Vào những ngày cuối thu trời se lạnh, tôi có dịp trở lại thăm đơn vị cũ-Đoàn công binh Sông Đà H29-đơn vị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Không riêng gì tôi mà hầu hết anh chị em cựu binh dù ở cương vị nào trở về thăm đơn vị, đều được các đồng chí lãnh đạo đoàn H29 đón tiếp ân cần, nồng hậu. Trong bữa cơm thân mật tối hôm đó, đồng chí Nguyễn Văn Kiệm-Đại tá, chỉ huy trưởng của đoàn bộc bạch: "Xin giới thiệu với các anh mấy món ăn trong bữa cơm: thịt lợn luộc, canh cá, rau muống xào… đều là sản phẩm do bàn tay cán bộ, chiến sĩ tăng gia". Anh gắp thức ăn cho chúng tôi: "Bếp ăn cơ quan đoàn cũng như bếp ăn các đại đội, đều bảo đảm định lượng và chất lượng. Nếu đồng chí Minh còn thời gian, mời đồng chí ở lại vài hôm thăm doanh trại, khu tăng gia…".
Lâu lắm mới lại được ăn bữa cơm lính ở chính đơn vị cũ của mình, những kỷ niệm ba, bốn mươi năm về trước tự nhiên ùa về trong tôi. Những bữa cơm ngắt quãng giữa những đợt bom pháo địch ở Quảng Trị, những bữa cơm chỉ loáng thoáng rau rừng, thịt hộp dưới trời mưa rừng Lào… những bữa cơm gắn với những chiến công mở đường thắng lợi…
Mới đó mà đã hơn 30 năm trôi qua. Sáng nay đúng hẹn, đồng chí Đạt-trung tá, chủ nhiệm hậu cần đã dẫn tôi đi khắp một lượt thăm doanh trại, nơi ăn, chốn ở của cán bộ, chiến sĩ và khu tăng gia… Dãy nhà 3 tầng cao sừng sững-là nơi làm việc của các phòng, ban và lãnh đạo đoàn nằm trên sườn đồi cao nhất của toàn khu vực. Bên những sườn đồi thấp, được san bằng thoai thoải là các dãy nhà 2 tầng của 3 tiểu đoàn và các đại đội. Phía trước mặt doanh trại các đại đội là sân bóng rổ, bóng chuyền, xà kép, xà đơn… Từ cổng doanh trại đi vào, một con đường bê tông uốn lượn vòng vèo chạy quanh khu vực doanh trại. Dọc hai bờ con đường là những hồ ao cá và các bãi trồng rau cung cấp đủ lượng rau cho các bếp. Đồng chí Đạt cho biết: "Theo tiêu chuẩn, đơn vị quy định: mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu 35 cân thịt lợn hơi trong năm. Lợn giống đơn vị cung cấp; khi lợn trong chuồng đạt tiêu chuẩn lợn thịt, các bếp đại đội sẽ chuyển lên lò mổ của đoàn để phân bổ; sau đó được nhận về số thịt cần thiết. Cũng như lượng cá nuôi trong các ao, sau khi đại đội thu hoạch nhập lên bếp đoàn để phân trở lại. Lượng cá cũng như thịt lợn thừa tiêu chuẩn, bếp đoàn sẽ bán ra ngoài, giao tiền trở lại cho bếp đại đội để đơn vị tự mua thêm thức ăn ngoài như trứng… bảo đảm định lượng thức ăn hằng ngày cho chiến sĩ…". Tuy đồng chí Đạt không nói ra nhưng qua tìm hiểu và chứng kiến, chúng tôi được biết, đơn vị xứng đáng dẫn đầu binh chủng trong phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện bữa cơm hằng ngày…
