QĐND - Tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, tiến công địch ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nhằm: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước XHCN; mở rộng, củng cố căn cứ địa. Để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh quyết định tập trung lực lượng gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174 (khoảng 2/3 lực lượng cơ động của Bộ lúc bấy giờ); 3 tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc và tỉnh Lạng Sơn, toàn bộ các đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Phương án tác chiến lúc đầu của Bộ Chỉ huy chiến dịch là tiến công tiêu diệt địch ở thị xã Cao Bằng để kéo viện binh lên đánh, sau đó chuyển lực lượng xuống tiêu diệt địch ở Đông Khê, Thất Khê. Nhưng sau khi trinh sát thực địa, nhận thấy so với Đông Khê và Thất Khê thì Cao Bằng là nơi địch rất mạnh (do 2 tiểu đoàn đóng giữ, có pháo đài kiên cố...), đánh vào đây phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, như vượt sông, đánh quân nhảy dù... nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đánh vào Đông Khê - mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự từ Cao Bằng đến Thất Khê của địch mở màn chiến dịch, vì đánh Đông Khê bảo đảm chắc thắng (lực lượng địch chiếm giữ chỉ bằng 1/3 ở Cao Bằng, 1/2 ở Thất Khê); chiếm được Đông Khê làm cho thế trận phòng ngự địch bị chia cắt, cụm cứ điểm Cao Bằng bị cô lập với hậu phương của chúng ở Lạng Sơn, nếu địch rút khỏi Cao Bằng sẽ bộc lộ nhiều sơ hở để ta tiêu diệt địch ngoài công sự. Mặt khác, mất Đông Khê tạo nên sự uy hiếp trực tiếp Thất Khê, buộc địch phải đưa lực lượng từ Lạng Sơn, Thất Khê lên ứng cứu, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt địch ngoài công sự phát triển chiến dịch. Ngày 16-9, chiến dịch nổ súng tiến công cụm cứ điểm Đông Khê, mặc dù địch chống trả quyết liệt, dùng pháo binh đánh mạnh vào đội hình tiến công của ta, dựa vào hầm ngầm cố thủ và phản kích, nhưng đến 10 giờ sáng 18-9, ta hoàn toàn làm chủ Đông Khê.
 |
Đoàn xe cam-nhông của Pháp chở quân lên ứng cứu Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950 nhưng sau đó đã bị quân ta chặn đánh. Ảnh tư liệu. |
Đúng như dự đoán của ta, sau đòn “điểm huyệt” vào Đông Khê, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, vội vã bay từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi lên Lạng Sơn và vạch ra kế hoạch lớn bao gồm và kết hợp hai cuộc hành binh: Một cuộc do Trung tá Le Page chỉ huy tiến lên chiếm lại Đông Khê để làm bàn đạp đón cánh quân từ Cao Bằng rút về và cuộc hành binh rút quân từ Cao Bằng về do Trung tá Charton chỉ huy.
Đêm 30-9, 4 tiểu đoàn của Le Page bắt đầu hành quân. Trưa 1-10, địch tới gần Đông Khê và để tạo yếu tố bất ngờ, Le Page cho tiểu đoàn đi đầu tổ chức tiến công. Tuy lúc đầu có bị bất ngờ, nhưng quân ta đã nhanh chóng tập trung lực lượng triển khai thế trận tiêu diệt quân địch. Đến ngày 2-10, địch nhận thấy không thể chiếm lại được Đông Khê, chúng để lại trước Đông Khê 2 tiểu đoàn làm nhiệm vụ kiềm chế thu hút lực lượng ta, 2 tiểu đoàn còn lại tiến sang phía Tây, vòng lên Quang Liệt, Nậm Nàng (Tây Bắc Đông Khê) để đón quân từ Cao Bằng về rồi cùng rút xuống Thất Khê.
Sáng 3-10, lực lượng địch ở Cao Bằng bắt đầu rút, mặc dù đến trưa 4-10, Bộ Chỉ huy chiến dịch mới nhận được tin địch rút khỏi Cao Bằng, nhưng quân ta vẫn nhanh chóng tổ chức lực lượng kịp bám đánh, làm cho chúng bị thiệt hại nặng. Với quyết tâm tranh thủ thời gian tiêu diệt binh đoàn Le Page trước khi binh đoàn Charton về đến nơi, không cho hai cánh quân địch gặp nhau, các đơn vị của ta nhanh chóng vận động, vừa hành quân vừa tổ chức chiến đấu, tìm đường mà đi, tìm địch mà đánh. Đến chiều 5-10, 4 tiểu đoàn của ta đã khép chặt vòng vây binh đoàn Le Page ở Cốc Xá và 17 giờ nổ súng tiến công, chia cắt tiêu diệt địch. Đến sáng 7-10, trận đánh cơ bản kết thúc. Le Page cùng ban tham mưu binh đoàn chạy khỏi Cốc Xá, nhưng sau đó bị ta bắt gọn ở Nà Kao.
Trong khi binh đoàn Le Page đang bị tiến công ở Cốc Xá thì binh đoàn Charton đang cố tiến từ Quang Liệt về điểm cao 477, cách Cốc Xá về phía Tây 3km. Sáng 6-10, ta sử dụng 5 tiểu đoàn tiến công, chia cắt tiêu diệt. Không đủ sức chống đỡ, đến trưa chúng cho một bộ phận ở lại nghi binh, còn đại bộ phận men theo suối chạy về phía Nam. Nhưng chúng cũng không thoát, bị ta vây và đánh ở Bản Ca, binh đoàn Charton cũng bị xóa sổ.
Kế hoạch kết hợp hai cuộc hành binh tiến lên chiếm lại Đông Khê để làm bàn đạp đón cánh quân từ Cao Bằng rút về và rút quân từ Cao Bằng về của thực dân Pháp bị thất bại, 2 binh đoàn bị xóa sổ. Còn ta thì đã hoàn thành thắng lợi trận then chốt quyết định của chiến dịch, góp phần quyết định vào thắng lợi Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950. Thắng lợi của chiến dịch tạo một chuyển biến cơ bản cho cuộc kháng chiến, đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới, giai đoạn ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển hẳn sang liên tục tiến công và phản công địch. Đối với địch, đánh dấu bước ngoặt đi xuống của cuộc chiến tranh Đông Dương và báo hiệu sự sụp đổ của đế quốc thuộc địa Pháp.
Bài học kinh nghiệm về đánh địch ứng cứu, rút chạy trong Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 rất cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào phát triển nghệ thuật chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cách đánh chiến dịch trong điều kiện địch có vũ khí công nghệ cao, cơ động nhanh, tác chiến điện tử mạnh… là vấn đề trước hết chúng ta cần nghiên cứu. Đặc biệt là, phải nắm vững âm mưu, thủ đoạn phòng ngự, ứng cứu, rút chạy của địch trong trường hợp bị ta tiến công; phương pháp tiến hành bao vây, chia cắt không cho lực lượng ứng cứu bằng đường bộ và đường không hợp quân; cách đánh địch tăng viện đường bộ, đổ bộ đường không; cơ động tập trung lực lượng tiến công địch từ nhiều hướng...
Tiến sĩ Lê Văn Bảo