Kỳ 2: Bản lĩnh Anh hùng Đặng Văn Thanh
QĐND - Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, 8 tuổi đã làm nghề lặn biển, bắt cá ở vùng Cà Ná (Ninh Thuận), Đặng Văn Thanh tham gia cách mạng rồi trở thành chính trị viên của Đoàn tàu không số như một lẽ tự nhiên. Ông là một trong hai người đầu tiên của Đoàn tàu không số được phong danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân. Ông còn để lại cho đời sau những câu chuyện huyền thoại về một tấm gương mưu lược, quả cảm trong chiến đấu mà cũng rất bình dị, chân thành lúc đời thường.
Địch vây bốn bề… không ngại!
 |
Anh hùng Đặng Văn Thanh. Ảnh tư liệu.
|
Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm truyền thống Đoàn tàu không số, chúng tôi gặp lại các cựu chiến binh đang sinh hoạt tại Ban liên lạc của nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Yên... Ở đâu, đồng đội cũng kể rằng, được công tác, chiến đấu cùng Chính trị viên Đặng Văn Thanh là một niềm tự hào. Cuộc đời ông có nhiều sự kiện hoàn toàn sự thật mà nghe như huyền thoại. Và sự kiện được kể nhiều nhất, cũng là “nguồn cơn” trong việc ông trở thành Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Đoàn 759 (sau này là Lữ đoàn 125) chính là lần ông cùng tàu gỗ 41 mở đường mới vào Bà Rịa, chi viện vũ khí cho đồng bào miền Nam.
Đầu tháng 9-1963, sau những chuyến tàu thành công đi vào Khu 8, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 7 mở bến đón tàu vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào thẳng chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đoàn 759 được lệnh chuẩn bị một tàu chở vũ khí đột phá mở đường mới vào bến Bà Rịa. Đêm 26-9-1963, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 do Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, Đặng Văn Thanh làm Chính trị viên cùng 11 thủy thủ, chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng). Để giữ bí mật, tàu phải đi trong mưa bão để tránh tàu tuần tra của địch. Khi tới khu vực đảo Phú Quý thì tàu mới bất ngờ chuyển hướng vào bến. Khó khăn lúc này là tàu chưa bắt được liên lạc với ban phụ trách bến theo kế hoạch. Trời sắp sáng, thủy triều bắt đầu xuống, trên đường vào bến, tàu lại bị mắc cạn gần Đồn Biên phòng Phước Hải của ngụy và đúng lúc chúng đang càn quét ở vùng này. Để giữ bí mật lâu dài, chỉ huy bến nhận hàng lúc bấy giờ là ông Ba Nam đề xuất cho đánh bộc phá hủy tàu càng sớm càng tốt.
Bí mật cho bến và tàu là nguyên tắc cao nhất, nhưng công sức của cả tàu cộng với biết bao tình cảm, ý chí của hậu phương lớn miền Bắc gửi vào tiền tuyến lớn miền Nam lẽ nào phút chốc trở thành tiếng nổ. Chính trị viên Thanh hội ý nhanh với Thuyền trưởng Một: "Mặc dù bị mắc cạn trước mũi địch nhưng tàu chưa lộ. Hơn nữa, tàu 41 lại cùng hình dáng với tàu đánh cá địa phương. Nếu huỷ tàu lúc này nghĩa là đánh động cho địch biết và chắc chắn rằng con đường vào bến mới Bà Rịa sẽ khó có thời cơ thực hiện". Lời đề nghị lực lượng ở bến cùng với cán bộ, chiến sĩ trên tàu nhanh chóng bốc dỡ vũ khí đưa vào bờ được thực hiện. Nhưng vũ khí chưa lấy hết thì trời đã sáng nên đành dừng lại. Thuyền trưởng Lê Văn Một dẫn thủy thủ lên bờ phòng trường hợp xấu cùng với địa phương chiến đấu bảo vệ vũ khí. Còn Chính trị viên Đặng Văn Thanh cùng với thợ máy Huỳnh Văn Sao tình nguyện ở lại, sẵn sàng phá hủy tàu khi cần thiết. Đến 11 giờ trưa, có tiếng động cơ máy bay. Hai người ngẩng lên thấy máy bay trinh sát từ phía bờ bay ra. Đến chỗ con tàu mắc cạn, nó chao lượn một vòng thăm dò. Trong bờ, tín hiệu khẩn cầu hai người hủy tàu lại xuất hiện, nhưng Đặng Văn Thanh lờ đi. Bằng cảm nhận của mình, anh cho rằng địch còn ngó nghiêng nghĩa là chúng chỉ mới nghi ngờ nên vẫn nghi binh bằng cách ra hiệu cho Huỳnh Văn Sao lấy lưới ra vá. Ở bên cạnh người chính trị viên đầy bản lĩnh như vậy, Huỳnh Văn Sao cũng trở nên mạnh dạn. Anh rót chén rượu, đưa cho Chính trị viên Thanh và nói: "Ta thi gan với chúng nghe!". Đến 14 giờ cùng ngày, con tàu nổi dần. Hai người cho nổ máy rời khỏi bãi cạn. Đến 17 giờ, Tàu 41 lẫn vào tàu đánh cá của ngư dân vào bến. Số hàng còn lại đã được bốc hết lên bờ. Đêm đó, Tàu 41 ra khơi trở lại miền Bắc... Với lòng dũng cảm, trí thông minh, Chính trị viên Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao đã nêu tấm gương ngời sáng về sự bình tĩnh, mưu trí, gan dạ và linh hoạt trong xử lý tình huống trước kẻ thù. Với sự mưu trí đó, Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao đã giữ được bí mật tuyệt đối của chuyến đi quan trọng này và chuyến đi mở đường, mở bến chi viện vũ khí cho Khu 7 vào Bà Rịa thành công tốt đẹp.
