩ thì cố gắng thích nghi, học hỏi, nắm bắt một cách nhanh nhất để thực hiện công việc gọn gàng, ngăn nắp, đúng tác phong quân nhân, chấp hành nghiêm kỷ luật. Tuy nhiên, cũng còn một số chiến sĩ mới có hành vi và biểu hiện chấp hành không nghiêm quy định, như: Hút thuốc lá, đi lại không xin phép, lén lút sử dụng điện thoại di động, chấp hành mệnh lệnh chưa nghiêm, có biểu hiện dao động tư tưởng, thiếu yên tâm công tác...

Dự báo được tình hình tư tưởng bộ đội khi mới về đơn vị, trên cương vị trung đội trưởng, tôi tự dặn mình phát huy vai trò của cán bộ tiểu đội. Tôi kiên trì uốn nắn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa động viên với giáo dục để từng bước rèn bộ đội vào nền nếp. Đồng thời, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các chiến sĩ mới, thường xuyên gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi với anh em để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ, hoàn cảnh gia đình, từ đó đơn vị đề ra các biện pháp để kịp thời động viên chiến sĩ mới yên tâm học tập, công tác.

Trung úy NGUYỄN THIỆN TÚ

(Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9)