Trong giai đoạn đầu mới thành lập, đặc biệt là những năm tháng khói lửa chiến tranh, các cán bộ, phóng viên thế hệ đầu tiên của báo luôn có mặt ở những trận tuyến ác liệt nhất để phản ánh sâu sát các hoạt động công tác, chiến đấu, xây dựng đơn vị trên địa bàn biên giới, hải đảo, giới tuyến của lực lượng Công an nhân dân vũ trang; cổ vũ, động viên và góp phần phòng, chống âm mưu khiêu khích phá hoại của kẻ thù dọc giới tuyến tạm thời; đấu tranh chống gián điệp, biệt kích; tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống âm mưu kích động “xưng vua”, “nổi phỉ” gây bạo loạn, cướp chính quyền tại các khu vực biên giới... được bạn đọc quan tâm đón nhận. Báo Công an nhân dân vũ trang ngày đó trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành nắm bắt kịp thời tình hình biên giới, giới tuyến, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, để có đối sách xây dựng phòng tuyến an ninh từ nội địa ra biên giới, giới tuyến... Qua tờ báo, lực lượng BĐBP và bạn đọc được biết đến nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương sáng về đức hy sinh, lòng tận tụy của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Một trong số đó là Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Thọ công tác tại Leng Su Sìn (Lai Châu). Những câu chuyện về anh Trần Văn Thọ từ những năm tháng đầu tiên của lực lượng biên phòng vẫn được truyền tụng đến hôm nay.
 |
Phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng) phỏng vấn phi công Mỹ sau khi máy bay bị quân ta bắn rơi năm 1967. Ảnh tư liệu. |
Nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên Báo Biên phòng, cho biết: "Báo Công an nhân dân vũ trang có được vinh dự rất lớn, đó là được Bác Hồ đặt tên và các số báo ra Bác Hồ thường đọc, có số Bác còn ghi bút tích nhận xét bài báo, yêu cầu khen thưởng những gương người tốt, việc tốt được đăng báo, chỉ bảo những sai sót về mặt nghiệp vụ báo chí. Đây là niềm động viên, khích lệ lớn không chỉ đối với cán bộ, phóng viên tòa soạn mà còn là vinh dự chung cho toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang".
Sau năm 1975, cán bộ, phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang (sau đổi tên là Báo Chiến sĩ Biên phòng) cùng với toàn lực lượng bước vào một giai đoạn chiến đấu mới. Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ triển khai lực lượng ra các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo ở miền Nam; cùng quân và dân phá âm mưu “hậu chiến” của địch; tiến hành các mặt công tác chính trị và nghiệp vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới; giúp đỡ các địa phương mới giải phóng xây dựng chính quyền cách mạng, vận động nhân dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Giai đoạn này, báo đã trưởng thành về mọi mặt với đội ngũ phóng viên có bản lĩnh chính trị và năng lực vững vàng. Những bài viết của báo được bạn đọc cả nước quan tâm, đón nhận, thực sự là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và quân dân biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, Báo Biên phòng đã không ngừng phát triển, lớn mạnh. Và bước ngoặt lớn nhất, ngày 24-4-2001, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho Báo Biên phòng được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Năm 2005, báo tiếp tục được cấp giấy phép xuất bản phụ trương An ninh biên giới; năm 2007, trang tin bienphong.com.vn ra đời và đến ngày 31-7-2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký giấy phép hoạt động báo chí điện tử cho Báo Biên phòng.
Báo Biên phòng không ngừng đổi mới cả về nội dung, hình thức các ấn phẩm, tạo nên bản sắc riêng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Nội dung phong phú, hấp dẫn, được đông đảo bạn đọc cả nước hoan nghênh, tìm đọc, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đặc biệt là tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong giai đoạn 2001-2019, các chương trình truyền hình do Báo Biên phòng tổ chức thực sự có sức lan tỏa mạnh trong xã hội, tiêu biểu như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Âm vang biên giới”; “Biên cương thắm tình hữu nghị”; “Vì những con tàu xa khơi”; “Những người thắp lửa biên cương”; “Nâng bước em tới trường"; “Biên cương trên đường hội nhập”... Đặc biệt, Báo Biên phòng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất phim tài liệu truyền hình gồm 25 tập “Ký sự Biên phòng” và 35 tập “Ký sự biển đảo” thu hút đông đảo người theo dõi và gây được tiếng vang trong dư luận.
Thượng tá Nhâm Hồng Hắc, Tổng biên tập Báo Biên phòng cho biết: "Suốt chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Báo Biên phòng đều bám sát tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị, định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP. Các ấn phẩm của báo thông tin kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quân đội; phản ánh sinh động thực tiễn công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thường xuyên, kiên trì đấu tranh phản bác có hiệu quả các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vạch trần thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đấu tranh chống hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái đạo đức, các tệ nạn xã hội; góp phần tích cực xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại được tăng cường, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển".
VIẾT HÀ