Quân giải phóng tiến công, tiêu diệt địch ở Hướng Hóa. Ảnh tư liệu

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), các chiến dịch tiến công của ta đều tổ chức lực lượng tiến công từ nhiều hướng, nhằm khoét sâu những nhược điểm về bố trí phòng ngự của địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó nhiều nơi. Hướng tiến công chủ yếu thường được tập trung lực lượng nhiều hơn các hướng khác để nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng ngự của địch, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, tiêu diệt lực lượng địch ứng cứu, giải tỏa, giành thắng lợi. Tuy nhiên, cũng có chiến dịch chưa chú ý đúng mức đến việc tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu, nên khi tạo được thời cơ để tiêu diệt địch ngoài công sự (địch hành quân giải tỏa, rút lui), lại không có lực lượng đủ mạnh để tiến công tiêu diệt, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968.

Trong chiến dịch này, ta tổ chức lực lượng tiến công trên hai hướng (hướng Tây và hướng Đông, trong đó hướng Tây là hướng chủ yếu), nhưng lực lượng sử dụng trên hai hướng gần như bằng nhau trong suốt quá trình chiến dịch. Mặc dầu, trước đó ta đã dự kiến, khi vây lấn Tà Cơn địch sẽ tăng viện ứng cứu và nhận định đây là thời cơ thuận lợi để tiêu diệt quân địch. Nguyên nhân không tập trung được lực lượng cho hướng chủ yếu có nhiều, nhưng nổi lên mấy vấn đề chủ yếu là:

Trước hết, do công tác chuẩn bị chiến trường chưa đầy đủ, chu đáo, nhất là đường cơ động cho cơ giới, lương thực, đạn dược, nên hướng chủ yếu không có điều kiện sử dụng được nhiều lực lượng, nhất là các binh khí kỹ thuật. Mặt khác, do đánh giá chưa đúng khả năng của ta, đề ra nhiệm vụ tiêu diệt 5 đến 7 tiểu đoàn Mỹ, dẫn đến muốn đánh mạnh ở nhiều khu vực, giành thắng lợi ở nhiều nơi, nên lực lượng phải phân tán. Nếu đề ra nhiệm vụ phù hợp hơn và kiên quyết tập trung lực lượng tiêu diệt 1 đến 2 tiểu đoàn Mỹ thì tình huống sẽ có nhiều chuyển biến có lợi cả về chiến dịch và chiến lược.

Huấn luyện bắn ở Đoàn M68 pháo binh (Quân khu 2). Ảnh: ANH THU

Chưa tin chắc vào việc chọn đúng hướng tiến công chủ yếu. Mặc dù Bộ chỉ huy chiến dịch đã chọn hướng Tây là hướng chủ yếu, nhưng lại dự phòng quá nhiều khả năng hướng Đông có thể trở thành hướng chủ yếu, nên phải giữ binh lực ở nhiều khu vực khác nhau để sẵn sàng đối phó với các tình huống khác có thể xảy ra, dẫn đến phân tán lực lượng.

Cuối cùng là một số cán bộ chỉ huy chưa nhận thức đầy đủ giá trị của những trận đánh tiêu diệt gọn, những trận then chốt trong chiến dịch, nên không kiên quyết tập trung lực lượng đánh những trận quyết định. Chẳng hạn như trong đợt 2 ta vây hãm Tà Cơn, địch đang ở thế khốn quẫn về nhiều mặt, lẽ ra, nhân cơ hội đó ta tập trung lực lượng dùng Trung đoàn 2, Sư đoàn 325 và Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, kiên quyết đánh tiêu diệt bằng được tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở điểm cao 832 và 573 (Tây Bắc Tà Cơn) đồng thời tổ chức hỏa lực khống chế, uy hiếp sở chỉ huy trung đoàn thủy quân lục chiến Mỹ và sân bay Tà Cơn thì quân địch cố thủ trong Tà Cơn sẽ khốn quẫn hơn nữa, buộc địch phải đưa quân từ phía Trị-Thiên-Huế ra cứu nguy cho Tà Cơn sớm hơn. Như vậy, ta vừa tiêu diệt được một tiểu đoàn tinh nhuệ quân Mỹ phòng ngự trên điểm cao, vừa sớm thu hút thêm lực lượng quân Mỹ lên khu vực Khe Sanh, tạo ra những điều kiện có lợi. Trái lại, cuối tháng 2, ta lại rút toàn bộ Sư đoàn 325 đưa vào Tây Nguyên, còn nhiệm vụ bao vây các điểm cao 845, 832, 573 và đánh lấn Tây Bắc sân bay Tà Cơn chỉ giao cho Trung đoàn 66 đảm nhiệm. Vì lực lượng ít, nên vây cũng không chặt, lấn cũng không sâu, khi địch phản kích thì diệt cũng không gọn và cũng không còn lực lượng mạnh đột phá tiêu diệt phòng ngự trên điểm cao.

Trong đợt 4 của chiến dịch, ta vây lại Tà Cơn và đánh địch rút chạy. Giữa tháng 5-1968, Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 36) vào chiến trường Khe Sanh, lực lượng đang sung sức, có kinh nghiệm đánh địch phòng ngự trên cao. Trung đoàn 102 đảm nhiệm tiêu diệt một đại đội Mỹ phòng ngự điểm cao Làng Cát (trên đường số 9), cắt đứt đoạn đường 9, nhưng do không tập trung lực lượng nên cả hai lần tiến công đột phá cứ điểm làng Cát đều không thành. Ở đây không phải thiếu lực lượng mà do vận dụng nguyên tắc tập trung lực lượng thiếu linh hoạt, sự quan tâm, chỉ đạo đánh trận then chốt thúc đẩy chiến dịch chưa đúng mức.

Từ thực tiễn trên cho thấy, tiến công địch trên nhiều hướng nhưng phải tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu là nguyên tắc không được xem nhẹ.

LÊ VĂN BẢO