Biết tôi có cháu trai đầu tháng 10 vừa rồi là lớp chiến sĩ mới được biên chế vào đại đội 2, tiểu đoàn 1 của đoàn; anh đã dẫn tôi xuống gặp đồng chí Thịnh, đại úy, chính trị viên đại đội để thăm cháu, kết hợp xem xét cụ thể nơi ăn, chốn ở… của chiến sĩ. Là những người cha, người mẹ, người bác, chúng tôi không khỏi xúc động và mừng vui khi đến thăm con cháu mình, tận mắt nhìn bếp ăn, được ăn chung mâm cơm chiến sĩ. Tưởng rằng trong bữa cơm, thức ăn sẽ không được đầy đủ như ở nhà song cháu nào cũng khen ăn ngon và ăn hết phần cơm vì các bữa ăn chính trưa và tối luôn được các anh chị nuôi quân thay đổi món ăn: khi thì cá kho, thịt luộc, rau, khi thì đậu phụ, nem rán… Tôi đã cùng ăn chung bữa cơm trưa không hẹn trước với con tôi và bốn chiến sĩ. Thức ăn trong đĩa i-nốc chia cho mỗi khẩu phần đang còn bốc hơi. Thức ăn thì riêng, còn cơm và canh rau để chung. Đĩa thức ăn bữa ấy gồm có trứng rán, nem rán, rau luộc, bên bàn còn chậu canh. Bữa chiều có thịt lợn luộc, cá kho và canh rau mồng tơi nấu với cua đồng. Cán bộ trung đội, đại đội cùng ăn chung mâm chiến sĩ vì tiêu chuẩn định suất đều như nhau. Sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi cùng đồng chí Thịnh đi thăm từ bếp ăn đại đội, bể tắm giặt, khu vệ sinh cao ráo, sạch sẽ rồi đến phòng ngủ của các chiến sĩ, tất cả đều thoáng rộng, mát mẻ… Mỗi phòng ngủ trung đội được trang bị hai quạt máy, hai xô múc nước và một chậu giặt. Các chiến sĩ được nằm giường tĩnh điện do Tổng cục Hậu cần cung cấp… Đồng chí Thịnh cho biết: "Hôm đầu, phần lớn các cháu vào đây, nếp sống hằng ngày rất luộm thuộm. Nhưng chỉ qua vài ngày được rèn luyện, hầu hết các cháu đã tiến bộ rất nhiều: đầu giường, chăn, màn được xếp gọn gàng, vuông vắn; cuối giường dép, giày sau khi đi luyện tập và sinh hoạt về đều được để ngay ngắn vào vị trí… Hằng tuần, ngoài những tối bố trí sinh hoạt đại đội, xem ti-vi, đọc báo… đơn vị còn tổ chức đêm giao lưu ca nhạc hoặc chiến sĩ tự hát cho nhau nghe. Điều đó đã tăng thêm niềm vui, hăng say giúp chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà…".
Sáng nay, trước khi tạm biệt, tôi đã đi vòng lại một lần nữa thăm nhà truyền thống, hội trường doanh trại, khu tăng gia và vườn thuốc nam của đoàn. Đứng trên đồi cao nhìn phía xa xa, dọc theo những sườn đồi nằm trong khu vực của đoàn là những lùm cây bương, vầu xanh ngút mắt, cùng các hàng cây ăn quả tỏa bóng râm mát xuống các hồ cá và đường đi lối lại. Tôi được biết, đơn vị đã đưa giống về trồng, vừa thu hoạch măng cải thiện thêm bữa ăn, vừa sử dụng những cây bương, vầu già làm cột, đan giàn để trồng mướp, bầu bí… Hàng trăm búp măng bậm bạp, nhu nhú xẻ đất vươn lên. Lúc này tôi liền nghĩ đến lớp chiến sĩ trong đó có bao em là học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12, khuôn mặt, dáng đi còn non trẻ như con tôi. Nhưng tôi tin môi trường quân đội sẽ là mảnh đất tôi luyện thế hệ trẻ trở thành những công dân, cán bộ quân đội có đủ năng lực và đạo đức để phục vụ Tổ quốc. Chắc rằng thế hệ trẻ tiếp nối khi bước chân vào đơn vị được đọc lại những dòng lịch sử Đoàn Công binh Sông Đà sẽ tự hào về lớp người đi trước. Cũng như lớp cha anh đi trước đây, lớp trẻ hôm nay đã được quân đội nuôi dưỡng từ những bữa cơm, bước đi một-hai ban đầu của người chiến sĩ.
Hà Nội-Bắc Ninh, tháng 10 năm 2007
TRƯƠNG ĐÌNH MINH