Người anh hùng bắt đầu từ… không biết chữ
Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Văn Thanh nay đã trở thành người thiên cổ, nhưng chúng tôi vẫn tìm về Quán Toan (Hải Phòng) để gặp vợ con ông. Câu chuyện đời của người anh hùng qua lời những người thân yêu nhất của ông dù rất ngắn gọn nhưng càng khiến chúng tôi xúc động.
Cậu bé Đặng Văn Thanh sinh ra ở vùng biển Cà Ná (Ninh Thuận) sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cách mạng Tháng Tám thành công đã thay đổi cuộc đời ông, đưa ông trở thành người chiến sĩ cách mạng, tích cực và đầy hăng say trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng Nam Trung Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông không đi tập kết mà được lệnh ở lại nằm vùng hoạt động. Rồi ông được giao nhiệm vụ giả đi đánh cá, điều tra kỹ vùng Mũi Đèn. Điều tra xong, về cứ báo cáo, cấp trên giao cho ông nhiệm vụ ngắn gọn: “Mấy năm nay đồng chí vất vả, sức yếu lắm rồi, mắt mờ, tóc rụng hết. Nay Khu ủy quyết định đồng chí phải ra Bắc nghỉ một thời gian, chữa bệnh, học hành, rồi sẽ trở về phục vụ. Đồng chí cứ đi, cách mạng miền Nam còn dài. Cứ đi, rồi sẽ trở về... Khu ủy giao cho đồng chí cái phong bì này, phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không để rơi vào tay giặc, dù hy sinh cũng phải bảo đảm thủ tiêu trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao tận tay một người là đồng chí Võ Nguyên Giáp”.
Vậy là ông đi theo đường Trường Sơn gần 8 tháng mới ra tới miền Bắc, tới Quảng Bình thì có xe con đón thẳng về Hà Nội. Đó là khoảng cuối năm 1961... Thời gian sau, ông được tổ chức cho gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tại đó, câu chuyện ông kể đến nay, đã hàng chục năm qua đi, người con trai của ông vẫn không thể nào quên được. Sau khi gửi Đại tướng lá thư mà cấp trên đã giao, ông được Đại tướng đưa cho cây bút, tấm bản đồ và yêu cầu: “Bây giờ đồng chí kể chuyện cho chúng tôi nghe tình hình trong ấy thế nào? Bà con ta sống thế nào? Địch hoạt động thế nào? Nhất là nói kỹ tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Nói thật cụ thể nhé”.
Thanh cầm cây bút, đứng bỡ ngỡ trước tấm bản đồ rất lâu. Ông không dám nhìn Đại tướng, mắt quay đi nhìn chỗ khác… Mãi về sau, ông mới thú thật: “Báo cáo Đại tướng... Tôi không biết chữ”.
Đại tướng lặng đi hồi lâu. Rồi ông cầm lấy cây bút chì, kéo Thanh lại gần và nói: “Bây giờ, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí sẽ kể cho tôi biết rõ tình hình từng nơi. Đây là đường số 1. Đây là Phan Rang. Đây là Phan Thiết. Còn cái mũi nhọn này là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng. Đây là Cà Ná...”.
Đêm ấy, Đặng Văn Thanh được trò chuyện cùng Đại tướng đến khuya. Thanh đã kể với Đại tướng tình hình các vùng mình biết, từng sống, từng hoạt động. Anh còn kể với Đại tướng ký ức tuổi thơ. Từ ngày còn là chú bé mồ côi cha mẹ, làm nghề lặn biển Cà Ná... Đại tướng ngồi nghe, cuối buổi, ông ôm Thanh rất chặt và giao cho hai nhiệm vụ: Một là chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Hai là phải đi học.
Vậy là Đặng Văn Thanh đi học. Sau ba tháng, ông biết đọc, biết viết thì được chuyển sang học hàng hải. Cuộc đời làm Chính trị viên Tàu không số của ông bắt đầu từ đó. Sau bao năm ngang dọc Biển Đông, lập nên nhiều thành tích cùng Đoàn tàu không số huyền thoại, khi nước nhà thống nhất, Đặng Văn Thanh không trở về vùng quê Cà Ná mà quyết định ở lại Hải Phòng. Ông kết duyên với một phụ nữ địa phương, cùng nhau vun đắp hạnh phúc nhỏ nhoi với niềm vui ruộng đồng của một “lão nông tri điền” thực thụ. Hàng xóm dường như không nhiều người biết ông là người anh hùng huyền thoại. Trong câu chuyện kể về ông, họ chỉ nhắc đến ông già Thanh quê ở miền trong, đi bộ đội rồi về đây dừng chân lập nghiệp. Ông hiền lành, bình thản hưởng cuộc sống vừa đủ và coi đó như một niềm hạnh phúc bất tận của người lính trở về sau chiến tranh, an nhiên và tự tại.
-----------------
Kì 1: Anh hùng Bông Văn Dĩa - cá kình Biển Đông
Kỳ 3: Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu – sự “trở về” kỳ diệu
Hồng Hải – Trịnh Dũng