Sạch nhờ “của nhà trồng được”

Đất đai khô cằn sỏi đá, thời tiết phức tạp, dịch bệnh nhiều, giá cả đắt đỏ… là những khó khăn, trở ngại lớn đối với công tác tăng gia sản xuất ở Trường Sĩ quan Pháo binh. Ngoại thành Hà Nội là vùng có nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm sạch nhưng giá cả lại rất cao, vượt quá định mức tiêu chuẩn bữa ăn của bộ đội nếu phải mua 100% từ thị trường. Làm gì để hóa giải khó khăn này? Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Huy Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy chỉ có cách tự làm thực phẩm sạch mới giải quyết được vấn đề. Vì thế, cơ quan hậu cần đã chủ động tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xây dựng quy hoạch hệ thống vườn, ao, chuồng theo hướng hiện đại, khép kín; hình thành các khu vực tăng gia của các khối khoa giáo viên, các cơ quan và tiểu đoàn học viên. Trong đó, khu tăng gia của các tiểu đoàn học viên được xây dựng liên hoàn từ vườn, giàn, đến chuồng trại và ao thả cá”.

Tại Tiểu đoàn 3, một đơn vị điển hình về tăng gia giỏi, Thượng tá Hoàng Tuấn, Tiểu đoàn trưởng giới thiệu với chúng tôi, để có rau sạch thì khâu chăm bón rất quan trọng. Đơn vị hạn chế dùng phân vô cơ, sử dụng phân hữu cơ theo quy trình khoa học. Tiểu đoàn đã liên hệ với các trại bò để mua phân, đồng thời tổ chức cho bộ đội cắt cây, cỏ trộn lẫn để làm phân hữu cơ. Đặc biệt, đơn vị vừa đầu tư hơn 30 triệu đồng để hoàn thành công trình tưới nước tự động. Trước đó, tiểu đoàn đã đầu tư hàng trăm mét khối đất phù sa màu mỡ để thay thế lớp đất mặt khô cằn. Chính vì vậy, rau của đơn vị bốn mùa đều xanh tốt, đáp ứng 100% nhu cầu ăn tại bếp. Vào vụ bắp cải, năm nào đơn vị cũng phải bán ra thị trường do không dùng hết.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Tiểu đoàn 3 (Trường Sĩ quan Pháo binh) chăm sóc rau.

Theo thống kê của Phòng Hậu cần nhà trường, năm học 2015-2016 (từ tháng 8-2015 đến tháng 8-2016), toàn trường đã thu hoạch được 147,5 tấn rau, củ, quả (đáp ứng được 99,5% nhu cầu); 69,45 tấn lợn hơi (đáp ứng 101,54% nhu cầu); số thực phẩm từ gia cầm cũng rất phong phú…

Chế biến phải sạch

Đại úy, bác sĩ Phạm Văn Dân, Chủ nhiệm Quân y nhà trường, cho rằng, để có thực phẩm sạch, ngoài việc tạo nguồn thực phẩm tại chỗ tốt thì cần phải chú trọng công tác chế biến. Kinh nghiệm từ các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các vi phạm chủ yếu xoay quanh việc sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại trong chế biến, bảo quản rau, củ, quả, thịt, cá, đồ uống; sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, có dư lượng hóa chất, kháng sinh cao… Do đó, ở nhà trường, khâu chế biến thực phẩm sao cho thực sự sạch rất được quan tâm.

Trung tá Khuất Việt Anh, Trưởng ban Quân nhu của nhà trường cho biết: Không chỉ nói không với các loại thực phẩm, nguyên liệu chế biến, bảo quản không rõ nguồn gốc, nhà trường còn đầu tư xây dựng Trạm chế biến tập trung để làm tốt khâu chế biến. Nghị quyết Đảng ủy nhà trường đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển tăng gia sản xuất, đồng thời đầu tư, khai thác có hiệu quả Trạm chế biến tập trung, phấn đấu bảo đảm 100% nhu cầu thực phẩm sạch đưa vào bữa ăn cho bộ đội”. Có lẽ hiếm có đơn vị nào đầu tư Trạm chế biến tập trung bài bản, quy mô như Trường Sĩ quan Pháo binh. Trạm được đầu tư và đưa vào khai thác từ tháng 6-2015, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, gồm các khu vực tăng gia, chăn nuôi, khu vực giết mổ, khu vực chế biến… Các khu vực chế biến giò, chả, đậu phụ và sản xuất giá đỗ cũng được trang bị các loại máy móc, công nghệ hiện đại.

“Nhờ có trạm chế biến, năm học vừa qua, chúng tôi đã sản xuất được hơn 25 tấn đậu phụ, gần 8 tấn giò chả, đáp ứng được 100% nhu cầu của bộ đội. Đơn cử như với thực phẩm giá đỗ, nhà trường cũng đầu tư máy sản xuất giá đỗ tự động, rất hiện đại, công suất lớn, mỗi mẻ sản xuất được hơn 300kg giá đỗ sạch”, Trung tá Khuất Việt Anh nói.

Cũng giống như nhiều học viên khác, khi trao đổi với chúng tôi, Hạ sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, học viên Đại đội 33, Tiểu đoàn 3 cảm thấy hài lòng về việc bảo đảm thực phẩm sạch của nhà trường: “Hằng ngày, qua đọc báo, xem truyền hình, tôi thấy tình hình thực phẩm bẩn diễn ra thường xuyên, tình trạng ngộ độc thức ăn tập thể cũng xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng với cách làm của nhà trường thì từ nguồn thực phẩm đến chế biến đều sạch. Chúng tôi rất yên tâm”.

Bài và ảnh: HOÀNG THANH HƯƠNG