QDDND Online – Trận đầu xuất kích, phi công Nguyễn Nhật Chiêu (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ) bị đối phương "đo ván”. Không nản chí, ông tiếp tục rèn luyện để nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật. Sau đó không lâu, ông đã giành được những chiến công vang dội, có trận tiêu diệt liền 2 máy bay địch…

Trận đầu ra quân bị đối phương “đo ván”...

Nguyễn Nhật Chiêu, người con của xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương sinh năm 1934. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn 159-Quân khu Việt Bắc.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được cử về học bổ túc tại trường văn hoá của Bộ Tổng tư lệnh và học xong chương trình trung học phổ thông sau 2 năm, từ 1954 đến 1956.

Ngày 25-8-1956, ông về tập trung tại Bộ Quốc phòng, nhận nhiệm vụ đi học lái máy bay ở nước ngoài. Đêm đó, Nguyễn Nhật Chiêu và đồng đội được Bác Hồ đến động viên. Người dặn dò rằng: “Lần này các cháu lên đường bằng ô tô, tàu hoả. Nhưng sau này các cháu sẽ lái được chiến đấu cơ phản lực về nước”.

“Kỷ niệm về lần đầu được gặp Bác Hồ và những lời dặn dò của Người theo tôi đến tận bây giờ, cho dù 56 năm đã trôi qua”, ông Chiêu tâm sự.

Anh hùng phi công Nguyễn Nhật Chiêu với phút giây nhớ về những trận không chiến gay cấn, quyết liệt năm nào.

Đoàn học viên xuất phát ngay đêm hôm đó từ ga Hàng Cỏ. Sau 5 ngày, đoàn đến nước bạn. Tại đây họ được huấn luyện trên 4 loại máy bay là IAK-11, IAK-18, Mig 15 và Mig 17.

Được huấn luyện cơ bản, nên tuy mới tốt nghiệp, song Nguyễn Nhật Chiêu và các phi công Việt Nam có thể bay trong đội hình lớn và bay các bài phức tạp.

Trong đoàn bay ngày ấy, Nguyễn Nhật Chiêu và Phạm Ngọc Lan được biết đến là những cánh bay đầu đàn.Ngày 6-8-1964, ông và đồng đội được lệnh về nước. Gần một năm sau, ngày 17-6-1965, ông xuất kích trận đầu tiên.

Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, biên đội gồm các phi công Lâm Văn Lích, Cao Thanh Tịnh, Lê Trọng Long, Nguyễn Nhật Chiêu nhận lệnh đánh chặn tốp máy bay địch trên bầu trời tỉnh Ninh Bình. Xuyên mây lên, Nguyễn Nhật Chiêu bị máy bay địch trực sẵn trên không lao vào công kích. Thấy một chiếc F-4 vọt lên trước mình, ông vứt thùng dầu phụ, bám theo bắn một loạt đạn. Tiếc thay, đạn không trúng mục tiêu.

Mải đuổi theo địch, ông bị một máy bay từ hướng khác phóng liền hai quả tên lửa khiến máy bay của ông trúng đạn, bốc cháy. Ông kịp bật dù thoát hiểm và “đáp” xuống khu rừng Cúc Phương, nằm trên địa phận huyện Yên Thuỷ (Hoà Bình). Sau 3 ngày lần mò tìm lối ra giữa bốn bề núi đá tai mèo-trong khi bị thương nặng ở đầu, mắt và chân- ông được nhân dân địa phương cứu sống…

Một lần xuất kích, diệt gọn 2 máy bay F-4

Tuy trận đầu ra quân bị đối phương “đo ván”, song Nguyễn Nhật Chiêu không chùn bước mà vẫn ham bay, say tập. Ngày 20-9-1965, ông lại tiếp tục xuất kích.

