QĐND Online - Để thực hiện ý đồ “thương lượng trên thế mạnh" tại Hội nghị Pa-ri, từ ngày 18 đến 29-12-1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược (mang tên Lai-nơ Bếch cơ II) bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Trong 12 ngày đêm tiến hành chiến dịch, Mỹ đã huy động 740 lần chiếc B.52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật (có F.111), sử dụng các khí tài điện tử gây nhiễu hiện đại, đánh tập trung ồ ạt, ném gần 20 000 tấn bom xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, HảI Phòng, Thái Nguyên và một số nơi khác; đỉnh cao là việc sử dụng máy bay B.52 ném bom rải thảm mang tính chất hủy diệt vào các khu dân cư của thủ đô Hà Nội trong những ngày từ 26 đến 29/12.

Để đánh bại cuộc tiến công đường không chiến lược của địch, cách đánh cơ bản của ta trong chiến dịch phòng không này là đánh tập trung hiệp đồng binh chủng. Để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân đã tập trung tới 50% số tiểu đoàn tên lửa, 50% số đại đội pháo cao xạ, cùng với 4 trung đoàn ra-đa, chưa kể các lực lượng phòng không nhân dân địa phương. Các lực lượng này đã phát huy vai trò của mình, hiệp đồng chiến đấu tốt và đạt hiệu suất khá cao trong một số trận đánh then chốt.

Do cuộc tập kích đường không chiến lược, xen kẽ các đợt đánh bằng B.52, địch còn dùng các tốp máy bay nhỏ, lẻ đánh phá các mục tiêu khác, ngoài mục tiêu chủ yếu nên cách đánh chiến dịch của ta còn là cách đánh độc lập của từng binh chủng, từng lực lượng. Kết hợp cách đánh tập trung hiệp đồng binh chủng với cách đánh độc lập là điều kiện cần thiết tạo dựng lực lượng để có thể vừa đánh được những trận then chốt, vừa đánh được rộng khắp kẻ địch ở mọi nơi, mọi lúc. Nghệ thuật tác chiến của ta là vận dụng cách đánh chiến dịch gắn liền với việc tạo thế. Quân chủng Phòng không-Không quân, do nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân, đánh giá đúng đối tượng tác chiến và khai thác được những sai lầm của đich trong quá trình chiến dịch nên đã xử lý khá chính xác những vấn đề như phối hợp những lực lượng phòng không ba thứ quân, bố trí đội hình chiến dịch, cơ động lực lượng và khí tài (cả về chiến dịch, chiến thuật), sử dụng lực lượng dự bị…

Kết quả, với chiến dịch phòng không (được mệnh danh là chiến dịch “Điên Biên Phủ trên không"), lực lượng phòng không-không quân cùng với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch (18-29/12/1972), bắn rơi 81 máy bay (có 34 B.52, 5 F.111), diệt và bắt nhiều phi công. Bị tổn thất lớn và không đạt mục đích, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom, đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở ra, nối lại đàm phán tại Hội nghị Pa-ri (1968-1973) và kết thúc chiến tranh phá hoại lần II (6/4/1972- 15/1/1973) đối với miền Bắc nước ta.

Tuy nhiên, trong chiến dịch phòng không năm 1972, cách đánh chiến dịch của ta cũng còn có những hạn chế như: nhận định và đánh giá địch, dự đoán quy mô đánh phá của không quân Mỹ chưa đầy đủ; chưa đánh địch được từ xa, do đó phần lớn B.52 địch vào đánh phá đã ném được bom trước khi bị bắn rơi; việc tiêu diệt máy bay cường kích, máy bay chiến thuật hoạt động ban ngày chưa đạt hiệu suất cao; chưa đánh bại được hoàn toàn thủ đoạn bắn phá ở độ cao thấp của các máy bay F.111. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho việc đánh bại các cuộc tập kích đường không chiến lược ( nếu kẻ địch dám liều lĩnh tiến hành) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc./.

HÀ THÀNH