QĐND - A lô. Anh Hồng Châu phải không? - Phó chính ủy Dương Văn Hòa mời anh mang máy ảnh lên gặp cụ có việc gấp.

Tiếng cậu cần vụ của Phó chính ủy Sư đoàn oang oang bên đầu dây bên kia. Tôi vội cầm máy ảnh, lao ra khỏi hầm.

Băng qua một vạt rừng có những cây săng lẻ lớn, tôi mới tới được căn hầm của Phó chính ủy. ông đang đứng trò chuyện với một người có mái tóc bạc như cước bên ngoài căn nhà hầm.

Tôi chưa kịp chào, Phó chính ủy Hòa đã lên tiếng:

- Nào, tới đây đi. Tớ giới thiệu với cậu, đây là ông Nguyễn Văn Bình, ngày mai sẽ đi cùng Chính ủy Đặng Tính vào nhận nhiệm vụ Chính ủy Sư đoàn 968 đấy. Hai anh em chúng tớ cùng vào Trường Sơn một ngày, khi ấy tóc chúng tớ còn xanh lắm, thế mà bây giờ cậu nhìn xem, tóc chúng tớ đều bạc trắng cả rồi. ông bạn tớ có biệt danh là "Bình bạc". Nhưng theo cậu, tóc tớ và tóc ông ấy, ai bạc hơn ai nào?

Thì ra, người đứng trước mặt Phó chính ủy Hòa và tôi là cụ "Bình bạc"-một người tôi đã từng nghe tiếng đây ư?-Tôi thầm nghĩ.

- Dạ, hai thủ trưởng đều bạc như nhau ạ!-Tôi nhìn hai ông rồi đưa ra nhận xét một cách chân thật.

Thật lạ, tôi biết tuổi hai ông đều chưa tới năm mươi mà sao tóc lại bạc trắng như cước đến vậy. Có lẽ sự gian khổ và ác liệt của chiến tranh, sự lao tâm khổ tứ trước nhiệm vụ nặng nề và ác liệt triền miên của cuộc chiến đấu sinh tử trên Trường Sơn đã làm cho mái đầu của các ông bạc trắng trước tuổi...

- Nào, bây giờ cậu hãy chuẩn bị máy đi, rồi chụp cho hai ông bạn già chúng tớ một vài kiểu ảnh kỷ niệm nhé. Chả biết đến bao giờ chúng tớ mới có dịp gặp lại nhau! - Phó chính ủy bảo.

Trời bắt đầu sập tối. Tôi liền giục hai ông:

- Vâng, mời các thủ trưởng chuẩn bị nhanh cho. Trời tối nhanh lắm đấy ạ!

Tôi quan sát nhanh địa hình trước ngôi nhà hầm của Phó chính ủy. Cả khu rừng đóng Sở chỉ huy của Sư đoàn là một khu rừng toàn cây săng lẻ cổ thụ. Mặt đất hầu như không có thảm thực vật, chỉ lưa thưa một vài cây nhỏ. Nền đất rừng khô rang, nứt nẻ. Tôi chọn một gốc cây săng lẻ lớn, vỏ cây mốc meo, lở lói mọc trước căn hầm của Phó chính ủy. Tôi kéo hai ông đi tới. Với gốc cây như thế, vào ảnh sẽ rất ấn tượng. Rồi tôi bấm liền vài kiểu cho chắc ăn. Hai cán bộ mái đầu bạc phơ đứng sát bên nhau. Họ cười thật tươi. Nhìn họ trong khuôn hình, khiến tôi nghĩ nhanh: Hai ông già yêu đời quá. Họ cười thật tươi bên nhau không một nét gợn của sự gian khổ, ác liệt của Trường Sơn, bỏ lại phía sau một thời thanh xuân tươi đẹp... Chính ủy Nguyễn Văn Bình đến bên tôi, vỗ vai thân mật hỏi:

- Bao giờ cho tớ xin ảnh đấy?

- Dạ, tôi gửi ngay cho Phó chính ủy Hòa để chuyển sớm nhất cho thủ trưởng ạ! - Tôi trả lời.

- Cảm ơn! Nhưng này, nhớ cho tớ xin cả cái phim để gửi ra Hà Nội nhé. Bà xã tớ ngoài ấy sẽ phóng một cái ảnh to của hai chúng tớ để làm kỷ niệm. - ông cười hiền lành.

- Dạ, tuyên huấn Sư đoàn mới được trang bị một chiếc máy phóng ảnh khá hiện đại do Ba Lan sản xuất. Thủ trưởng khỏi lo, nếu cần, chúng tôi có thể phóng tặng thủ trưởng vài chiếc theo yêu cầu ạ! - Tôi tự hào thông báo.

- Ông yên tâm đi, tụi này năm ngoái chưa có máy phóng, thế mà chúng nó còn tự thiết kế rồi nhờ xưởng Trung tu X340 của Sư đoàn chế tạo ra một chiếc máy phóng ảnh cũng được lắm. Bây giờ lại có máy phóng hiện đại, chắc là phóng ảnh ngon lành rồi. ông khỏi lo. ông thích kích cỡ bao nhiêu thì nói đi? - Phó chính ủy Dương Văn Hòa giải thích thêm để Chính ủy Nguyễn Văn Bình yên lòng.

- Nhưng mà cậu có thể làm gấp ngay tối nay để cụ ấy có ảnh mang đi được không? - Phó chính ủy Hòa hỏi tôi.

- Hơi gấp, nhưng mà được ạ. Chỉ có điều, vì không có thời gian ngâm ảnh lâu trong nước, ảnh sẽ không được bền đâu ạ! - Tôi trả lời.

- Được rồi. Cậu cứ in và phóng gấp một hai ảnh đi, để phim lại phóng cẩn thận sau cũng được.

