QĐND - Đối với quân và dân Ninh Thuận, trận chiến thắng quân Pháp bằng bẫy đá Pi-năng Tắc (năm 1961) là minh chứng cho tính tất thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa, lấy thô sơ thắng hiện đại của đồng bào Rắc Lây nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
 |
Mô hình bẫy đá Pi-năng Tắc được trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
|
Khoảng giữa năm 1954, lực lượng của ta ở Ninh Thuận phát triển mạnh mẽ, tiến công tiêu diệt nhiều đồn bốt địch, nhiều vùng nông thôn được giải phóng. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Nhận thấy thực dân Pháp ngày càng suy yếu, đế quốc Mỹ từng bước thực hiện chính sách xâm lược, mưu đồ thống trị miền Nam Việt Nam và Đông Dương. Bước đầu thực hiện chiến lược đó, chúng đẩy mạnh tàn sát những người yêu nước. Ở căn cứ Bác Ái, Ninh Thuận, địch hạ quyết tâm bóp chết phong trào cách mạng. Giữa năm 1957, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “thượng du vận” nhưng thất bại, chúng chuyển hướng mở các đợt càn quét các căn cứ lõm, vùng sâu để vây hãm, đánh phá cơ sở cách mạng ta.
Trước tình hình đó, đồng chí Pi-năng Tắc - một chiến sĩ cách mạng người Rắc Lây đã kịp thời vận động, giáo dục đồng bào đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu theo cách đánh truyền thống. Ông chủ động nghiên cứu thực địa, nắm chắc tình hình rồi kết luận: Địch từ đồng bằng muốn lên Phước Bình (Bác Ái) thì phải đi qua con đường độc đạo duy nhất. Ông chọn một khúc đường hiểm trở thuộc địa bàn xã Phước Bình lập thế trận phục kích.
Pi-năng Tắc bố trí người chặt cây, lấy dây rừng bện thành sàn gỗ rộng, rồi chất đầy đá núi; khi giặc đi qua, chọn thời cơ phù hợp thì chặt dứt dây treo, đá từ trên núi sẽ đổ lăn xuống đường tiêu diệt sinh lực địch. Nhờ cách sáng tạo đó, trong trận càn quét vào chiến khu Bác Ái ngày 10-8-1961, bẫy đá Pi-năng Tắc đã tiêu diệt hơn 100 tên lính ngụy hành quân lên Phước Bình. Chiến thắng làm nức lòng quân-dân cả nước, tạo nên cao trào đánh giặc bằng vũ khí thô sơ khắp chiến khu Bác Ái và vùng rừng núi duyên hải Nam Trung Bộ. Với chiến công tiêu biểu này, Pi-năng Tắc được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1965. Tưởng nhớ công lao của ông, tại TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có một con phố mang tên Pi-năng Tắc; tại huyện Bác Ái cũng có ngôi trường mang tên: Trường THPT Dân tộc Nội trú Pi-năng Tắc.
Pi-năng Tắc sinh năm 1910, tại xã Phước Thành (Bác Ái). Ngoài việc trực tiếp đánh giặc, ông còn tích cực huy động gia tộc và đồng bào tham gia cách mạng, giúp đỡ kháng chiến. Từ năm 1961-1963, người thân trong gia đình ông đã vót được 90.000 cây chông, ủng hộ kháng chiến 130 giạ bắp; nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Ông vận động 18 thanh niên đi bộ đội, trong đó có hai người con của ông.
Hiện nay, bẫy đá Pi-năng Tắc được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử kháng chiến; trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử ý nghĩa cho thế hệ trẻ. Mặc cho thời gian đã lùi xa về quá khứ hơn 50 năm, dấu tích về những bẫy đá vẫn hiện hữu sinh động, minh chứng hùng hồn về nghệ thuật chiến tranh du kích, tinh thần thông minh, sáng tạo tuyệt vời và ý chí quyết chiến của đồng bào Rắc Lây, tiêu biểu là Anh hùng LLVT nhân dân Pi-năng Tắc.
Bài và ảnh: NGÔ THANH