LTS. Cơ chế mới đã tạo ra sự khởi sắc rõ nét trong đời sống kinh tế. Theo đó, số phương tiện tham gia giao thông đường bộ tăng mạnh. Theo thông tin từ UBATGT quốc gia, cả nước hiện có khoảng 17 triệu mô tô, xe gắn máy và gần 1 triệu xe ôtô. Trong quân đội có khoảng 200.000 xe môtô. Số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong khi nhận thức, ý thức của người dân, hệ thống giao thông trong cả nước lại chưa theo kịp tốc độ phát triển nên tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trên địa bàn cả nước nói chung và an toàn giao thông (ATGT) trong quân đội nói riêng đang trở thành vấn đề “nóng” làm đau đầu các cấp lãnh đạo, chỉ huy. Công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ trong quân đội đặt ra rất cấp bách. Nhân tháng "An toàn giao thông quốc gia" chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc vệt bài phản ánh thực trạng tình hình, phân tích các nguyên nhân và đề xuất một số biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trong quân đội.

Bài I: Thực trạng phức tạp và đáng lo ngại

Đằng sau những con số

Một chiến sĩ mặt cắt không còn hột máu hớt ha hớt hải chạy về đơn vị báo tin: Thượng sĩ Đặng Văn Vi bị TNGT ở đoạn đường gần chùa Hang (Thái Nguyên) nặng lắm. Thông tin ban đầu có người bảo do rượu, có người bảo do phóng nhanh, vượt ẩu… Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Chiến sĩ Đặng Văn Vi (Đoàn N75, Quân khu 1) đã mượn xe máy của dân chở hạ sĩ Nông Văn Nam cùng đơn vị đi chơi. Do tránh vượt sai quy định nên xe của Vi và một chiếc xe máy chở 3 người dân đi ngược chiều đã đâm vào nhau. Vụ tai nạn làm quân nhân Nam và 3 người dân chết ngay tại chỗ, quân nhân Vi bị thương nặng phải cấp cứu, hai xe máy hỏng nặng.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ mất ATGT nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ ngày 16-12-2005 đến ngày 15-9-2006, toàn quân xảy ra 265 vụ TNGT các loại, trong đó có 61 vụ tai nạn ô tô và 204 vụ tai nạn mô tô, làm chết 202 người, bị thương 210 người, hư hỏng 11 xe ôtô và hơn 50 mô tô, xe máy. So với cùng kỳ năm trước nếu số vụ tai nạn do mô tô gây ra “giẫm chân tại chỗ” thì số vụ tai nạn do xe ôtô quân sự tăng khoảng 25,6%... Những con số trên cho thấy tình hình TNGT trong quân đội vẫn diễn biến phức tạp và rất đáng lo ngại, đặc biệt tai nạn do mô tô, xe máy gây ra chưa kiềm chế được.

Lỗi do chủ quan vẫn là chính

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên có nhiều nhưng lỗi do chủ quan vẫn là chính. Theo phân tích của các cơ quan chức năng, TNGT do lỗi chủ quan của lái xe ô tô quân sự chiếm xấp xỉ 74%; của mô tô do quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng điều khiển chiếm 70%. Sự chủ quan được thể hiện dưới nhiều dạng như bất cẩn trong xử lý tình huống; phóng nhanh vượt ẩu; chấp hành không nghiêm các quy định về giấy tờ, thủ tục, mũ bảo hiểm... khi tham gia giao thông.... Tình trạng quân nhân uống rượu, bia khi tham gia giao thông chưa giảm. Số vụ mất an toàn giao thông do rượu, bia chiếm khoảng 15 đến 20%. Điển hình là trường hợp binh nhất Nguyễn Quốc Phương, chiến sĩ thuộc Ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận. Mặc dù đơn vị cấm chiến sĩ không được đi xe máy, không được uống rượu, nhưng chiến sĩ này đã uống rượu say, điều khiển xe máy lấn trái đường đâm vào xe mô tô trở 3 người dân đi ngược chiều tại địa bàn xã Phước Mỹ, thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Vụ tai nạn đã làm chết 2 người dân, quân nhân Phương và 1 người dân khác bị thương nặng. Đáng chú ý là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn vẫn chưa giảm. Số vụ tai nạn do chạy quá tốc độ quy định, phóng nhanh, vượt ẩu vẫn còn khoảng 55,5%. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 5-2-2006. Xe ô tô mang biển số KB.39-16 của Bộ CHQS tỉnh Lai Châu do thiếu uý chuyên nghiệp Đặng Văn Cương điều khiển, do chạy quá tốc độ quy định khi vào cua tầm quan sát hạn chế đã đâm vào xe mô tô của dân đi người chiều. Hậu quả làm 1 người dân chết tại chỗ, 1 người bị thương nặng… Điều dễ nhận thấy là ý thức chấp hành Luật Giao thông và các quy định về ATGT của người điều khiển phương tiện trong quân đội vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Xử lý phải nghiêm minh

Để giải quyết các vụ việc xảy ra, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều đặt vấn đề phải xử lý nghiêm minh người vi phạm. Đại tá Chu Quang Hoà, Phó chỉ huy trưởng - Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động 50 của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang khẳng định: “Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đã góp phần quan trọng tạo ra những bước chuyển của Bộ CHQS tỉnh trong bảo đảm ATGT”. Không chỉ xử lý nghiêm theo pháp luật, điều lệnh kỷ luật và các quy định của đơn vị, Đoàn B16 Quân khu 2 còn kiên quyết yêu cầu người gây tai nạn phải bồi thường tài sản bị hư hỏng, thiệt hại cho đơn vị, cá nhân. Các quân nhân vi phạm an toàn giao thông nếu đến kỳ hạn cũng không được xét thăng quân hàm, nâng lương, thi nâng bậc. Người chủ trì đơn vị có quân nhân vi phạm ATGT nghiêm trọng cũng bị xử lý kỷ luật…

Tuy nhiên trên thực tế không phải đơn vị nào, người chỉ huy nào cũng thực hiện tốt công việc này. Nhiều vụ việc xảy ra không được đơn vị kiểm điểm, xử lý kịp thời hoặc để dây dưa kéo dài gây dư luận không tốt. Có nơi xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” thiếu tính răn đe, giáo dục. Đây đó còn có chuyện cùng một lỗi phạm nhưng người này xử nặng, làm nghiêm người kia lại xử nhẹ, thậm chí cho qua vì những lý do tế nhị. Gần đây xuất hiện cả lỗi kỹ thuật lái xe ô tô và tình trạng kỹ thuật của xe mô tô. Tuy nhiên khi xem xét, nhiều đơn vị lại đổ lỗi cho khách quan ít chú ý đến trách nhiệm của cá nhân… Để hạn chế vi phạm, theo chúng tôi ngoài những quy định của pháp luật, của điều lệnh, căn cứ vào tình hình cụ thể các đơn vị, người chỉ huy cần có những quy định cụ thể để làm căn cứ khi xem xét, xử lý các vụ việc.

NHÓM PV QUỐC PHÒNG-AN NINH