QĐND - Từ hồi có khu đô thị mới ở Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), con đường từ đường Mai Động đi xuyên qua khu tập thể Quân y viện 108 đến đường Hoàng Mai trở nên đông đúc. Dòng người hối hả, con đường nhỏ hẹp, tiếng còi xe rộn rã. Ẩn sau sự ồn ã ấy là một cuộc đời lặng lẽ nhưng đầy chiến công. Đó chính là cụ Phan Đức Sử, tuổi đã ngoại bát tuần…

Người chiến sĩ công binh nhiều chiến tích

Chúng tôi tìm gặp cụ Phan Đức Sử trong một ngày đầu tháng 11-2012, nhân chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Chiến thắng lớn mang tầm thời đại này là công sức, trí tuệ, máu xương của quân và dân Việt Nam, song từ những góc sâu thẳm của chiến thắng lẫy lừng, có những công việc, những con người góp phần làm nên chiến thắng theo cách ít ai ngờ.

Có một học giả người Mỹ, từng công tác tại đại học danh tiếng Yale, mỗi lần gặp tôi vẫn chỉ hỏi có một câu: “Làm thế nào mà người Việt Nam thắng được không lực Hoa Kỳ nhỉ?”. Câu hỏi này xoáy vào lòng kiêu hãnh dân tộc và tôi không ngần ngại “thuyết trình” hàng tiếng đồng hồ về truyền thống đánh giặc giữ nước, tình đoàn kết tương thân, kết cấu cộng đồng, làng xã... của người dân Việt Nam ta. Vị học giả chỉ đồng ý với tôi về mặt nguyên tắc, ông nhận xét: “Nhiều nước, nhiều dân tộc trên thế giới này cũng có truyền thống chống ngoại xâm, song chỉ có Việt Nam làm được điều tưởng như không thể ấy”.

Cụ Phan Đức Sử và con trai.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta có nhiều cách lý giải. Có cách “thiên” về khoa học kỹ thuật rằng ta đã phát huy tối đa hiệu quả của vũ khí. Cách khác “thiên” về yếu tố con người cho rằng nhờ có tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường mà ta thắng Mỹ. Bản thân tôi thiên về yếu tố con người hơn, vì có yếu tố đó mới có được những sáng tạo. Không có yếu tố đó, con người bạc nhược trì trệ, dễ đầu hàng.

Người Mỹ đã nhìn ra yếu tố con người này và họ không ngần ngại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhằm tuyệt triệt tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt Nam. Từ năm 1965, chiến tranh leo thang đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Để đánh bại âm mưu này, chúng ta đã có những bước chuẩn bị khôn khéo từ trước đó: Chuẩn bị con người!

Một trong những con người thuộc thế hệ này chính là Phan Đức Sử. Về cuộc đời của nhà cách mạng này, có rất nhiều chi tiết thú vị. Xin bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ trước.

Dòng họ Phan nhà cụ Sử có gốc gác từ Hưng Yên, từ nhiều đời nhờ tài kinh doanh buôn bán, cùng với tinh thần hiếu học nên họ đã có được khối tài sản lớn. Đến đời cụ Phan Xuân Trang (thân sinh cụ Phan Đức Sử), gia đình đã có nghề nhiếp ảnh. Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ Phan Xuân Trang là chủ hiệu ảnh nổi tiếng Metro Photo ở số 21 đường Đồng Khánh (nay là hiệu ảnh Quốc tế). Gia đình nhà cụ Phan Xuân Trang thuộc hàng giàu có của đất Hà thành thời đó. Sinh ra trong một gia đình như vậy, Phan Đức Sử có đủ điều kiện học qua các trường danh tiếng và năm 16 tuổi anh đã đậu Tú tài (diplome). Thời thanh niên, Phan Đức Sử rất say mê tập thể hình, anh từng là một trong mười thanh niên có thể hình đẹp nhất trên đất Hà Nội xưa. Phan Đức Sử có tinh thần yêu nước sớm và biểu hiện lúc đầu là những hành vi phản kháng với cảnh sát Tây. Điều đó lý giải một cách tự nhiên sự có mặt của anh thanh niên Phan Đức Sử trong dòng người thét vang hào khí đạp rào sắt chiếm Bắc Bộ Phủ trong ngày 19-8. Khoảnh khắc này đã được NSNA Vũ Năng An ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng ngày Tổng khởi nghĩa 1945.

Ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa, Phan Đức Sử tình nguyện nhập ngũ và được chỉ định làm trung đội trưởng Trung đội cận vệ, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian sau đó, ông và đồng đội đã tham gia bảo vệ Bác Hồ và nhiều cán bộ cao cấp của Chính phủ ta hội đàm cùng tướng lĩnh Pháp đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian này là đúng Tết Bính Tuất 1946, Bác Hồ đã đến thăm gia đình cụ Phan Xuân Trang và ăn cơm tại gia đình. Phan Đức Sử được ngồi cùng mâm với Bác. Đó là những giây phút cực kỳ xúc động trong đời cụ. Mặc dù ngày ngày vẫn được kề cận với Bác, song việc một vị Chủ tịch, một người được đồng bào cả nước kính yêu đến nhà thăm hỏi gia đình người cận vệ của mình thật là thân tình, gần gũi. Cụ Phan Đức Sử bồi hồi nhớ lại: “Bác Hồ thường ngày ăn uống rất giản dị, thời điểm đó dân ta còn khó khăn, hai triệu rưỡi đồng bào chết đói, nên bữa cơm thường ngày của Bác đạm bạc, kham khổ lắm. Chúng tôi cũng theo gương Bác...”.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà cụ Phan Xuân Trang.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới và sau này là chiến dịch Điện Biên Phủ, cấp trên đã giao nhiệm vụ cho Trung đội trưởng Phan Đức Sử từ đội cận vệ đi học ngành công binh. Lúc đó là khóa 2, trường Công binh đóng tại Thái Nguyên. Sau này các học viên còn được tập huấn thêm tại Trung Quốc về các kỹ thuật bom mìn, vật liệu nổ. Khóa học kết thúc, Phan Đức Sử được điều về đơn vị Súng phóng bom (sau này biên chế thuộc Sư đoàn 308). Đơn vị Súng phóng bom này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối thuộc với bộ đội đánh địch tại các chiến dịch Đông Bắc, sông Thao, sông Chảy; đặc biệt có các trận công đồn Bản Trại, Đèo Khách, Nà Lẹng, Bản Bể, Nà Han, Đại Pháo, Đại Bục, Ngòi Mác, Thôn Mạ... đã giành được chiến thắng vang dội làm nức lòng quân dân các tỉnh Việt Bắc. Sau ba chiến dịch này, đơn vị Súng phóng bom đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, đồng chí Phan Đức Sử lập công suất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và hạng ba. Trong lễ mừng công, anh vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gắn huy hiệu của Người. Thời gian sau, lực lượng của ta đã phát triển mạnh, Phan Đức Sử lại được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội công binh 314 Trung đoàn 151, thuộc Đại đoàn Công pháo 351.

Nhiều chiến công của Phan Đức Sử đã được lưu vào sử sách. Trong đó trận đánh vượt sông Đà được mọi người thường nhắc. Tháng 12-1951, quân đội ta mở chiến dịch Hòa Bình. Sau khi đã hạ nhiều đồn bốt của địch, quân ta phát triển đánh địch ở các đồn Ao Trạch, đồn Pheo, đồn Phương Nhãn, cốt 600. Đây là “bức vách” phía sau quân thù. Lúc đó quân Pháp ở Hòa Bình đã rệu rã, kiệt quệ phá vây rút chạy, hai Đại đội công binh là 313 và 314 được lệnh khẩn trương bắc cầu vượt sông Đà truy kích địch. Trong hai đêm xuyên rừng, Đại đội công binh 314 đã lập cầu và khênh 30 chiếc thuyền nan đuổi địch dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông an toàn, đúng hẹn. Sau trận này đơn vị Phan Đức Sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ “Anh dũng vượt sông Đà” (Lá cờ này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Công binh). Khênh thuyền nan đuổi địch, có lẽ là hành động quân sự độc đáo nhất trong các chiến lệ của nghệ thuật quân sự đương đại Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội trưởng Phan Đức Sử còn được Bác Hồ tặng cho danh hiệu “người chỉ huy trấn giữ đèo Pha Đin”. Danh hiệu này có được vì ông đã đưa ra nhiều sáng kiến phá bom. Trong đó có sáng kiến “vần bom tháo kim hỏa”, tìm ra quy luật của bom nổ chậm góp phần giữ mạch máu giao thông qua đèo Pha Đin thông suốt trong 60 ngày.