Tôi đăm chiêu nghĩ về chỉ thị của Phó chính ủy. Đột nhiên tôi vô tình nhìn lên cây săng lẻ mà hai cụ vừa đứng chụp hình. ôi chao, có một con kỳ đà lớn đang bám trên cái chạc ba của cây. Tôi vội kêu lên:

- Có một con kỳ đà trên cây săng lẻ thủ trưởng ơi!

Phó chính ủy Hòa thấy thế vội nói vui:

- Thế là hôm nay vừa có ảnh kỷ niệm lại có thêm món thịt kỳ đà để đãi ông "Bình bạc" rồi.

Nói rồi ông kêu cậu cần vụ mang khẩu súng cạc bin tới. Chỉ với một viên đạn, cậu cần vụ đã hạ gọn chú kỳ đà lớn khi nó chưa kịp nhảy xuống đất.

Kỳ đà là loại thằn lằn lớn mà lính Trường Sơn chúng tôi rất hay gặp trong rừng. Kỳ đà ưa sống ở môi trường nước, nhưng leo cây khá tài. Có thể nói, những con suối lớn là "ngôi nhà" của kỳ đà. Nó săn bắt cá và các loại côn trùng để ăn. Kỳ đà khá hung dữ. Nó sẵn sàng lao vào tấn công đối thủ mà không biết sợ. Khu vực đóng căn cứ của Sư đoàn bộ chúng tôi dưới chân núi Phù Trường ở hai bên một con suối lớn. Con suối này chảy qua nhiều lèn đá trước khi đổ xuống khu vực đóng quân của sư đoàn. ở nơi này có khá nhiều kỳ đà...

Thịt kỳ đà trắng như thịt gà, nếu biết chế biến thì ăn ngon không kém gì thịt gà. Mâm cơm hôm ấy tại căn hầm của Phó chính ủy có thêm món thịt kỳ đà xào lăn đãi Chính ủy Nguyễn Văn Bình.

Gần chín giờ đêm hôm ấy, tôi mới phóng xong mấy tấm ảnh của "hai cụ". Khi xem ảnh, cả hai cụ đều khá hài lòng.

Sáng hôm sau, tôi và cậu Chí Công rời cơ quan xuống đơn vị công tác. Ra khỏi cổng Sở chỉ huy Sư đoàn được một đoạn thì chúng tôi nhìn thấy cậu cần vụ của Chính ủy Đặng Tính khoác ba lô đi ngược trở lại.

- Sao cậu không cùng đi với Chính ủy? - Công hỏi.

Cậu cần vụ dừng lại, một tay ôm bụng, cậu ta nói trong đau đớn và mệt mỏi:

- Vừa lên xe đi được một đoạn, không hiểu sao em bị một cơn đau bụng dữ dội. Thủ trưởng bảo em quay trở lại sư đoàn để nghỉ. Khi quay trở ra, thủ trưởng sẽ đón em.

- Cậu có cần chúng tớ dìu về Bệnh xá Sư đoàn để điều trị không? -  Tôi hỏi.

- Dạ không cần đâu ạ. Em vẫn tự đi được. Cũng sắp vào tới Sư đoàn bộ rồi, các anh cứ đi công việc của các anh đi ạ!

Chúng tôi nhìn theo cậu cần vụ đi khuất sau rặng cây rồi mới tiếp tục lên đường.

Buổi trưa hôm ấy, vừa về tới cơ quan, chúng tôi đã nghe tin sét đánh: "Chính ủy Đặng Tính đã hy sinh trên đường vào Sư đoàn 968 sáng hôm nay".

Không một ai trong chúng tôi tin đó là sự thật. Chiều hôm qua, Chính ủy còn nhờ người cắt tóc. Sáng nay, trước lúc lên đường, Chính ủy còn tạt vào Ban 5 bắt tay và chào tạm biệt anh em hậu cần. ông nói cười vô cùng vui vẻ. Ai cũng quý đức tính xởi lởi, thân thiện và gần gũi của Chính ủy. Chúng tôi được biết, đây là chuyến đi công tác cuối cùng trên cương vị là Chính ủy 559. ông đã được lệnh trở ra Hà Nội để nhận trọng trách mới cao hơn ở Tổng cục Chính trị. Thế mà...

Pặc Soòng, một thị trấn quan trọng, án ngữ cửa ngõ vào thị xã Chăm-pa-sắc Nam Lào. Thị trấn này vừa được lực lượng của Sư đoàn 968 giải phóng. Sáng nay, trên đường vào Pặc Soòng, Chính ủy Đặng Tính đã mời Chính ủy Nguyễn Văn Bình lên ngồi cùng chiếc xe với ông để tiện trao đổi công việc. Ngồi cùng xe với Chính ủy còn có Cục phó Cục Công binh 559 và nhạc sĩ Trịnh Quý, văn công Trường Sơn. Một chiếc xe Zin 130 chở lực lượng bộ binh do anh Nguyễn Kiên, Trung đoàn phó Trung đoàn 39 của sư đoàn chúng tôi đi trước bảo vệ. Xe của Chính ủy đi sau. Thật không may, bánh chiếc xe của Chính ủy Đặng Tính đã đè trúng một quả mìn chống tăng mà địch đã cài trên con đường vào cửa ngõ thị trấn. Năm người ngồi trên chiếc xe Gát 69 đều hy sinh. Hôm ấy là trưa ngày 3-4-1973...

Thế là tôi không bao giờ còn có cơ hội gặp lại Chính ủy "Bình bạc" nữa rồi. Nụ cười, mái đầu bạc trắng và những câu chuyện nói vội là những gì đọng lại trong tôi về ông. Mới đó mà bây giờ đã trở thành kỷ niệm.

PHẠM THÀNH LONG