QĐND - Từ tháng 11-1946, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài.
Quân Pháp cũng đã nhìn ra vị trí chiến lược của Việt Bắc nên đã ráo riết chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc". Kế hoạch tiến công Việt Bắc của quân Pháp chia làm 2 bước. Bước 1, tiến công đánh chiếm khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới bằng cách nhảy dù đánh tập hậu vào các khu vực này. Sau đó hình thành hai "gọng kìm" bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc. "Gọng kìm" thứ nhất trên hướng Đông dài 420km dọc theo trục lộ số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng sau đó ngoặt xuống Bắc Cạn, kẹp chặt phía Đông của Việt Bắc. "Gọng kìm" thứ hai trên hướng Tây dài 250km theo hướng sông Hồng, sông Lô, Việt Trì, Tuyên Quang và Quốc lộ số 2 đánh quặp lại. Bước hai của kế hoạch là quân Pháp sẽ tập trung sức mạnh tối đa tìm diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Minh, diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc.
Sáng 7-10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn sau đó là Chợ Đồn và gặp Tiểu đoàn 49 (Trung đoàn 72) của ta, nhưng ta chỉ giao chiến qua loa rồi rút. Đến đêm 7-10, ta tăng cường lực lượng về Bắc Cạn, điều chỉnh kế hoạch chiến đấu để giành thế chủ động. Từ ngày 8-10, ta thực hành đánh quấy rối tiêu hao sinh lực địch. Trên hướng Đông, do ta đã phá nát đường, nên cơ giới của địch hầu như không còn tác dụng. Một mặt, ta tổ chức hàng loạt các trận phục kích cấp đại đội để chặn địch, từng bước vô hiệu hóa "gọng kìm" phía Đông. Vì thế đến ngày 11-10, quân địch mới tới được Cao Bằng, trong khi đó lực lượng nhảy dù ở Bắc Cạn-Chợ Đồn đã bị ta cô lập. Ở hướng Tây, địch phải tiến công dè dặt do bị đánh chặn liên tục trên các con sông.
Quân ta nhận thấy việc bảo đảm hậu cần là điểm yếu của quân Pháp, nên tập trung đánh mạnh trên sông Lô và đường số 4, phá giao thông vận tải tiếp tế, làm “vườn không nhà trống” triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch. Đến ngày 22-10, quân địch vẫn không thể khép được "gọng kìm" cấp binh đoàn (dự kiến khép vào ngày 13-10). Việc hợp điểm tiến công ở Đài Thị cũng không thể thực hiện được do địch phải căng kéo lực lượng để đối phó với các trận vận động chiến của ta. Như vậy, cả hai "gọng kìm" của bước 1 trong “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” của địch coi như bị bẻ gãy. Bước 2 của chiến dịch, quân Pháp không thực hiện được mục tiêu của cuộc hành quân nên rút dần khỏi Việt Bắc. Ta bám nắm địch chưa tốt nên bỏ lỡ thời cơ truy kích địch, chỉ đánh được một số trận phục kích. Đến ngày 22-12-1947, quân Pháp mới về đến Hà Nội. Trong Chiến dịch Việt Bắc, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 6000 tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn, làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân Pháp, bảo toàn và phát triển được bộ đội chủ lực của ta.
TRẦN VŨ