Những chiến công của Phan Đức Sử nếu liệt kê ra hẳn sẽ còn phải dài nữa, song chúng tôi lại muốn tìm hiểu thành tích của ông trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Tôi gợi ý: “Xin cụ kể về sự tích chiếc hố cá nhân mà người dân Hà Nội tránh bom Mỹ”.

Chiếc hố cá nhân dọc những tuyến phố Hà Nội trong những năm tháng chống Mỹ đã trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng của người Hà Nội anh dũng kiên cường, bi thương mà bất khuất. Hẳn nhiều người đã trải qua những năm tháng ác liệt ấy sẽ vẫn còn nhớ tiếng còi tầm dóng diết, tiếng cô phát thanh viên bình thản đến lạ thường nhắc bà con nhân dân ra hầm trú ẩn... Và, hẳn nhiều người sẽ vẫn còn nhớ khoảng trời như vành trăng khuyết qua khe hẹp dưới nóc hầm...

Mỗi người dân một hố cá nhân

Dù thời gian phôi pha, nhưng ánh mắt cụ Phan Đức Sử vẫn giữ được những nét tinh anh của một thời thanh niên sôi nổi. Cụ cười hiền: “Cái hố cá nhân à? Học từ dân ta đấy”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Giơ-ne-vơ, hy vọng hòa bình thống nhất non sông của nhân dân cả nước bị chính quyền ngụy quyền phản động Ngô Đình Diệm thẳng tay dập tắt. Đế quốc Mỹ thế chỗ thực dân Pháp kéo dài thêm đau thương cho mảnh đất hình chữ S và toàn cõi Đông Dương. Trung ương Đảng đã nhận định cuộc chiến đấu sẽ còn lâu dài mà kẻ thù trực tiếp sẽ là quân đội Mỹ. Trước một kẻ thù hung hãn, chiến tranh nhất định sẽ lan rộng ra miền Bắc.

Phan Đức Sử chỉ huy khối diễu duyệt bước qua lễ đài trong ngày mít tinh tiếp quản Thủ đô Hà Nội 1954. Ảnh tư liệu.

Trung ương Đảng và Quân đội ta cũng đã nhìn thấy trước âm mưu của kẻ thù sẽ leo thang chiến tranh đánh phá Miền Bắc bằng không quân. Nhận định của Trung ương là phải giảm thiệt hại tối đa, đặc biệt là về con người. Vào thời điểm này, Phan Đức Sử đang đảm nhiệm chức vụ tham mưu trưởng Trung đoàn công binh 229 (sau này Lữ đoàn công binh công trình 229) thuộc Binh chủng Công binh, thì được giao nhiệm vụ biệt phái sang làm chuyên gia giúp Hội đồng phòng không nhân dân Trung ương, nghiên cứu xây dựng các công trình phòng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Cụ Sử tâm sự: “Lúc nhận lệnh tôi cũng hơi hụt hẫng, nhưng nhiệm vụ cấp trên đã giao thì phải chấp hành”.

Hội đồng phòng không nhân dân Trung ương lúc này do Phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh làm chủ tịch. Sau khi tiếp nhận giấy công tác, đồng chí vui vẻ nheo nheo mắt nhìn Phan Đức Sử hỏi: “Cậu sang làm chuyên gia à?”. “Thưa, tôi đi biệt phái”- Câu này ngụ ý rằng tôi chỉ sang làm hộ chính quyền thôi, xong việc, tôi lại trở về quân ngũ. Phó thủ tướng dường như không để ý đến ngụ ý ấy, nói tiếp: “Trước sau gì thì Mỹ cũng đánh phá miền Bắc. Vậy ta phải chuẩn bị ngăn chặn Mỹ. Mục tiêu của ta là làm sao giảm tối đa thương vong, thiệt hại. Đồng chí hãy đến gặp anh Nghĩa (Trần Đại Nghĩa, lúc đó là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Ban kiến thiết cơ bản Nhà nước)”. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, tỏ ra thiện cảm và hài lòng khi có thêm một trợ thủ là chiến sĩ kinh qua nhiều trận đánh, lại là người am hiểu kỹ thuật và cả tiếng Pháp. Ông nói: “Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí vào Vĩnh Linh (lúc đó khoảng cuối năm 1958, máy bay Mỹ đã đánh nống ra vùng này) nghiên cứu xem hầm trú ẩn của nhân dân ta chống bom Mỹ trong thời gian qua, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án. Làm sao để đến năm 1962 toàn dân ai cũng có hầm hố trú ẩn”.

