Đo, vẽ bản đồ địa hình trên máy tính ở Trạm Đo vẽ ảnh số (Công ty Trắc địa Bản đồ Bộ Quốc phòng). Ảnh: XUÂN BÌNH

Sự phát triển và những tiến bộ mới của khoa học-công nghệ hiện đại đang được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo đảm địa hình quân sự, tạo ra các loại bản đồ số, mô hình số địa hình, không ảnh, viễn thám, hệ thống dẫn đường và định vị vệ tinh, cơ sở dữ liệu địa hình, hệ thông tin địa lý và mô phỏng... Các sản phẩm trên kết hợp với công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm địa hình trong chiến tranh công nghệ cao.

Nhờ có dữ liệu địa hình, vũ khí điều khiển có thể kiểm soát, điều khiển và hiệu chỉnh hướng đường bay trong quá trình tiếp cận mục tiêu. Các loại tên lửa hành trình (TLHT), máy bay không người lái hiện đại đều được nạp phần mềm dẫn đường, trong đó có tọa độ của mục tiêu và các dữ liệu về địa hình trên đường bay. Trong quá trình bay, chúng sẽ chụp ảnh địa hình và so sánh với dữ liệu địa hình đã nạp để điều chỉnh đường bay. Dữ liệu địa hình còn được nạp vào phần mềm của các phương tiện cơ động như ô-tô, xe tăng-thiết giáp, pháo tự hành... Cùng với bản đồ số và thiết bị nhận tín hiệu từ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, người lái hay người chỉ huy trên phương tiện có thể nhanh chóng xác định chính xác vị trí tức thời, đường đi và khoảng cách tới mục tiêu.

Dữ liệu địa hình cho phép máy bay bay tự động theo các dải địa hình khác nhau, làm cho phi công giảm căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình bay, tập trung cho những nhiệm vụ chiến đấu. Bằng các thiết bị định vị dẫn đường và bản đồ số nhỏ, gọn, người lính có thể dễ dàng tiếp cận mục tiêu cũng như được hỗ trợ thông tin về mục tiêu từ sở chỉ huy hay từ đồng đội (qua mạng truyền thông); ngược lại, sở chỉ huy cũng có thêm thông tin về mục tiêu và hành động của người lính. Dữ liệu địa hình còn là một tham số không thể thiếu trong các hệ thống tự động hóa chỉ huy hiện đại theo mô hình C3I hay IC4I. Dữ liệu địa hình được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ như: Tổ chức và lập kế hoạch các chiến dịch và các hoạt động tác chiến riêng lẻ, trong đó có kế hoạch vận tải trong thực hiện bảo đảm hậu cần - kỹ thuật; mô hình hoá hoạt động tác chiến, thiết lập hệ thống vật cản; lập kế hoạch đổ bộ đường không và các chiến dịch đổ bộ đường biển, kế hoạch yểm trợ tác chiến của bộ đội đặc nhiệm; phân chia không gian, lực lượng và phương tiện trong quá trình chiến dịch... Trong tác chiến, cùng với hình ảnh chiến trường do các phương tiện trinh sát gửi về, trên màn hình tình huống, người chỉ huy và các sĩ quan tham mưu sẽ nhanh chóng xác định được vị trí các cánh quân của mình và của đối phương để từ đó đề ra phương án tác chiến tối ưu nhất.

Các loại hệ thống kỹ thuật số hỗ trợ địa hình (DTSS) được trang bị cho quân đội Nga, Mỹ, khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO)... là phương tiện bảo đảm địa hình hiện đại nhằm nhanh chóng, kịp thời cung cấp thông tin về địa hình một cách đa dạng với độ chính xác và chi tiết cao, trợ giúp đắc lực cho các cơ quan tham mưu, cho người chỉ huy nghiên cứu đánh giá địa hình, lập các kế hoạch tác chiến và hạ quyết tâm. Quân đội các nước Mỹ, Đức và Nhật Bản đã khẳng định tính hiệu quả cao của hệ thống công nghệ mô phỏng trong huấn luyện phi công, trong tính toán của các hệ thống pháo, xe tăng và các xe chiến đấu khác. Học viên học tập trong những điều kiện mô phỏng thực tế sử dụng trong ca-bin xe chiến đấu các xảo thuật tiếng động, nhiệt độ, khí động học, các chấn rung... phù hợp với mô hình địa hình được phản ánh trên màn hình. Việc sử dụng trong các tổ hợp học tập - huấn luyện các mô hình địa hình cho phép kíp lái có cảm giác như thật ở ngoài thực địa.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh thời gian qua cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số đã đáp ứng yêu cầu về trắc địa địa hình của vũ khí, trang bị công nghệ cao; kịp thời cung cấp thông tin địa hình cho chỉ huy các cấp và tới người lính ở chiến trường; phục vụ công tác huấn luyện bằng công cụ mô phỏng... Trong chiến tranh hiện đại, yêu cầu đặt ra với công tác bảo đảm địa hình cần phải chuẩn hóa và đa dạng hóa các sản phẩm thông tin địa hình phục vụ chỉ huy các cấp, các quân binh chủng, các đối tượng sử dụng khác nhau. Các nguồn thông tin địa hình, địa lý phải được cập nhật kịp thời, chính xác, số hóa bằng các phương tiện hiện đại; đồng thời có biện pháp quản lý và bảo mật các nguồn thông tin chặt chẽ, xây dựng lực lượng chuyên môn trình độ cao để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại tá, Thạc sĩ NGUYỄN THANH BÌNH