Nghệ thuật quân sự Việt Nam có một bề dày lịch sử với những chiến công lừng lẫy mà mỗi khi nhắc đến, chúng ta có quyền tự hào. Nghệ thuật ấy được hình thành, qua thực tiễn chiến tranh kiểm nghiệm, thử thách và được các thế hệ nối tiếp nhau kế tục, bổ sung và phát triển không ngừng sáng tạo. Là vị tướng “Trăm trận lẫy lừng gương trí dũng”, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo còn là nhà nghiên cứu khoa học quân sự uyên bác với hàng chục đầu sách góp phần làm phong phú kho tàng lý luận quân sự của nhân dân và quân đội ta. Một trong những tư tưởng xuyên suốt trong tư duy của ông đó là “Mưu-Kế-Thế-Trận”. Bài viết này xin khái lược lại những tư tưởng chính đó đã được ông đúc kết.

Mưu kế. Nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật trọng dùng mưu trong tác chiến. Mưu kế tác chiến là những phương sách, biện pháp và bước đi nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường, buộc địch phải chấp nhận tác chiến ở nơi nào và vào lúc ta mong muốn, phải hành động theo phương án ta dự kiến, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch và thực hiện thắng lợi ý đồ tác chiến đã đề ra. Mưu kế tác chiến được vận dụng trong tác chiến chiến lược, chiến dịch và trận chiến đấu với quy mô và biện pháp khác nhau. Mưu kế tác chiến được vận dụng trong mối quan hệ mật thiết với các yếu tố khác của nghệ thuật tác chiến: Dùng mưu kế để lập thế trận, cài thế ta, phá thế địch; để sử dụng lực lượng hợp lý, tiết kiệm mà đạt hiệu quả cao; để vận dụng cách đánh táo bạo, hiểm hóc; để dẫn dắt tình huống tác chiến diễn biến theo ý định của mình, để tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định. Mưu hay, kế giỏi là phải lừa được địch và điều khiển được địch. Cho nên mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch. Trong tác chiến, phải chú ý “Tương kế, tựu kế”, tức là biết rõ và lợi dụng mưu kế của đối phương để lập ra kế của mình đánh lại chúng. Binh pháp đã viết “Người giỏi việc binh lừa người mà không bị người lừa”. Dùng mưu của mình để lừa địch đã là giỏi nhưng dùng kế của địch để đánh địch, lấy “Gậy ông để đập lưng ông” thì càng tinh vi, hiểm hóc hơn. Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ là một ví dụ về tương kế, tựu kế. Quân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nhằm thu hút chủ lực ta đến để tiêu diệt. Biết kế của địch, Bộ chỉ huy tối cao của ta đã mở cuộc tiến công trên những hướng sơ hở của địch ở Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên, buộc Pháp phải tung lực lượng cơ động chiến lược ra... thế là ta đã lợi dụng được kế của địch để phân tán chủ lực và giam chân chúng trên nhiều hướng, từ đó tạo thời cơ tập trung lực lượng vào chiến trường chính do ta lựa chọn để tiêu diệt lớn quân địch.

Thế và thế trận. Thế trong quân sự là tổng thể các mối quan hệ tạo thành điều kiện và xu thế vận động, phát triển của các bên tham chiến. Trong tác chiến có thế chủ động và thế bị động, thế tiến công và thế phòng ngự, thế bao vây chia cắt và thế bị vây hãm, bị cô lập, thế phát triển và thế suy thoái... Tổng hợp các thế đó tạo thành thế mạnh và thế yếu, thế thắng và thế thua. Thế không hình thành, phát triển một cách tự nhiên mà do nỗ lực của các bên tham chiến tạo ra. Lập thế ta, phá thế địch, giành thế lợi về mình, hãm đối phương vào thế bất lợi luôn là mục tiêu hành động của mỗi bên trong quá trình tác chiến. Với đặc điểm luôn phải lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, nghệ thuật quân sự Việt Nam đánh giặc bằng cả lực và thế, nhưng đặc biệt coi trọng việc lập thế ta, phá thế địch, đồng thời vận dụng sáng tạo mối quan hệ giữa thế và lực, để đưa cả lực và thế của ta ngày càng phát triển, làm cho thế và lực của địch ngày càng suy yếu.

Thế trận có quan hệ mật thiết với mưu kế. Lập thế trận là để thực hiện mưu kế, thế trận hàm chứa mưu kế, đồng thời lại dùng mưu kế để lập thế trận và chuyển hóa thế trận. Thế trận chuyển hóa hàm chứa mưu kế mới và mưu kế mới lại tạo ra thế trận mới... Mùa xuân năm 1975, ta đã dàn thế trận căng địch ra hai đầu để đánh trận mở đầu ở Tây Nguyên, từ đó làm đảo lộn hoàn toàn thế trận của địch, tạo thế phát triển đột biến cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đúc kết thành 4 yêu cầu chung cần phải nắm vững về thế trận: Đó là thế trận phải kết hợp được nhiều thế để tạo ra thế lợi tối đa; Thế trận phải vững chắc, cơ động, có thể chuyển hóa thuận lợi và mau lẹ; Thế trận cần hiểm hóc, phức tạp; Thế trận phải đạt được tính thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển giữa chiến lược, chiến dịch và chiến đấu.

Mưu-Kế-Thế-Trận là những vấn đề cốt tử mà người cầm quân cần phải tính toán. Thực tế lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh cho bài toán “Mưu-Kế-Thế-Trận” được sắp đặt, giải quyết linh hoạt, sáng tạo ở nhiều trận đánh, nhiều cấp độ khác nhau từ chiến thuật đến chiến lược luôn phát huy tốt bài học lập mưu, tạo kế, xây thế, đánh trận để giành chiến thắng trước mọi kẻ thù.

HẢI LINH (lược thuật)