Có mặt tại Tiểu đoàn 1, chúng tôi cảm nhận rất rõ hiệu quả, ý nghĩa của việc “giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống” cho bộ đội thời gian vừa qua, như Thiếu tá Trịnh Ngọc Vinh, Chính trị viên tiểu đoàn giới thiệu: “Chiến sĩ nhập ngũ năm 2020 của đơn vị đến từ nhiều miền quê, trình độ học vấn không đồng đều, hầu hết có độ tuổi còn rất trẻ, họ đều nhiệt huyết nhưng cái thiếu nhất là kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và “sức đề kháng” với văn hóa xấu độc. Chính vì vậy, điều đầu tiên đơn vị trang bị cho họ là những kiến thức cơ bản, giúp bộ đội hiểu được quan hệ ứng xử trong tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng đội với nhau, cũng như lúc tiếp xúc, ứng xử với nhân dân khi đi dã ngoại làm công tác dân vận. Mặt khác, giúp định hướng nhận thức và hành động đúng cho mỗi quân nhân, nâng cao mối đoàn kết trong đơn vị, cảnh giác, tránh xa văn hóa xấu độc”.

Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho chiến sĩ ở Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 395).

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng cảnh quan môi trường, nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập của đại đội, Thiếu úy Trương Đình Kiên, Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, cho biết: “Thời gian qua, công tác giáo dục thường xuyên nói chung, kỹ năng sống nói riêng từ trung đoàn xuống đại đội luôn được cấp ủy, người chỉ huy, cán bộ chính trị quan tâm đúng mức và tổ chức thực hiện có nền nếp, chất lượng, nghiêm túc, chặt chẽ. Với nội dung cụ thể, tỉ mỉ, cách truyền đạt gần gũi từng bước giúp bộ đội thích ứng, giải quyết tốt các tình huống trong hoạt động thực tiễn môi trường quân sự, thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát đối tượng như việc lồng ghép bồi dưỡng kỹ năng sống vào sinh hoạt, giáo dục của chi đoàn tối thứ tư hằng tuần hay trên bảng tin, truyền thanh nội bộ, tọa đàm, diễn đàn của đơn vị”.

Quá trình bồi dưỡng kỹ năng sống còn giúp bộ đội được trang bị kiến thức cần thiết, phù hợp. Nhờ đó, 100% cán bộ, chiến sĩ có lối sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa. Hiệu quả của việc làm này còn giúp trận địa chính trị, tư tưởng của trung đoàn luôn được giữ vững và không ngừng củng cố, phát huy; tinh thần đoàn kết, tình thương yêu đồng chí, đồng đội được lan tỏa, hướng vào thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Chiến sĩ Giang Thanh Bách (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1) phấn khởi cho biết: “Kỹ năng sống mang đến cho chúng tôi rất nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào hoạt động của bản thân trong quá trình học tập, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ. Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ như cách xưng hô, chào hỏi ngày còn ở nhà thường không chú tâm, có khi nói trống không, ăn cơm vừa ăn vừa nói, tóc thì lúc dài lúc cắt trọc; rồi chuyện ăn, ngủ tùy tiện, không theo thời gian biểu rõ ràng… đến khi vào đơn vị, thực hiện giờ nào việc đó đã rèn luyện cho chúng tôi thói quen sinh hoạt khoa học, sức khỏe dẻo dai, ứng xử đúng mực. Giờ đây chúng tôi thấy mình chững chạc hơn nhiều so với trước lúc nhập ngũ”.

Trung tá Tạ Minh Phương, Chính ủy Trung đoàn 2 khẳng định: “Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn xác định, công tác “giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống” cho bộ đội là khâu căn bản, có tác động lớn đến việc hoàn thiện và phát triển nhân cách quân nhân, đồng thời góp phần định hướng nhận thức đúng đắn cho bộ đội trong các hoạt động quân sự đặc thù, tạo sự đồng thuận cao về tư tưởng, hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị”.

Bài và ảnh: VĂN SỨC - ĐÀO HIỆP