QĐND - Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) là cầu hàng không quan trọng của Pháp cho chiến trường Điện Biên Phủ, thường xuyên có khoảng 200 máy bay các loại, được canh phòng rất cẩn mật. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy Liên khu III hạ quyết tâm sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ điểm huyệt, đánh tê liệt “cái dạ dày”, kiên quyết ngăn chặn không cho địch tiếp vận bằng đường hàng không lên Điện Biên Phủ.
Theo kế hoạch, đội quân báo-trinh sát của Tỉnh đội Kiến An tổ chức điều nghiên nắm chắc các mục tiêu, quy luật hoạt động trong sân bay làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tác chiến.
Qua thời gian kiên trì điều tra, trinh sát, ta phát hiện: Ngoài lực lượng bảo vệ đông đảo, địch bố trí các mục tiêu bảo vệ cẩn mật, kiên cố, dày đặc; tuần tra cảnh giới chặt chẽ, có sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật và chó nghiệp vụ. Tuy nhiên, địch dùng công nhân người Việt lao động trong sân bay và tuần tra theo quy luật cố định “cứ 15 phút, địch tuần tra bằng cơ giới một lần”, đây là những điểm yếu mà ta có thể khai thác… Trên cơ sở đó, ta xây dựng phương án, đắp sa bàn và tổ chức huấn luyện thành thạo các phương án chiến đấu.
Đêm 6-3-1954, bộ đội ta tổ chức hai mũi, tổng số 32 người, bí mật tiềm nhập tập trung đánh thẳng vào khu máy bay. Khoảng 0 giờ 45 phút ngày 7-3-1954, cả hai mũi triển khai xuất phát tiến công. Trong thời gian ngắn, ta phá hủy 59 máy bay, nhiều kho bom và các mục tiêu, sân bay phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài, tạo điều kiện để bộ đội ta chuẩn bị tiến công tiêu diệt Điện Biên Phủ. Ta tổ chức trận đánh với lực lượng nhỏ, được chuẩn bị chu đáo, cách đánh mưu trí, sáng tạo đã tạo được hiệu suất chiến đấu cao. Đây là trận đánh tiêu biểu, phát triển rất độc đáo trong chiến thuật của Bộ đội Đặc công quân đội ta.
TRẦN VĂN TOẢN (Theo Lịch sử Bộ đội Đặc công)