QĐND Online- Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 34 thành lập các cơ quan trọng yếu của Bộ Quốc phòng, trong đó có Quân nhu Cục-tiền thân của Cục Quân nhu ngày nay. 66 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của quân đội, ngành quân nhu đã có bước trưởng thành vượt bậc, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm quân nhu, nuôi dưỡng bộ đội. Nhân dịp này, chúng tôi có bài phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, Cục trưởng Cục Quân nhu, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa Cục trưởng, những ngày mới thành lập, việc bảo đảm quân nhu, cung cấp, tiếp tế, nuôi dưỡng bộ đội buộc phải tính toán từng đồng xu, bát gạo, ông có thể nhắc lại giai đoạn lich sử này?
Thiếu tướng Phạm Tiến Luật: Đúng là ở những ngày đầu, trong lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ thì chúng ta gặp vô vàn khó khăn. Quân nhu cũng vậy, lực lượng ban đầu vừa mỏng, vừa phân tán. Song, ngành vẫn phải tiến hành thu mua lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn và chế tạo các loại quân trang cho bộ đội.Thế nhưng, công tác nuôi quân đã góp phần để quân đội non trẻ giành chiến thắng bởi luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Lúc ấy, ngành Quân nhu đã nhanh chóng triển khai nhiều hình thức hoạt động nhằm khai thác nguồn cung cấp từ nhân dân. Nhiều phong trào đã được các tầng lớp nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Chẳng hạn phong trào “Mùa đông binh sĩ”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Áo ấm chiến sĩ”, “Tuần lễ vàng”…đã huy động được khối lượng lớn về lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo và tài chính để cung cấp cho quân đội. Ngày ấy, ngành quân nhu không chỉ bảo đảm ăn, mặc cho các bộ phận nhỏ lẻ mà đã cùng với các bộ phận khác của ngành Hậu cần Quân đội bảo đảm kịp thời, đầy đủ, vật chất quân nhu cho quân đội ta chiến đấu và giành thắng lợi ở nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch mà tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
 |
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và các đại biểu tham quan bếp lò hơi
(ảnh: Hoan Huyền )
|
Tôi cũng xin nói luôn, giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau này, dù nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
PV: Thế còn giai đoạn sau này, khi đất nước hòa bình, đổi mới thì sao?
Thiếu tướng Phạm Tiến Luật: Đất nước chuyển mình, nhiệm vụ cũng khác hơn, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ, ngành Quân nhu luôn hoàn thành tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng và TCHC; đồng thời thực hiện chức năng quản lý đầu ngành về công tác bảo đảm ăn, mặc và TGSX, tập trung chỉ đạo toàn quân kịp thời chuyển đổi phương thức bảo đảm theo cơ chế mới, thực hiện phân cấp hợp lý, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cấp và thế mạnh trên từng địa bàn đóng quân để khai thác tạo nguồn vật chất quân nhu tại chỗ, trên các khu vực phòng thủ. Tích cực triển khai thực hiện sâu rộng phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, gắn với các nội dung thi đua của ngành. Qua một thời gian triển khai các phong trào thi đua và đặc biệt là từ khi thực hiện phong trào “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” công tác bảo đảm ăn cho bộ đội đã có bước chuyển biến tiến bộ về mọi mặt, đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện. Việc bảo đảm mặc cho bộ đội cũng vậy, từ chỗ mặc lành, mặc ấm, tiến tới mặc đẹp trong điều kiện quân đội, đất nước đang hội nhập tích cực.
PV: Thưa Cục trưởng. Rõ ràng, quân đội ta đã có bước tiến vượt bậc trong đảm bảo ăn, mặc. Điển hình là việc mang mặc theo hướng chính quy, hiện đại, phù hợp xu thế hội nhập?
 |
Thiếu tướng Phạm Tiến Luật |
Thiếu tướng Phạm Tiến Luật: Với quan điểm bám sát thực tế hoạt động của bộ đội, ngành đã tích cực nghiên cứu trang phục cho phù hợp với từng quân, binh chủng trong từng giai đoạn. Điển hình như: quân trang chiến sĩ K03, quân trang sĩ quan K08, quân trang Nghi lễ, quân trang Biên phòng cửa khẩu; quân trang kiểm soát quân sự chuyên nghiệp; quân trang cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu; quân trang cho lực lượng chống khủng bố; quân phục dã chiến; mũ dã chiến và làm nhiệm vụ A2… chất lượng, mầu sắc không ngừng được cải tiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.
Đặc biệt trong đợt rét vừa qua, ngành quân nhu đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất và tổ chức sản xuất hàng loạt quân trang chống rét (túi ngủ, tấm đắp, đệm nằm, mũ ấm, găng tay, áo khoác choàng 5 lớp…) cho bộ đội các đơn vị vùng núi cao phía Bắc chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt. Những cố gắng đó của ngành Quân nhu đã góp phần để bộ đội giữ sức khỏe tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Cũng cần nói thêm, công tác nuôi dưỡng bộ đội ngày càng cải thiện rõ rệt. Ngoài tiêu chuẩn, chế độ ăn tăng lên, công tác TGSX cũng đã tạo nên nguồn thu lớn về lương thực, thực phẩm, làm phong phú thêm bữa ăn của bộ đội. Gần đây, thực hiện chủ trương “Xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội” của Bộ Quốc phòng, nhiều mô hình đơn vị đang triển khai công việc này. Kết quả ban đầu là rất đáng ghi nhận, dù đây là việc làm mới mẻ. Xã hội hóa nhưng phù hợp với tình hình đơn vị, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe và đặc biệt là không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của bộ đội. Có thể khẳng định rằng, xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội là hướng đi đúng, bước đầu đã thành công trong việc tổ chức thực hiện. Đây chính là cơ sở để chúng ta nhân rộng mô hình.
 |
Đồng chí Lê Hữu Đức (thứ ba từ phải sang) Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Chủ nhiệm TCHC (ngoài cùng bên trái) kiểm tra mẫu sản phẩm quân trang chống rét ( sản xuất tháng 11-2011) Ảnh: Hoan Huyền |
Có thể khẳng định thế này, suốt 66 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Quân nhu Quân đội ta đã nêu cao tinh thần phục vụ, phát huy tốt truyền thống vẻ vang, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, bằng tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, đã cùng nhau chung sức, đồng lòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm, nuôi dưỡng bộ đội. Đó là cơ sở để toàn ngành nói chung, Cục Quân nhu nói riêng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng, Cục trưởng!
66 năm qua, ngành Quân nhu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quí: danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới”; 05 Huân chương Quân công hạng 2 và hạng 3; 75 Huân chương Chiến công hạng 1, hạng 2 và hạng 3; 02 Huân chương Lao động hạng 2 và hạng 3; có 9 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động; Công trình nghiên cứu bảo đảm ăn phục vụ bộ đội trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và công trình “Trồng cây che chắn, cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa” đã được tặng giải thưởng Nhà nước. Năm 2011 Cục Quân nhu được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công hạng nhì vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và bảo đảm quân trang chiến sĩ K03 và quân trang sĩ quan K08; 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị 5 năm (2005 - 2010) góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Trung Kiên (thực hiện)