Cụ Phan Đức Sử trở nên hào hứng, sôi nổi, kể như chỉ sợ quên mất ý, sợ mình chậm một chút thì bao ký ức hào hùng sẽ trôi vụt qua mất: “Tôi xin thêm được một cán bộ trẻ mới về ban tên là Trung, rồi hai anh em đạp xe vào Vĩnh Linh. Thực ra, là đi tàu hỏa vào Thanh Hóa, rồi từ đó đi tiếp bằng xe đạp. Nói chung, đợt đi công tác đó khá nhanh, chúng tôi ở xã Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chừng hai tuần. Bà con nhân dân giúp đỡ nơi ăn chốn ở rất nhiệt tình. Ở Vĩnh Mốc đã sẵn có cái địa đạo rồi, nhưng cái địa đạo này nhằm để chống bộ binh đánh tràn, do đó không áp dụng được vào công việc của chúng tôi. Nhưng tôi để ý đến cái lều chăn vịt của các cụ già làm trên đồng từ đó nảy ra một sáng kiến...”.

Chiếc lều chăn vịt sau này thành hầm "vỉ kèo" rất phổ biến ở nông thôn phía Bắc trong suốt thời gian bom đạn máy bay Mỹ giội xuống. Nhưng câu chuyện ở thành phố, phải nói tới chiếc hầm cá nhân. Chiếc hầm cá nhân của bà con ta ở Vĩnh Linh làm khá sáng tạo. Bà con lấy tre, đan lóng đôi, thành những tấm phên lớn rồi đào hố thả phên xuống làm vách, phía trong trát bùn đất. Mỗi hố như vậy có đường kính chừng 80cm, sâu 1,2 đến 1,5 mét. Hố này chỉ dùng cho thanh niên, còn cụ già trẻ nhỏ thì ngồi lều vịt. Chiếc lều vịt này cũng được đắp đất xung quanh dày đến 80cm. Hai đầu cửa vào còn có hai đống đất để chống mảnh văng. Cụ Sử kể: “Sau khi tính toán, tôi thấy rằng những chiếc lều vịt này chỉ chống mảnh văng thôi chứ không thể chống được áp lực của bom nên tôi đề nghị bà con hạ thấp xuống. Âm xuống đất chừng 20 phân, hiệu quả chống áp lực của bom đã tăng lên rõ rệt. Nếu ta đào sâu được xuống nữa thì còn hiệu quả hơn nhiều. Bà con, sau khi xem bản vẽ của tôi, nhiều người reo lên: À cái vỉ kèo. Thế là từ đó cái tên hầm “vỉ kèo” được đặt luôn cho loại hầm này”.

Phan Đức Sử năm 1946.

Chiếc hố cá nhân của bà con Vĩnh Linh cũng là một sáng tạo thú vị. Thực ra, bà con mình cũng học của bộ đội, nhưng vì ở Vĩnh Linh nền đất yếu, mỗi khi có xung chấn của bom, đất lại sập xuống hết, nên bà con mới nghĩ ra cách quây phên, chèn bùn vào cho hố thêm vững chắc, phía trên có thêm mội cái nắp bằng cui rơm chống mảnh bom. Chiếc hố cá nhân này đã có thời gian dài thử thách với bom Mỹ và cho thấy hiệu quả chống đỡ rất tốt.

Sau chuyến công tác này, Phan Đức Sử đã báo cáo với Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa hai loại hầm đã qua “kiểm nghiệm chiến trường”. Đồng chí đồng ý, rồi chỉ đạo thêm: “Cậu xuống Xí nghiệp xi măng Vĩnh Tuy đề nghị họ phối hợp làm hàng loạt”.

Hầm vỉ kèo không hợp với địa hình thành phố nên chỉ triển khai ở nông thôn. Hố cá nhân triển khai khắp địa bàn Hà Nội. Lúc đó ở Xí nghiệp xi măng Vĩnh Tuy, có những đống xỉ than to như những trái núi. Số xỉ than này được tận dụng để làm hố cá nhân. Xỉ than trộn với xi măng rồi đổ vào khuôn để đầm, làm thủ công, nhưng năng suất rất cao. Trong một thời gian ngắn đã có hàng vạn chiếc hố được xuất xưởng. Chiếc hố này gồm 2 ống cỡ đường kính 80cm, ghép lại được hố sâu 1,2 mét. Ống phía dưới có đáy, có rốn múc nước. Ống phía trên có một phần khuyết để làm bậc lên xuống. Phía trên có nắp hố đúc bằng bê tông cốt thép, rất chắc chắn.

