Thượng tá Lê Hồng Hà, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tuy cuối năm nhưng tình hình thiên tai luôn diễn biến phức tạp nên đơn vị phải thường xuyên bám nắm, canh trực để sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra…”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng lai dắt phương tiện vào bờ.

Anh Hà cho biết: Tỉnh Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72km, vùng biển rộng khoảng 30.000km2, địa bàn biên phòng gồm 11 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Nghề đánh bắt hải sản trên biển là lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Sóc Trăng nên bên cạnh các tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh thì còn có hơn 4.500 lượt tàu ngoài tỉnh vào cảng cá Trần Đề. Do đó, công tác hỗ trợ ngư dân luôn là nhiệm vụ thường trực của đơn vị và đội tàu cứu hộ của tỉnh Sóc Trăng. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức quán triệt nghiêm Chỉ thị của Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Sóc Trăng về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn (PCTT, TKCN). BĐBP tỉnh tiến hành khảo sát, nắm toàn bộ các khu vực xung yếu và số lượng nhân dân phải sơ tán, địa điểm di dời, vị trí neo đậu tàu, thuyền khi có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra. Triển khai, xây dựng, củng cố tổ tàu thuyền an toàn, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi đánh bắt thủy hải sản cũng như khi gặp tai nạn trên biển. Năm 2018, lực lượng BĐBP tổ chức huấn luyện, luyện tập được 14 giờ với 218 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; huy động 10 phương tiện với 254 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Trung tâm TKCN Hàng hải Khu vực 3, Vùng Cảnh sát biển 4, BĐBP các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh... tổ chức TKCN 13 phương tiện, đưa hơn 50 người vào bờ an toàn. BĐBP tỉnh còn thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện và có các giải pháp cứu hộ, TKCN khi có sự cố xảy ra.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, hằng năm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do cấp trên và địa phương tổ chức; duy trì nghiêm chế độ trực, rà soát, bám nắm chắc các khu vực xung yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, chủ động xây dựng phương án, điều chỉnh kế hoạch. Toàn lực lượng tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, trong đó chú trọng huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ các phương án, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, nhất là kỹ năng cứu hộ, TKCN, cứu người trên biển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn; phát tờ rơi in tần số trực canh để nhân dân nắm, cung cấp thông tin khi có tai nạn, sự cố trên biển...   

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH - VĂN LONG