Ở Lữ đoàn Pháo binh 454 (Quân khu 3), nhắc đến Đại úy Nguyễn Đức Thanh, Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều gọi anh là "cây sáng kiến". Hơn 5 năm qua, anh đã có hàng chục sáng kiến, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
Gặp nhau ở kho vật chất của đơn vị, Nguyễn Đức Thanh giới thiệu với chúng tôi sản phẩm "Giá hỗ trợ tháo lắp lốp xe” là sáng kiến mới nhất tôi vừa hoàn thành. Xuất phát từ thực tiễn tổ chức huấn luyện, khi gặp sự cố thủng săm, nổ lốp, để khắc phục phải huy động 3 đến 4 thợ sửa chữa làm việc trong thời gian 2 giờ, anh đã bỏ ra 3 tháng nghiên cứu, chế tạo "Giá hỗ trợ tháo lắp lốp xe” và trải qua 5 lần thử nghiệm mới thành công. Khi đưa vào ứng dụng, thời gian thay thế chỉ cần 2 thợ sửa chữa trong 40 phút.
 |
Đại úy Nguyễn Đức Thanh (ngồi bên phải) hướng dẫn bộ đội sử dụng “Thiết bị nạp nguồn cho máy vô tuyến điện PRC-25 bằng năng lượng mặt trời”. |
Quan trọng hơn giá thành sản phẩm chỉ có 900 nghìn đồng, trong khi một máy ép thủy lực có tính năng, hiệu suất tương đương có giá 20 triệu đồng. Song, sáng kiến mà Nguyễn Đức Thanh tâm đắc nhất là “Thiết bị nạp nguồn cho máy vô tuyến điện PRC-25 bằng năng lượng mặt trời”. Sau gần một năm “thai nghén” và 6 lần chỉnh sửa, thử nghiệm, anh đã hoàn chỉnh sáng kiến này. Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: “Trong quá trình huấn luyện, tôi nhận thấy khi dùng máy điện thoại vô tuyến điện PRC-25 để bảo đảm thông tin liên lạc phải kèm theo bộ nạp nguồn điện 220V dùng nạp pin. Khi hành quân dã ngoại, diễn tập ở xa doanh trại nếu mang theo máy nổ và nhiều pin dự phòng sẽ cồng kềnh, không bảo đảm yếu tố bí mật. Sáng kiến này đã khắc phục nhược điểm trên. Ngoài ra, giá thành sản xuất thiết bị chỉ có 1 triệu đồng. Trong khi nếu dùng máy nổ chi phí từ 8 đến 10 triệu đồng và tiêu tốn một lượng nhiên liệu nhất định”.
Đánh giá về “Cây sáng kiến” của đơn vị, Đại tá Trần Quốc Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 454 khẳng định: “Đại úy Nguyễn Đức Thanh là cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, luôn tâm huyết, trách nhiệm với công việc, nhất là trong tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm đều nghiên cứu thành công từ 2 đến 3 sáng kiến có giá trị thực tiễn cao ứng dụng trong công tác huấn luyện, SSCĐ và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. 5 năm liền (2012-2017) đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; năm 2016, 2017 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”.
Bài và ảnh: NGUYỄN THANH SANG