Đến trước năm 1962, tất cả các phố trong nội thành Hà Nội đã được “trang bị” hố cá nhân. Mỗi hố nằm cách nhau 20 mét, nằm so le hai bên vỉa hè. Cách bố trí này một là để phân tán mật độ, hai là giúp cho khoảng cách chạy từ nơi bất kỳ đến hố là ngắn nhất.

Hội đồng phòng không nhân dân Trung ương còn phối hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng để hướng dẫn mọi người dân tự làm hố cá nhân. Ngoài ra còn hướng dẫn cách ngồi trong hố cá nhân. Theo đó, tư thế ngồi đúng là ngồi xổm, hai tay đặt khuỷu trên đầu gối, dùng bàn tay che tai, đầu hơi cúi xuống, không được ngồi dựa vào vách hố. Đối với hầm vỉ kèo phải được gia cố thanh xà, đặt âm dưới đất, tùy theo địa hình, nhưng nóc hầm chỉ nên cao hơn mặt đất chừng 50 cm, đắp đất dày. Hầm vỉ kèo chỉ cần một cửa lên xuống, phải làm bậc để người già, trẻ nhỏ dễ cơ động.

Đến đầu năm 1963, trong một lần đi thị sát tại thị xã Hà Đông, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã rất hài lòng khi thấy mỗi người dân đều có một hố cá nhân, hoặc hầm vỉ kèo làm nơi trú ẩn.

Tôi hỏi: “Cụ có nhớ trận đánh nào cụ thể mà hố cá nhân, hầm vỉ kèo phát huy tác dụng không?”

Cụ Sử đáp: “Có chứ, rất nhiều trận, hồi đó tôi là chuyên viên quân sự cao cấp tại Hội đồng phòng không nhân dân Trung ương, nên sau mỗi đợt bom Mỹ đánh phá tôi đều phải đến tận nơi, xem xét tình hình tại hiện trường. Nói chung không có hố cá nhân và hầm vỉ kèo thì thiệt hại của ta trong suốt thời gian giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc sẽ rất lớn. Có thể khẳng định các loại hầm, hố này đã phát huy tác dụng trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Góp phần cứu sống nhiều sinh mạng...”.

Tôi có một hình dung về cụ Phan Đức Sử trong những ngày bom Mỹ đánh phá miền Bắc. Đó là anh cán bộ cao, luôn tất tả đi theo dấu vết những đợt bom. Trong cái xắc-cốt bên mình luôn có hàng trăm chiếc kim băng nhằm vô hiệu hóa những quả bom bi chưa nổ. Việc đó dường như bình thường lắm, cụ Sử lấy một chiếc cốc uống nước trên bàn cho người nghe tiện hình dung về quả bom bi. Những ngón tay thoăn thoắt rút chốt, đè kim băng, chèn búa gõ hạt nổ... Tôi trân mắt nhìn chiếc cốc uống nước đầy ám ảnh. Có thể nào hình dung nổi một cán bộ cao cấp, vừa đi rút kinh nghiệm, vừa gỡ bom chưa nổ, vừa động viên người dân? Mẫu cán bộ “đa năng” đó là sản phẩm của một xã hội đạo đức, một bộ máy chính quyền vì dân. Trong cuốn sổ tay của người cán bộ ấy có ghi chép về thiệt hại, có kinh nghiệm đã được đúc kết từ những bài học xương máu. Đây là một chiến công lặng lẽ, âm thầm: Chiến công làm giảm thương vong do bom đạn của kẻ thù.

Ngày 23-10-2012, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và Nông thôn, (Bộ Xây dựng), vừa có tờ trình đề nghị Nhà nước phong tặng cụ Phan Đức Sử, nguyên cán bộ của viện danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng của đồng nghiệp và đồng đội đối với một tấm gương đã cống hiến hết mình và trọn đời cho cách mạng./.

Bài và ảnh: TUẤN ANH – ĐÔNG HÀ