Đại tá, anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu nhớ lại: “Nhận lệnh, tôi cùng các anh Phạm Ngọc Lan, Trần Văn Trì, Nguyễn Ngọc Độ xuất kích, đánh chặn máy bay địch từ biển bay vào khu vực Đông Bắc Thái Nguyên. Sau khi vòng qua dãy Tam Đảo, bay thẳng về hướng Bắc, biên đội phát hiện một tốp 4 chiếc F-4 của địch ở trên bầu trời phía Đông tỉnh Thái Nguyên”.

Nhận lệnh công kích từ biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan, phi công Chiêu kiểm tra pháo, thấy đạn ở cả 3 khẩu đều đã lên nòng tốt.

Phi công Nguyễn Nhật Chiêu (người đứng) cùng các phi công Phạm Thanh Ngân (ngồi bên trái) và Nguyễn Văn Cốc (ngồi bên phải) sau trận đánh ngày 23-8-1967. Ảnh chụp lại.

Ngay sau đó, máy bay của ta và địch đều chui vào mây. Ra khỏi mây, khi đang tìm đội, một chiếc F-4 lù lù xuất hiện ngay trước máy bay của Nguyễn Nhật Chiêu. Tăng tốc độ lên 900km/giờ, ông điều khiển con “chim sắt” của mình bám sát mục tiêu rồi đưa “con mồi” vào vòng ngắm quang học. Ông nhấn cò, loạt đạn đầu tiên vụt ra khi mục tiêu ở cự ly 190m, nhưng đạn trượt dưới bụng máy bay địch.

Tiếp tục bám sát mục tiêu và “nhả” thêm một loạt đạn nữa, chiếc máy bay địch bùng lên như bó đuốc, tên giặc lái kịp bung dù thoát thân.

“Sau đó tôi được biết, ngay khi tiếp đất, tên phi công địch đã bị quân và dân ta bắt sống”, Đại tá Chiêu cho hay.

14 giờ ngày 23-8-1967, biên đội Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Cốc được lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc, chặn đánh tốp máy bay địch đang tiến vào vùng trời của ta, nhiều khả năng chúng sẽ đánh phá kho xăng Đức Giang, ga Đông Anh, nhà máy Điện Hà Nội.

“Bên phải 30 độ, độ cao 5000, mục tiêu xuất hiện”, đang trên đường bay hướng về phía Tây Hà Nội, biên đội nhận được thông báo từ sở chỉ huy.

Ngay lập tức, Nguyễn Nhật Chiêu nhìn sang bên phải, liền thấy rất nhiều máy bay F-4, F-105 của địch. Mừng rơn, ông “chọn phần” cho mình là một chiếc F-4.

“36 xin phép công kích”- Chiêu xin phép và được sở chỉ huy nhất trí. Đẩy tốc độ lên 1.200km/giờ, hạ thấp độ cao, ông “khoá” chặt đuôi địch.

Trước mắt ông, mục tiêu lớn dần, đến khi hệ thống máy tính báo máy bay địch đã vào vùng sát thương, ông lập tức ấn nút phóng tên lửa, máy bay địch bốc cháy dữ dội. Gần như ngay sau đó, phi công Nguyễn Văn Cốc cũng diệt gọn một chiếc khác.

Tiếp tục quan sát, Chiêu lại thấy một tốp máy bay địch ngay phía trước. Tiếp cận, đưa địch vào vòng ngắm, ông tiếp tục nhấn nút phóng tên lửa, thêm một chiếc F-4 bốc lửa, chúi đầu xuống đất.

“Sở dĩ ta thắng đậm như vậy bởi máy bay ta ở hướng mặt trời, cộng với mục tiêu của ta nhỏ và bay tốp nhỏ nên địch khó phát hiện; tốc độ, độ cao của ta đều lớn hơn địch; thêm nữa, các số 1 và 2 của ta đều phát hiện được địch”- Ông Chiêu khiêm tốn lý giải về chiến thắng giòn giã năm xưa.

Bài, ảnh: Thành Đông